Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức): Phải sớm xử lý dứt điểm

Không có cam kết bảo vệ môi trường; không có giấy phép môi trường; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp…, thế nhưng hơn 20 năm qua, hai trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) vẫn ngang nhiên hoạt động và xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Điều này ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân trên địa bàn, đòi hỏi cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm.

Nước thải của hai trang trại chăn nuôi lợn xả trực tiếp ra kênh tưới tại xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) gây ô nhiễm môi trường.

Nước thải của hai trang trại chăn nuôi lợn xả trực tiếp ra kênh tưới tại xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) gây ô nhiễm môi trường.

Lần theo phản ánh của người dân xã Lê Thanh, phóng viên Báo Hànôịmới đã tiếp cận hai trang trại chăn nuôi lợn quy mô hàng trăm con lợn nái và lợn thịt/trang trại ở xứ đồng Bãi Vải của hộ ông Nguyễn Ngọc Chiến (thôn Áng Hạ) và hộ ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Lê Xá), cùng thuộc xã Lê Thanh. Dù đứng cách hai trang trại này khoảng 200m nhưng phóng viên đã cảm nhận mùi hôi thối của chất thải chăn nuôi bốc lên nồng nặc. Càng đến gần hai trang trại, mùi hôi thối càng nặng hơn.

Theo quan sát, hai trang trại này được xây dựng từ lâu nên chuồng trại cũ kỹ, có dấu hiệu xuống cấp, xung quanh được trồng nhiều cây xanh và luôn "cửa đóng, then cài". Đáng nói, trong quá trình chăn nuôi, cả hai trang trại này đều xả trực tiếp nước thải kèm phân lợn chưa qua xử lý ra kênh tưới sát trang trại khiến màu nước của kênh luôn đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Công chức địa chính xã Lê Thanh Phạm Khắc Thắng cho biết, cả hai trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái này đều xây dựng trên đất nông nghiệp. Trong đó, hộ ông Chiến xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1996 trên diện tích 2.590m2; hộ ông Tiến đưa vào hoạt động năm 2003 với diện tích 2.260m2. “Việc hai hộ xây dựng trang trại nuôi lợn trên đất nông nghiệp xuất phát từ thực trạng trước đây hai hộ này chăn nuôi lợn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, người dân liên tục có ý kiến.

Nhằm giảm ô nhiễm môi trường, hai hộ đã tiên phong chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư. Riêng hộ ông Nguyễn Ngọc Chiến đã được UBND huyện Mỹ Đức phê duyệt dự án chăn nuôi lợn, quy mô 300 con lợn nái vào năm 2012. Thế nhưng tiếc là trong quá trình hoạt động, hai chủ trang trại này không chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường như không có cam kết bảo vệ môi trường; không có giấy phép môi trường; không có kết quả quan trắc môi trường định kỳ theo quy định…, đặc biệt là xả trực tiếp nước thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Việc này gây nhiều bức xúc trong nhân dân”, ông Phạm Khắc Thắng thông tin thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ gây ô nhiễm mùi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thôn Lê Xá và thôn Áng Hạ, nước thải của hai trang trại còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Từ nhiều năm nay, các hộ dân có ruộng giáp hai trang trại phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do nước thải xả trực tiếp ra kênh mương nội đồng nên không thể lấy nước để tưới. Cử tri địa phương đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này, nhưng đến nay vẫn chưa được như mong đợi.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Nguyễn Tất Chung cho biết: Trước kiến nghị của cử tri địa phương, đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Mỹ Đức tại Văn bản số 1209/UBND-TNMT ngày 20-6-2023 về việc đôn đốc thực hiện cấp phép môi trường và đăng ký môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, trong năm 2023, UBND xã đã có hai buổi làm việc với hộ ông Nguyễn Ngọc Chiến và hộ ông Nguyễn Văn Tiến yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo quy hoạch, đồng Bãi Vải là đất trồng cây hằng năm, do đó hai hộ không được tiếp tục đầu tư cũng như cải tạo hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

“Từ thực tế đó, UBND xã Lê Thanh đã yêu cầu hai hộ giảm quy mô chăn nuôi, có lộ trình chuyển chăn nuôi sang khu vực khác, phù hợp quy hoạch, trả lại nguyên trạng đất nông nghiệp tại đồng Bãi Vải. Đến nay, hai hộ đã chấp hành giảm quy mô chăn nuôi tới 75% so với quy mô cũ. UBND xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động hai hộ thực hiện nghiêm chỉ đạo. Nếu hai hộ cố tình không chấp hành, xã sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế theo quy định”, ông Nguyễn Tất Chung khẳng định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trang-trai-chan-nuoi-gay-o-nhiem-moi-truong-tai-xa-le-thanh-huyen-my-duc-phai-som-xu-ly-dut-diem-670419.html