Trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải xử lý như thế nào?

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, số lượng trẻ mắc tay chân miệng thường tăng lên. Mặc dù có ít trẻ mắc tay chân miệng trở nặng và phát sinh biến chứng nhưng cha mẹ không được chủ quan mà phải đưa bé đi khám ngay.

Vì sao trẻ hay mắc bệnh tay chân miệng?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện chính là sang thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, khuỷu, gối.

Bệnh xảy xa quanh năm, thường tăng cao từ tháng 2 đến tháng 4, và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người.

Nguồn lây chính là từ nước bọt, bóng nước và phân của trẻ bệnh. Các con đường lây truyền của virus bao gồm: Tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh; Tiếp xúc với dịch tiết, nước bọt của trẻ bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi, ăn uống chung; Tiếp xúc với dịch của bóng nước, phân của người bệnh; Cầm nắm đồ chơi, vật dụng của trẻ bệnh; Lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ…

Do đó, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, và dễ tạo thành dịch. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, các khu vui chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt dịch bùng phát.

Những nguyên tắc khi chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà

Bác sĩ CK1. Nguyễn Loan Yến Linh - Phòng khám Nhi Đồng 315 chi nhánh Đinh Tiên Hoàng hướng dẫn: "Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà cần cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh và trẻ lành. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường. Trong nhà, nếu có nhiều trẻ cùng chung sống, cần cách ly, khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh. Cần mang khẩu trang y tế cho trẻ bị bệnh và người chăm sóc trẻ. Sau khi tiếp xúc với trẻ, với phân và dịch tiết của trẻ, phải rửa tay sạch bằng xà phòng. Nếu cần sử dụng thuốc tại nhà phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Tốt nhất nên cho trẻ đi khám bệnh ngay khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ tay chân miệng".

Bác sĩ Nguyễn Loan Yến Linh cho biết thêm: "Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng như sốt cao, biếng ăn kèm theo các vết lở loét, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay. Vì việc chẩn đoán tay chân miệng dựa vào thăm khám lâm sàng và bác sĩ có thể phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh nhiễm trùng khác.

Hầu hết trẻ bệnh tay chân miệng sẽ hồi phục sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp (khoảng 5%) gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng, như: viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy hô hấp, suy tim, trụy mạch… Các biến chứng này thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 3 – 5 của bệnh, và có thể trở nặng chỉ sau vài giờ".

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sau phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đó là sốt cao ≥ 39 độ C; Thở nhanh, khó thở; Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; Đi loạng choạng; Da nổi vân tím, tay chân lạnh, vã mồ hôi; Co giật, hôn mê – Bác sĩ Nguyễn Loan Yến Linh nhấn mạnh

Hệ thống y tế Nhi đồng 315

Hotline: 0901.315.315

Email: nhidong315headoffice@nhidong315.com

https://www.tiemchungnhi315.com/

https://www.nhidong315.com/

P.Đình

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/tre-mac-benh-tay-chan-mieng-phai-xu-ly-nhu-the-nao-196240514121349993.htm