Triển khai chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn tăng 6,0 - 7,0%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng trên 2,5 lần so với năm 2020.

Toàn tỉnh thu hút thêm khoảng 7 nghìn lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%.

Phấn đấu đến năm 2045, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

Các nhóm ngành nghề nông thôn tỉnh ưu tiên phát triển bao gồm: Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; nhóm sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung bảo tồn, khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, gắn với du lịch; xây dựng các kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm làng nghề; phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Ưu tiên thành lập các hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm, thông tin thị trường phục vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; tạo sự thống nhất về quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho phát triển ngành nghề nông thôn.

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp. Xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, hợp tác xã là trung gian giữa doanh nghiệp và người dân. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng các trung tâm sáng tạo, chương trình khởi nghiệp của hoạt động ngành nghề nông thôn.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch và các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tham mưu ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, các lĩnh vực có liên quan gắn với phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; thực hiện tốt công tác quản lý các làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh…

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/419570/trien-khai-chien-luoc-phat-trien-nganh-nghe-nong-thon-den-nam-2030.html