Tràn lan lừa đảo trực tuyến
Lừa đảo trực tuyến ngày càng xuất hiện nhiều trên không gian mạng tại Việt Nam. Hình thức lừa đảo này không khác gì một 'dịch bệnh' lây lan trong cộng đồng, gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống tội phạm mạng.
“Đại dịch” lừa đảo trực tuyến
Theo số liệu của Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm mạng đã lợi dụng triệt để công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), gây ra tổn thất hàng ngàn tỷ USD mỗi năm. Riêng năm 2023, con số này là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Cũng trong năm 2023, tại Việt Nam, các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.
Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến. Con số thiệt hại từ hành vi này lên tới hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Khi công nghệ càng phát triển, chiêu thức hoạt động của tội phạm mạng càng tinh vi, chuyên nghiệp và có tổ chức. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) Nguyễn Minh Chính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) cho hay: “Loại tội phạm này hoạt động chuyên nghiệp, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Nhóm này thành lập các công ty chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt động phạm tội tại Việt Nam".
Theo Cục trưởng Cục A05, trong năm 2023, đơn vị phát hiện hơn 3.500 vụ việc, tổng số thiệt hại lên tới hơn 2.487 tỷ đồng. Các hình thức lừa đảo chủ yếu là tuyển dụng cộng tác viên tham gia kinh doanh buôn bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (chiếm 44,7%); các mã độc tấn công người dùng Việt, sử dụng mạng xã hội để lừa đảo (17,3%); gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án Nhân dân, nhân viên ngân hàng… (11,6%); giả danh các sàn giao dịch tài chính, chứng khoán (13,2%)…
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, hiện có 91% lừa đảo liên quan đến tài chính - ngân hàng. Trong lĩnh vực ngân hàng, trên 95% số lượng giao dịch được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy. Theo đó, tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ đồng, nếu chia theo ngày làm việc thì khoảng 830.000 tỷ đồng/ngày.
Chung tay chống lừa đảo trực tuyến
Có nhiều nguyên nhân khiến công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn như: hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh; chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng internet dẫn đến khó quản lý đối tượng trẻ em.
Ngoài ra, việc phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém. Việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng vậy, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.
Một thách thức nữa trong công tác phòng, chống lừa đảo trực tuyến đó là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng. Ngoài các bất cập kể trên, vấn đề sim "rác”, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý, song vẫn còn tràn lan, khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn…
Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội NCA cho rằng, các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cần bám sát 4 trụ cột: tham mưu hoàn thiện chính sách; định hướng phát triển giải pháp công nghệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng với tổ chức, DN; trách nhiệm của DN, tổ chức trong bảo vệ con người, phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với lừa đảo qua không gian mạng; nâng cao “sức đề kháng” cho người dân, tổ chức tham gia môi trường mạng.
Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, DN và người dân.
“Với quan điểm đó, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nghiệp vụ công tác, nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm trên không gian mạng” - ông Nguyễn Minh Chính chia sẻ.
Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Quang Hưng cho rằng, các tổ chức, DN phải có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp khả thi để bảo vệ người dân, khách hàng đang sử dụng dịch vụ của mình được an toàn trên không gian mạng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tran-lan-lua-dao-truc-tuyen.html