Trao thêm thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Dự thảo Luật Thủ đô, các đại biểu Quốc hội cho rằng, ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao thêm thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn về đối tượng, chế độ, chính sách phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài…
Đại biểu Quốc hội khẳng định, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến: “ Qua khảo sát thực tiễn cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện có nhiều bất cập bởi hiện nay cấp huyện chỉ là cấp dự toán ngân sách. Mặt khác cấp quận dân số ở các đô thị lớn như Hà Nội là rất đông. Sau khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận thì các công việc đều dồn lên xử lý ở Hội đồng nhân dân thành phố nên cần phải đánh giá kĩ lưỡng 2 mô hình để chọn được mô hình tối ưu và cần tăng thêm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. ”.
Còn đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông cho rằng: “cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô”.
Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, các ý kiến cũng cho rằng việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị là cần thiết.
“nhất trí tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; đồng thời đề nghị cần đề xuất nêu rõ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, cân đối giữa các ngành. Về cơ cấu cần xem xét quy định cứng trong luật về việc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố là Thường trực Hội đồng nhân dân.”, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nếu ý kiến: “Trong Dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội. Do vậy, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP.”
Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhấn mạnh: “ Việc tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi để cho đại biểu có toàn thời gian nghiên cứu tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến đề xuất các chính sách và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả.”