Trên đất mường Ống

Cách trung tâm huyện Bá Thước khoảng hơn 10km, mường Ống (nay là xã Thiết Ống, huyện Bá Thước) nằm giữa thung lũng rộng lớn - được bao quanh bởi các dãy núi lớn, nhỏ, lại có sông Mã chảy qua đã 'kiến tạo' cho vùng đất cổ cảnh sắc 'sơn thủy hữu tình'. Và với địa thế đặc biệt, đất mường Ống cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, từ khởi nghĩa Lam Sơn đến phong trào Cần Vương...

Quang cảnh trung tâm đất mường Ống (nay là xã Thiết Ống) nhìn từ trên cao.

Quang cảnh trung tâm đất mường Ống (nay là xã Thiết Ống) nhìn từ trên cao.

Về địa thế, cảnh quan vùng đất mường Ống, nay là xã Thiết Ống, sách Địa chí huyện Bá Thước đã khái quát: “Thiết Ống nằm trong thung lũng của các dãy núi chắn. Từ phía Bắc có núi đá vôi chắn dòng sông Mã chảy vòng quanh chân núi tạo thành cung vùng trũng, phía Tây có dãy Pù Đền, phía Đông có núi Mốc, phía Nam có dãy núi Pù Mùn... Trong năm, khí hậu ở đây khác thường: khi các vùng ngoài dãy núi có mưa thì vùng trong thung lũng lại không mưa, khi trong thung lũng có mưa thì vùng ngoài lại không mưa...”.

Dòng Mã giang chảy qua gần 5km đã chia mường Ống thành hai. Một bên là núi. Sông Mã chảy qua cũng tạo nên nhiều thác nước, được người dân đặt tên, như thác Suội, thác Cả, thác Long. Thác lớn nhất là thác Suội nằm giữa khu vực xã Thiết Ống... Cùng với đó, còn có các con suối chảy từ các dãy núi, như suối Hang (bắt nguồn từ làng Hang); suối Nga, suối đồi Sên, đồi Khóm, suối Hón Sui, Hón Suội... tạo nên nhiều dòng suối lớn nhỏ chảy suốt bao năm đã “bào mòn” thung lũng trước khi đổ ra dòng sông Mã.

Thuở xa xưa, vùng đất mường Ống đã có con người đến cư ngụ. Cũng chính vùng đất mường Ống là một trong những “cái nôi” của nghề dệt thổ cẩm. “Mường Ống là cái nôi dệt thổ cẩm của người Mường (cạp váy Mường) - qua sử thi Đẻ đất đẻ nước thì khi bắn được con Moong Lồ người mường Ống luôn lấy được phần da (phần dành cho người đến trước) và người phụ nữ mường Ống đã lấy biểu tượng hoa văn trên lông con Moong Lồ dệt lên những tấm thổ cẩm dùng để làm cạp váy tạo nên nét đặc trưng trên trang phục... Và loại hoa văn này chỉ có nhóm người phụ nữ của mường Ống mới có (sách Lịch sử Đảng bộ xã Thiết Ống).

Trên địa bàn xã Thiết Ống hiện nay có nhiều đồng bào các dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, trong đó người Mường chiếm đại đa số. Ở các bản làng của đất mường Ống, những người Mường đã đến đây, cùng nhau săn bắn, hái lượm, gây dựng cuộc sống, tạo nên vùng đất mường rộng lớn với nhiều làng truyền thống khác nhau. Và mỗi làng, lại gắn liền với câu chuyện lập làng đầy thú vị.

Mường Ống bình yên và xinh đẹp với những bản làng dưới chân núi và đồng ruộng tốt tươi (ảnh chụp tháng 6/2024).

Mường Ống bình yên và xinh đẹp với những bản làng dưới chân núi và đồng ruộng tốt tươi (ảnh chụp tháng 6/2024).

Như chuyện kể về làng Chiếng (còn gọi là làng Quyết Thắng). Người già trong làng Chiếng kể rằng, thuở xa xưa, rất lâu rồi, có một năm trời làm hạn hán, các con suối, dòng sông đều cạn khô. Trên sông Mã (đoạn qua làng) chỉ còn đọng vụng nước trông như cái ang - gọi là Vụng Ang. Nơi đây có vua thuồng luồng ở. Vì hạn hán khắc nghiệt, thuồng luồng phải đào sâu xuống lòng sông - tạo nên cái giếng, tiếng Mường gọi là chiếng. Từ đó, cái tên Vụng Chiếng ra đời. Bởi làng ở ven sông, gần Vụng Chiếng, nên có tên làng Chiếng.

Vào khoảng thế kỷ XV, có hai người họ Trương, họ Phạm (người Mường) theo Bình Định vương Lê Lợi đánh giặc Minh xâm lược. Khi giặc tan, trên đường hai ông trở về bản quán, về đến làng Chiếng thì trời tối, gặp được gia đình thuyền chài đánh cá trên sông nên được cho ăn, cho ngủ lại. Đêm đó, người đàn ông họ Phạm mộng thấy có ông già râu tóc bạc phơ, khuyên ở lại vùng đất này gây dựng cơ nghiệp. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị lên đường thì trời bất chợt đổ mưa, mọi người cùng nhìn xuống Vụng Ang trên sông Mã thấy cầu vồng bảy sắc tuyệt đẹp. Cho đó là điềm may mắn, hai người đàn ông họ Trương, họ Phạm quyết định ở lại vùng đất này, cùng với gia đình thuyền chài gây dựng cuộc sống.

Nhờ sức người cần lao đã tạo nên cuộc sống từng ngày no đủ. Sau đó, có nhiều người từ nơi khác đã đến đây, cùng nhau chung sức xây dựng nên làng Chiếng. Thời kỳ HTX, làng Chiếng hợp với làng Dồn thành HTX, sau đổi tên thành làng (thôn) Quyết Thắng.

Hay như làng Sặng (tiếng Mường gọi là làng Khắng) lại gắn với câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ được lưu truyền trong dân gian. Chuyện kể rằng, xưa kia có đôi vợ chồng làm nghề buôn bè (luồng) dọc từ Quan Hóa, theo sông Mã xuôi về. Bỗng một ngày trời nổi giông bão, lại gặp lúc trời tối nên họ phải neo bè vào bờ sông, chờ khi trời sáng. Nhưng đêm đó, mưa như trút, sấm chớp đùng đùng khiến nước sông dâng lên cuồn cuộn, cuốn theo cả bè luồng - gia tài của đôi vợ chồng trẻ ra sông. Mất hết vốn liếng, đôi vợ chồng trẻ không trở về quê nữa, họ quyết định ở lại nơi đây, chặt cây làm chòi, phát rẫy làm nương xây dựng cuộc sống mới. Với sự đồng vợ, đồng chồng chẳng mấy chốc nhà sàn đã được dựng, gà đầy chuồng, sinh nhiều con. Trong đó, người con trai út khôi ngô, tuấn tú, giỏi săn bắn... khiến nhiều cô gái bản Mường thương mến, nhưng chàng Út lại đem lòng thương con gái nhà lang đạo làng Chiềng Mưng.

Phụ nữ mường Ống trong trang phục truyền thống.

Phụ nữ mường Ống trong trang phục truyền thống.

Để ngăn cản tình yêu của đôi trai gái, lang đạo Chiềng Mưng đã thách đố lễ vật là chín khiêng bánh khố (một loại bánh dày của người dân bản địa). Nhờ sự “giúp đỡ” của người yêu, chàng Út đã có giống lúa nếp quý để trồng, vụ nếp nương năm đó được mùa nên gia đình chàng Út đã sắm đủ chín khiêng bánh khố lễ vật mang đến nhà gái. Khi mở bánh ra, hương gạo nếp thơm ngào ngạt, bánh dẻo mịn... Trước sự chân thành của chàng Út, cuối cùng lang đạo cũng đồng ý cho đôi bạn trẻ nên duyên. “Để nhớ câu chuyện của chàng Út mường Ống và nàng Hai chiềng Mưng, dân làng đặt tên cho làng là làng Khắng, tiếng Mường gọi là lùng Khắng (Khắng có nghĩa là dính như keo). Sau này gọi chệch đi thành làng Sặng” (sách Địa chí huyện Bá Thước).

Với địa thế đặc biệt, có núi, có sông và nhiều hang động, đất và người mường Ống đã góp sức cho nhiều phong trào yêu nước trong lịch sử dân tộc. Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Thiết Ống: Khởi nghĩa của hai anh em Lý Bí, Lý Bôn tại đèo Ủng Ải là một địa danh thuộc xã Thiết Ống... Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật cũng tại đèo Ủng Ải và rút quân về trú tại đầm lầy làng Cỏi. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, trong nhiều trận đánh đi vào lịch sử, trận Ba Lẫm, Kình Lọng (Lộng) và đèo Ủng Ải đều có sự tham gia của Nhân dân xã Thiết Ống...

Đặc biệt, cuối thế kỷ XIX, trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa, Thiết Ống là một trong những vị trí chiến lược quan trọng nên được các thủ lĩnh của phong trào khi đó như Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Hà Văn Nho tập trung xây dựng, lên đến hàng trăm người. Cũng tại đây, cụ Nghè Tống (tức Tống Duy Tân) khi bị kẻ địch phát hiện đã lên tổng Thiết Ống để trú ẩn, “hội quân” cùng với Hà Văn Nho để lãnh đạo phong trào...

Ông Phạm Y Sửu, người Mường ở mường Ống yêu và tự hào về vùng đất quê hương, chia sẻ: “Đất Mường Ống có từ thuở “cây chu đá, lá chu đồng” trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Ở mỗi làng, bản ở mường Ống lại chứa đựng những chuyện kể, nét đẹp văn hóa đặc sắc, đời nối đời được người mường Ống lưu giữ và trao truyền, ví như “mạch nguồn” tạo nên sức mạnh của đất và người mường Ống...”

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-dat-muong-ong-33732.htm