Trân quý giữ gìn, phát triển tài sản thiên nhiên ban tặng

Bảo tồn, phát triển sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước lâu nay được các các cấp, ngành, địa phương quan tâm.

Các đoàn thể ra quân vệ sinh môi trường đầm phá, bảo vệ vùng đất ngập nước

Các đoàn thể ra quân vệ sinh môi trường đầm phá, bảo vệ vùng đất ngập nước

Vùng đất ngập nước ở trên địa bàn Thừa Thiên Huế chủ yếu là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nơi đây có diện tích khá lớn khoảng 22.000ha, được xem là “báu vật” xứng đáng là một bảo tàng nước, bảo tàng sinh học của cả khu vực Đông Nam Á.

Kết quả điều tra gần đây thống kê được tổng số loài tại khu vực này là 1.296 loài; trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh (bao gồm 7 loài cỏ biển), 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim.

Tại đầm phá, có các loài sinh vật có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế trong Danh lục đỏ của Việt Nam và Sách đỏ quốc tế của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)...

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên, bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn có chức năng lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão, giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; bảo đảm nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân.

Riêng các địa bàn, như huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc... còn được hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chống sạt lở, chống xâm nhập mặn. Đây chính là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển và góp phần đa dạng sinh học ở các địa phương này.

Những năm gần đây tỉnh có những quyết sách quan tâm giữ gìn, phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là hướng đi phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh nhà và các quy hoạch chuyên ngành của địa phương; đảm bảo tính khả thi, thực tế; phù hợp với định hướng xây dựng "đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh".

Bằng những việc làm cụ thể, các cơ quan chức năng và địa phương đã, đang tập trung giám sát diễn biến đa dạng sinh học trong mối liên quan với tác động do biến đổi khí hậu gây nên; nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái, nhất là đối với hệ sinh thái ven biển, sinh thái nông nghiệp và hệ sinh thái đô thị. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thống kê, kiểm kê, phân loại các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý theo pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng cửa sông, ven biển, để tái lập sự đa dạng sinh học...

Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương còn phối hợp các tổ chức trong, ngoài nước hàng năm trồng, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, tái tạo nguồn lợi thủy sản quý hiếm bị đe dọa ở các khu vực nằm trong hệ đầm phá này. Qua đó tạo điều kiện tốt cho cộng đồng cùng chung tay quản lý, bảo vệ, khai thác các giá trị vốn có đảm bảo cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân trong khu vực…

Mới đây, vào sáng 28/1, tại Cảng cá Thuận An, TP. Huế, UBND tỉnh tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Đất nước ngập nước Thế giới năm 2024, với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”. Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã gửi những thông điệp: Hãy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; vì con người và thiên nhiên: Hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi đất ngập nước; bảo tồn đa dạng sinh học vì tương lai của tất cả chúng ta.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/tran-quy-giu-gin-phat-trien-tai-san-thien-nhien-ban-tang-137689.html