Triển khai Đề án 06: Cao Bằng nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền tới từng người dân, thôn, bản
Để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số hiệu quả, đúng tiến độ, Cao Bằng đã chú trọng công tác thông tin tuyên truyền tới từng người dân, thôn bản.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Là tỉnh vùng cao, biên giới, Cao Bằng gồm 09 huyện và 01 thành phố với 161 xã, phường, thị trấn, dân số trên 556 nghìn nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 95%, trình độ dân trí thấp, dân cư sống rải rác, thưa thớt.
Tại hội nghị triển khai Đề án tổ chức hồi tháng 5/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06- Hoàng Xuân Ánh đã nhấn mạnh, việc triển khai Đề án không chỉ là nhiệm vụ của ngành Công an mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Ông Ánh đề nghị, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tổ chức về các nhóm tiện ích của Đề án 06; xây dựng, đăng tải các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục rà soát, kiện toàn lại Tổ công tác triển khai Đề án từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong đó người đứng đầu các ngành, địa phương phải trực tiếp tham gia; bám sát văn bản chỉ đạo của tỉnh, tổ chức báo cáo định kỳ, đảm bảo đáp ứng được tiến độ triển khai Đề án. Căn cứ kế hoạch và nhiệm vụ của từng đơn vị, chủ động, phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc để hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án số 06 trên địa bàn tỉnh.
Nhờ sự chỉ đạo rốt ráo, tinh thần trách nhiệm cao của từng đơn vị chức năng, bám sát vào sự chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 Chính phủ; sự hướng dẫn, phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đối với 07 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện và 29 nhiệm vụ cụ thể, đến nay cơ bản các nhiệm vụ đều thực hiện đảm bảo tiến độ theo lộ trình đề ra.
Báo cáo sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 vừa mới công bố cho thấy Cao Bằng đã vượt qua khó khăn, bằng những cách làm sáng tạo để làm tốt công tác tuyên truyền tới từng người dân, từng địa bàn cơ sở, từ đó có được sự đồng thuận cao nhằm thu được những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện:
Bám sát nội dung các Chỉ thị, kế hoạch, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, định hướng tuyên truyền của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về Đề án 06 đến toàn thể người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tuyên truyền được tỉnh xây dựng tập trung vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác chuyển đổi số quốc gia; tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của Đề án 06; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là các chủ trương của Chính phủ về đăng ký, cấp Căn cước công dân; đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, việc triển khai giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu được xác định trong Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng chính phủ; tuyên truyền về 02 thủ tục hành chính liên thông theo Đề án 06: “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” đến Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm quy định về việc bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các phương thức khai thác thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân người dân, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Trong triển khai tuyên truyền, công tác quán triệt, tuyên truyền về Đề án 06/CP luôn được các Tổ công tác quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt với các hình thức, cách làm phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; linh hoạt phát huy hiệu quả tuyên truyền của các Tổ công tác tại các thôn, xóm , khu phố trên địa bàn.
Kết quả, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các tiện ích về Đề án 06/CP, về tính năng CCCD và ứng dụng VNeID, yêu cầu 100% đảng viên, CBCC, lực lượng vũ trang toàn tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cơ sở phải đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và phải hướng dẫn tối thiểu cho 10 công dân đăng ký, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2.
Chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các cấp thực hiện tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của ngành, địa phương. Tổ chức tuyên truyền trên 38 phóng sự, trên 2.935 tin bài với các nội dung liên quan đến công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, các thông tin có liên quan đến sử dụng tài khoản định danh điện tử, cách thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 06 huyện, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp các ban, ngành, địa phương rà soát trên địa bàn và đối chiếu với hệ thống CSDLQG về dân cư trong công tác cấp CCCD đối với học sinh theo chỉ tiêu Bộ Công an giao, kết quả như sau: Qua trích suất, rà soát đối chiều trên hệ thống CSDLQG về DC đối với số Học sinh trong độ tuổi thi tốt nghiệp năm 2023 (THCS, THPT) trong tổng số 2.951 chỉ tiêu có 1.499 công dân trong độ tuổi học sinh không tham gia học hoặc đã bỏ học, đối với 1.452 học sinh đang đi học Công an tỉnh đã thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD đảm bảo 100%.
Lực lượng công an phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đăng tải thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và Đề án 06/CP nói riêng trên các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng Công an. Theo thống kê, Phòng PX03 Công an tỉnh Cao Bằng đã đăng tải 451 tin, bài tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06/CP phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh; fanpage Truyền hình an ninh Cao Bằng thu hút trên 4.623.200 lượt người tiếp cận, 1.347.558 lượt người theo dõi.
Theo ghi nhận thực tế, đại đa số người dân đều hưởng ứng tích cực và ra sức chung tay cùng lực lượng Công an, các tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06/CP thực hiện các nhiệm vụ tại địa bàn cơ sở không quản ngày đêm, mưa nắng. Qua đó người dân đã dần thay đổi nhận thức và nắm bắt được tiện ích của Đề án 06/CP, thay đổi thói quen và sử dụng công nghệ để phục vụ các nhu cầu cuộc sống hàng ngày từ việc nộp hồ sơ dịch vụ công, thanh toán điện tử, khám chữa bệnh ...
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song tỉnh Cao Bằng vẫn nhận diện một số tồn tại, vướng mắc nếu khắc phục được sẽ thúc đẩy kết quả tốt hơn. Đơn cử: Khó khăn trước nhất không nằm những cung đường núi xa xôi, đi lại khó khăn để vào từng bản làng mà chính những thiếu thốn về máy móc, thiết bị phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến cùng những hạn chế của người dân trong việc tiếp cận, kết nối, giải quyết các TTHC trên môi trường mạng mới là những rào cản lớn trong thực hiện đề án 06 ở địa phương.
Ngoài ra, đây đó vẫn còn diễn ra việc cung cấp các dịch vụ trên môi trường điện tử đòi hỏi công dân phải đăng ký tài khoản và có các thiết bị truy cập mạng như: smart phone, máy tính... và kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm có liên quan. Tuy nhiên, một số người dân do không có thiết bị và kỹ năng sử dụng phần mềm còn hạn chế dẫn đến ngại tiếp cận, sử dụng dịch vụ.
Hay như, một số trường hợp người dân có tâm lý đã quen với việc trực tiếp đến cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính để đảm bảo và được trả kết quả nhanh chóng, nên chưa kịp thay đổi với hình thưc tiếp cận mới trên môi trường điện tử.
Từ những tồn tại này, Cao Bằng xác định, cần sáng tạo hơn nữa để người dân cảm thấy thoải mái khi thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng như cấp CCCD, tạo, kích hoạt tài khoản ĐDĐT, các yêu cầu thực hiện 100% đối với các dịch vụ công bắt buộc.
Đề án 06 có khối lượng công việc lớn, nhiều phần việc khó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ phải có trình độ CNTT, nắm chắc các văn bản luật trên nhiều lĩnh vực như Luật Cư trú, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Xử lý vi phạm hành chính... Bên cạnh đó, đây là đề án hoàn toàn mới, lần đầu tiên được thực hiện, văn bản hướng dẫn nhiều. Trong khi yêu cầu về tiến độ, hiệu quả công việc đặt ra phải hoàn thành dứt điểm theo từng giai đoạn. Do vậy, cần chủ động và linh hoạt trong triển khai bởi quá trình thực hiện ở mỗi cấp dễ phát phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Với thuận lòng dân thì được việc, tỉnh Bằng xác định, trong thời gian tới, vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động sáng tạo hơn nữa trong xây dựng các hình thức tuyên truyền; vận dụng các lợi thế về tập quán, sinh hoạt từng vùng miền để nội dung tuyên truyền tập trung vào các tiện ích mà Đề án 06 mang lại cho người dân phù hợp với từng nhóm đối tượng; niêm yết các thủ tục, quy trình tại Trung tâm hành chính công, Bộ phận một cửa các cấp, nhà văn hóa,... nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến tại trụ sở làm việc của các đơn vị.
Đồng thời, tỉnh cũng tính đến việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng, tiện ích, các phần mềm hệ thống nộp hồ sơ dịch vụ công theo hướng đơn giản, dễ sử dụng đáp ứng yêu cầu của người dân, thuận tiện cho người dân trong đời sống sinh hoạt, học tập, lao động để người dân chủ động trong việc cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản.