Trăn trở nghề mây tre đan

Vốn là nghề truyền thống ở xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ, tuy nhiên để duy trì nghề mây tre đan, người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Bí đầu ra, không có người kế nghiệp hay khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp trên thị trường là những nguyên nhân khiến nghề mây tre đan ở Nà Tấu đang gặp khó, đứng trước nguy cơ mai một.

Khách du lịch tìm hiểu và mua sản phẩm mây tre đan của HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu.

Khách du lịch tìm hiểu và mua sản phẩm mây tre đan của HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu.

Công dày, lãi mỏng

65 tuổi, đôi tay dẻo dai vót từng chiếc nan, lột từng sợi mây, đan từng chiếc ghế, gùi, nia, mẹt... gần 50 năm qua, ông Quàng Văn Phích, bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu vẫn miệt mài “dệt” tình yêu với mây tre, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Ông Phích kể, khi còn nhỏ, ông thường mày mò theo các bậc cao niên trong bản học hỏi kỹ năng đan lát. Thế nên, hơn 10 tuổi ông đã biết đan, lớn thêm nữa thì biết chẻ nan, vót mây... Rồi cứ thế tình yêu đan lát “ngấm vào máu” lúc nào không hay.

Năm 2010, Hợp tác xã (HTX) làng nghề mây tre đan Nà Tấu được thành lập, ông Phích tham gia với vai trò là một trong những thành viên chủ chốt, miệt mài gắn bó với đan lát. Cũng theo ông Phích, việc tham gia HTX cốt lõi là để thỏa mãn tình yêu với nghề và giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, chứ để sống được bằng nghề thì khó, bởi nghề này gần như lấy công làm lãi khi thu nhập trung bình của mỗi thành viên trong HTX chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng.

Có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt quy trình làm ra một sản phẩm mây tre đan ở HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu chúng tôi mới phần nào hiểu được tâm tư của ông Phích. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát, người làm phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ sợi, phơi khô đến đan.

Mỗi chiếc giỏ tre đựng tôm, cá cỡ nhỏ phải mất 2 ngày để hoàn thiện.

Mỗi chiếc giỏ tre đựng tôm, cá cỡ nhỏ phải mất 2 ngày để hoàn thiện.

Đơn cử để làm một chiếc giỏ tre đựng tôm, cá cỡ nhỏ phải mất 2 ngày. Với giá bán 60.000 đồng/chiếc, trừ chi phí nguyên vật liệu khoảng 20.000 đồng, chỉ còn 40.000 đồng cho 2 ngày công. Còn với mâm mây tre đan, để hoàn thiện một sản phẩm phải mất ít nhất 10 ngày. Mỗi chiếc mâm sẽ được đan rời các bộ phận. Đầu tiên là dựng khung, đan chân đế và vành mâm, cuối cùng là mặt mâm. Khó nhất là phần đan mặt mâm, nếu không cẩn thận không thể ghép khớp bàn mâm với chân mâm. Bởi vậy không chỉ là sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong mỗi công đoạn mà đòi hỏi người đan mây tre phải có tay nghề, kinh nghiệm.

Kỳ công là vậy nhưng mỗi chiếc mâm làm ra tại HTX hiện có giá bán trung bình 1,5 triệu đồng, so với thời điểm cách đây 7, 8 năm giá gần như không tăng. Bởi vậy, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu thì phần lãi chia đều cho 10 ngày công không đáng là bao.

Sản phẩm mây tre đan Nà Tấu dù đa dạng nhưng mẫu mã chưa có sự đổi mới.

Sản phẩm mây tre đan Nà Tấu dù đa dạng nhưng mẫu mã chưa có sự đổi mới.

Bên cạnh đó, sản phẩm mây tre đan ở Nà Tấu dù đa dạng nhưng mẫu mã chưa có sự đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường với nhiều sản phẩm gọn nhẹ, tiện lợi. Điều này cũng khiến nghề mây tre đan ở Nà Tấu phải chịu sức ép cạnh tranh không nhỏ. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm mây tre đan Nà Tấu chủ yếu là khách lẻ và một số ít khách du lịch khiến làng nghề mây tre đan truyền thống xã Nà Tấu gặp muôn vàn khó khăn để tồn tại, chưa nói đến phát triển.

Tre già… măng chẳng chịu mọc

Giữ được nghề đã khó, truyền được nghề càng khó hơn, đây chính là thực trạng nghề mây tre đan truyền thống ở Nà Tấu.

Nếu như trước đây, gần như cả bản Nà Tấu 1, Nà Tấu 2 gắn bó với nghề mây tre đan thì đến nay chỉ còn vài hộ. Ông Lò Văn Inh ở bản Nà Tấu 1 năm nay đã 85 tuổi, là một trong số ít người vẫn duy trì với nghề mây tre đan truyền thống.

Ông Inh trải lòng: “Trong bản giờ chỉ những người lớn tuổi còn đan lát, chứ đám con cháu không mấy đứa mặn mà, ít ai muốn học và giữ nghề này. Ngay cả mấy đứa con, cháu của tôi, học rồi, biết nghề nhưng không đứa nào muốn làm nghề vì so với các công việc khác, nghề này thu nhập không cao. Cứ thế này, nguy cơ nghề truyền thống của cha ông sẽ bị mai một, khi lớp người già về với tổ tiên”.

Người dân bản Nà Tấu 1 đan sản phẩm từ mây, tre.

Người dân bản Nà Tấu 1 đan sản phẩm từ mây, tre.

Tại HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu, khi mới thành lập có 25 thành viên tham gia, nhưng hiện tại còn 20 thành viên. Ông Lò Văn Cương, Giám đốc HTX chia sẻ: Thành viên HTX hầu hết đều là những người đã có tuổi. Người già nhất năm nay đã 85 tuổi, trẻ nhất thì cũng đã ở tuổi 55. Những thành viên cao tuổi lần lượt “lá rụng về cội”, nguồn nhân lực trẻ thì không mặn mà theo nghề. Tre già mà măng chẳng chịu mọc nên số thành viên trong HTX ngày càng giảm”.

Những người già am hiểu về nghề mây tre đan ở Nà Tấu ngày càng thưa thớt, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với chính nghề truyền thống của cha ông. Trước sự mai một của nghề, làng nghề truyền thống, nhiều người dân không khỏi xót xa, lo lắng.

Mang những trăn trở trên trao đổi với lãnh đạo UBND xã Nà Tấu, chúng tôi được ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu thông tin: Xã thường xuyên tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho những người trẻ trong độ tuổi lao động, chưa có việc làm ổn định học nghề hoặc tham gia liên kết với HTX để duy trì, phát triển nghề mây tre đan của xã. Tuy nhiên, sản phẩm không có đầu ra ổn định, thu nhập thấp nên nhiều thanh niên hiện nay không mấy mặn mà với nghề, mà tìm đến công việc khác, kể cả đi làm thuê để kiếm thu nhập cao hơn.

Trăn trở nghề truyền thống

Tháng 10/2022, nghề mây tre đan tại bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu được UBND tỉnh Điện Biên công nhận là "làng nghề truyền thống". Tiếp đó, tháng 3/2023, nhân dân bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu đón Bằng công nhận nghề mây tre đan truyền thống. Hàng năm, các thành viên HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu đều được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng; sản phẩm của HTX thường xuyên được mang đi trưng bày, quảng bá tại các sự kiện triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Nguyên liệu làm sản phẩm mây tre đan được người dân Nà Tấu tìm mua ở các địa phương khác.

Nguyên liệu làm sản phẩm mây tre đan được người dân Nà Tấu tìm mua ở các địa phương khác.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực nhằm duy trì những giá trị mà cha ông để lại, làng nghề mây tre đan Nà Tấu đang dần thu hẹp, hoạt động cầm chừng. Từ việc thiếu nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ không ổn định, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, mẫu mã sản phẩm mây tre đan chưa có sự đổi mới. Mặt khác, nguồn nguyên liệu cho mây tre đan ngày càng khan hiếm dẫn đến khó duy trì làng nghề mây tre đan Nà Tấu.

Để giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất, xã Nà Tấu đã từng được Sở Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ trồng hơn 10ha cây mây. Tuy nhiên, khí hậu thổ nhưỡng vùng trồng không phù hợp nên cây mây phát triển chậm, chất lượng không đảm bảo đành bỏ. Người dân phải tìm mua nguyên liệu ở các huyện khác, như: Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên…

Trải qua bao thăng trầm, dù đến nay vẫn tồn tại nhưng nghề mây tre đan ở Nà Tấu đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Trước thực tại trên, muốn phát triển làng nghề, cần có giải pháp giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, tiếp thu những kỹ thuật mới, mẫu mã mới. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp để khai thác giá trị sử dụng và gắn kết với du lịch. Đưa nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch, để tăng thu nhập cho người dân từ việc gắn bó với nghề, góp phần bảo tồn nghề thủ công truyền thống.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/tran-tro-nghe-may-tre-dan