Triển khai chính sách mới tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, tăng cường trao đổi, làm việc với các tổ chức xếp hạng, các tổ chức đầu tư quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính đến 15/6/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 72/104 thủ tục hành chính. Ảnh: Duy Dũng
Nhiều cải tiến quan trọng
Cam kết nâng hạng thị trường chứng khoán chứng Việt Nam đã từng nhiều lần được nêu trong các chiến lược phát triển kinh tế - tài chính quốc gia. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng chuỗi hành động mang tính hệ thống. Với mục tiêu rõ ràng và lộ trình được xây dựng cụ thể, Việt Nam đang triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm nâng cao năng lực thị trường, từ đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của các tổ chức xếp hạng quốc tế như FTSE Russell và MSCI.
Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Tính đến 15/6/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 72/104 thủ tục hành chính (trong đó: cắt giảm 10 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 62 thủ tục hành chính), đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 33/114 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán.
Một điểm nhấn then chốt là việc chính thức vận hành hệ thống giao dịch KRX từ tháng 5/2025 - bước tiến được các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá là điều kiện kỹ thuật nền tảng để cải thiện tính minh bạch, khả năng thanh toán và chuẩn bị cho các nghiệp vụ phức tạp hơn như giao dịch T+0 và thanh toán bù trừ tập trung (CCP).
Bên cạnh đó, một loạt thông tư quan trọng đã được ban hành và áp dụng, thể hiện sự chủ động đáng kể từ phía cơ quan quản lý. Nổi bật là Thông tư số 68/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính - bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tổ chức. Kế đến là Thông tư số 03/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước - đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản vốn bằng ngoại tệ, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Song song, mô hình tài khoản tổng đang được hoàn thiện, giúp các quỹ đầu tư vận hành hiệu quả và linh hoạt hơn trong thanh toán, quản lý danh mục.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành chứng khoán đã vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường thành công, thông suốt. Đồng thời, công tác nâng hạng thị trường chứng khoán tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp, chính sách mới. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc làm việc, đối thoại với các tổ chức xếp hạng thị trường, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư lớn trên thế giới nhằm chủ động nắm bắt kịp thời những ý kiến, vướng mắc cũng như cập nhật quy định và chính sách mới cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) nhận định, có thể thấy những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam là cả một chặng đường cải thiện và đáp ứng chuẩn yêu cầu của thế giới. Trong đó, giai đoạn cao điểm chủ động đàm thoại để hoàn thiện cơ sở và giải quyết những vướng mắc cuối cùng để đáp ứng nâng hạng theo tiêu chuẩn của tổ chức FTSE Russell là khoảng từ giữa năm 2024 cho tới nay. Những nỗ lực làm việc với mục tiêu cải thiện thực tế này không chỉ được đánh giá tích cực ở cộng đồng trong nước mà còn có sự ghi nhận của tổ chức đánh giá quốc tế khi đã có những lưu ý kể từ báo cáo phân hạng tháng 9/2024 của FTSE Russell.
“Thứ còn thiếu hiện tại có chăng là quá trình trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài và những phiếu “pass” các điều kiện sau cùng từ các nhà đầu tư cá nhân và định chế nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam” - ông Khoa nói.
Kỳ vọng sẽ thu hút mạnh dòng vốn ngoại
Nói về tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại, ông Khoa cho rằng, Việt Nam có đủ tiềm năng để kỳ vọng sẽ thu hút mạnh dòng vốn ngoại trong trung hạn 1 - 2 năm tới. Có 3 tín hiệu/câu chuyện để củng cố cho kỳ vọng hiện tại đó là tín hiệu dòng tiền khối ngoại đảo chiều mua ròng trở lại kể từ tháng 5/2025. Kỳ vọng dòng tiền từ nâng hạng thị trường chứng khoán theo chuẩn FTSE Russell trong tương lai gần và cuối cùng là quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn mới tạo điểm nhấn trong mắt thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro ngoài lề có thể khiến cho dòng vốn không được như kỳ vọng như yếu tố tỷ giá. Đây có thể sẽ là yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư nước ngoài chú ý khi đầu tư trở lại vào thị trường Việt Nam.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, những tháng cuối năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống chính sách phát triển thị trường, tập trung rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn theo kế hoạch.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, tăng cường trao đổi, làm việc với các tổ chức xếp hạng, các tổ chức đầu tư quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, giám sát thị trường; nâng cấp hệ thống giải quyết thủ tục hành chính phục vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để nâng cao năng lực hoạt động và an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.
Thống nhất toàn diện các quy định pháp lý đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
Bộ Tài chính vừa ban hành Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC nhằm thống nhất toàn diện các quy định pháp lý đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Văn bản hợp nhất này kết nối nội dung từ Thông tư số 51/2021/TT-BTC và Thông tư số 20/2025/TT-BTC, mang tính hệ thống và cập nhật đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực doanh nghiệp, chứng khoán và đầu tư nước ngoài.
Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC được xem là bước đi quan trọng nhằm chuẩn hóa toàn bộ nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nghĩa vụ được hướng dẫn một cách toàn diện, từ việc mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, tài khoản lưu ký, đến công bố thông tin sở hữu, kê khai thuế, phí và báo cáo giao dịch định kỳ. Đáng lưu ý, nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và tuyệt đối không được thao túng giá hoặc tạo cung - cầu giả tạo trên thị trường.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, công ty quản lý quỹ, văn bản hợp nhất đặt ra những yêu cầu cụ thể về việc phân định rõ ràng giữa giao dịch trong và ngoài nước, bảo mật thông tin khách hàng và nghĩa vụ phối hợp đầy đủ với các cơ quan quản lý trong công tác báo cáo, giám sát dòng vốn đầu tư. Những yêu cầu này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn nước ngoài, phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy hoạt động đầu tư minh bạch, ổn định.