Trao đổi kinh nghiệm phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng nông thôn mới

Nhiều kinh nghiệm phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng nông thôn mới được trao đổi: lấy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, người uy tín để lan tỏa; lấy tổ tự quản để khơi dậy sức dân ở các khu dân cư...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều kết quả nổi bật

Sáng 19/6, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có đại diện Văn phòng điều phối chương trình tỉnh Nghệ An; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành, thị xã; hơn 130 cán bộ Mặt trận cơ sở và Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Lãnh đạo các ban của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo các ban của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là cuộc vận động lớn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Triển khai cuộc vận động này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đóng góp trí tuệ và vật lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở từng địa phương.

Nổi bật trong 5 năm thực hiện cuộc vận động (2019 - 2024), Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân đóng góp hơn 2.810 tỷ đồng; hiến hơn 5 triệu m² đất, đóng góp hơn 5,5 triệu ngày công.

Từ nguồn lực này, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 1.800 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 200 km kênh mương; cải tạo nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi; xây dựng, nâng cấp 1.174 km đường điện.

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, Mặt trận các cấp cũng đã phối hợp với tổ chức thành viên phát huy sức mạnh khối đoàn kết trong nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng mô hình sinh kế, hỗ trợ các kiến thức khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã vận động gần 742 tỷ đồng Quỹ vì người nghèo. Từ nguồn vận động này đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 12.314 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.299 người dân; xây dựng 319 mô hình giảm nghèo; hàng chục nghìn người nghèo được hỗ trợ khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ học tập…

Đồng chí Ngô Quang Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn trao đổi kinh nghiệm "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Ngô Quang Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn trao đổi kinh nghiệm "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, từ 28,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019) lên 40,5triệu đồng/người/năm (năm 2023); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 93%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%.

Nhiều hoạt động xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; giữ gìn an ninh trật tự… cũng được các cấp Mặt trận chăm lo tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia.

Cán bộ Mặt trận cơ sở tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Cán bộ Mặt trận cơ sở tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm đã làm rõ nhiều phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động; trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội để huy động sức mạnh tổng hợp của người dân tại địa phương và con em xa quê để xây dựng nông thôn mới.

Đó là, lấy tổ tự quản làm trung tâm để khơi dậy lòng tự trọng, ý thức tự lực, tự cường của người dân ở các khu dân cư xây dựng cuộc sống tốt đẹp; phát huy vai trò già làng, người uy tín tuyên truyền, vận động giảm nghèo; vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói trước, làm trước; vai trò các tổ chức thành viên lựa chọn mỗi công trình, phần việc để lan tỏa; cách thức “Dân vận khéo” thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới; kinh nghiệm xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, phát triển kinh tế; kinh nghiệm phát huy khối đại đoàn kết trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận tâm huyết, lăn lộn với phong trào…

Đồng chí Phan Đình Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò tổ tự quản trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Phan Đình Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò tổ tự quản trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Xác định, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” góp phần thúc đẩy việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh và từng địa phương; đặc biệt nâng cao giá trị hưởng thụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hội nghị thống nhất quan điểm, tư tưởng tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận các cấp, nâng cao chất lượng cuộc vận động trong thời gian tới.

Cán bộ Mặt trận các cấp trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Cán bộ Mặt trận các cấp trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Trong đó tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để huy động, đa dạng hóa các nguồn lực, đa dạng hóa cách làm, tận dụng các tiềm năng, lựa chọn nội dung, mức độ huy động phù hợp với sức dân để thực hiện theo phương châm “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”.

Quan tâm công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về thực hiện Cuộc vận động để phổ biến và nhân rộng, lan tỏa các mô hình điển hình.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/trao-doi-kinh-nghiem-phat-huy-suc-manh-doan-ket-xay-dung-nong-thon-moi-10274321.html