'Tránh bỏ trứng vào một rổ' để xuất khẩu sắn bền vững
Mặc dù hiện nay kim ngạch xuất khẩu sắn đang đạt giá trị cao với gần 1,2 tỷ USD năm 2021, nhưng sự phân bổ thị trường còn nhiều hạn chế. Do đó, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng cần phải tránh tình trạng 'bỏ trứng vào một rổ' đối với xuất khẩu sắn.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2021, diện tích sắn cả nước đạt 528.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm: Trung du Miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, Tây Nguyên có diện tích trồng sắn lớn nhất nước với 172.500 ha, chiếm 32,7% diện tích sắn cả nước.
Năm 2021, năng suất sắn bình quân cả nước đạt 20,3 tấn/ha, sản lượng gần 10,7 triệu tấn. Xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020.
Tuy nhiên, phần lớn sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sắn lại đang tập trung ở thị trường chính Trung Quốc.
Đưa ra những đánh giá về phân bổ thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam tại hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam", ngày 8/4, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thông tin, đến năm 2021 Việt Nam có 528.000 ha sắn.
Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.
Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, có nhà máy nguyên liệu sinh học sản xuất cồn E100 đặt tại Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Việt Nam xuất khẩu thứ 3 thế giới, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 90 - 94% bên cạnh các thị trường còn lại là Đài Loan, Papua New Guinea, Philippines và Hàn Quốc.
Có thể thấy, Trung Quốc đang là thị trường chính chiếm áp đảo các thị trường khác của sản phẩm sắn Việt Nam. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494.380 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt
Do đó, ông Cường cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường trong nhiều năm sắp tới là điều bắt buộc. Sắn không còn là cây “xóa đói” mà đã chuyển mình trở thành cây trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.
Đồng ý kiến với ông Cường, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam, ông Nghiêm Minh Tiến cũng nhấn mạnh phải tránh tình trạng “bỏ trứng vào một rổ” đối với xuất khẩu ngành sắn.
Theo đại diện ngành sắn, vấn đề đặt ra là phải phát triển quy mô chế biến sâu, chế biến sản phẩm sau tinh bột để đa dạng hóa sản phẩm, lúc đó mới có thể đa dạng hóa thị trường.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam
Cần chiến lược dài hạn để xuất khẩu sắn đạt 3 tỷ USD vào năm 2030
Đưa ra phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn về cây sắn không còn là cây “xóa đói giảm nghèo” mà trở thành cây hàng hóa. Bên cạnh đó, cần phải tập trung công tác nghiên cứu khoa học để tìm ra những bộ giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có khả năng kháng bệnh, hàm lượng tinh bột cao.
“Có nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ trong sản xuất sắn ở Việt Nam, đó là năng suất chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng; một số nơi diện tích canh tác chưa bền vững, xói mòn đất. Ngoài ra, dịch bệnh cây sắn còn xuất hiện nhiều, không chỉ bệnh khảm mà còn có nhiều bệnh khác, sản phẩm từ cây mì chưa đa dạng, còn xuất khẩu thô”, ông Doanh cho biết.
Từ những hạn chế này, Thứ trưởng Doanh yêu cầu thời gian tới, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí và giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường liên kết giữa các nhà máy với nông dân.
“Quan điểm của Bộ NN&PTNT là không đặt nặng vấn đề tăng diện tích, giữ ổn định khoảng 500.000 ha sắn, đồng thời tập trung thâm canh, tăng năng suất, giảm chi phí giá thành sản xuất. Chúng ta cần đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tăng năng suất bình quân lên 25 tấn/ha và đến năm 2030 đạt 30 tấn/ha”.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng đang được Hiệp hội Sắn Việt Nam thực hiện, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đạt từ 1,5 đến 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ông Nghiêm Minh Tiến thông tin, ngành sắn đang nỗ lực cùng với các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT xúc tiến xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành sắn trình Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2050.
“Giải pháp trước mắt là chuyển giao giống sạch bệnh cho người người dân. Về lâu dài, cần thay thế giống cũ bằng bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao và kháng được bệnh. Đồng thời, Hiệp hội sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để việc áp dụng bắt buộc các nhà máy phải cam kết với địa phương đầu tư vùng nguyên liệu từ 500 - 1.000 ha/năm, đáp ứng 30 - 40% nguyên liệu cho nhà máy”, Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.