Triển khai Kế hoạch số 375 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ngày 12/11, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3058/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 375-KH/TU ngày 10/10/2024 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Huyện Thạch An tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Huyện Thạch An tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương trong thực hiện kế hoạch. Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số ở khu vực nông thôn, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phấn đấu mỗi năm đào tạo cho 6.000 người lao động, trong đó, khoảng 60% LĐNT tham gia học nghề ở các cấp trình độ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả về công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đào tạo nghề cho LĐNT gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT; phát triển chương trình, giáo trình, đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

Với mục tiêu đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Hướng dẫn kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc, theo dõi tổng hợp kết quả thực hiện của các sở, ngành, địa phương về các nội dung của kế hoạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng nghiệp, phân luồng trong các trường THCS, THPT để học sinh và phụ huynh có nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và mục đích của giáo dục nghề nghiệp. Triển khai thực hiện cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, đoàn viên về nội dung kế hoạch; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong đào tạo nghề cho LĐNT. Giám sát các hoạt động về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của hội viên để kịp thời đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đào tạo nghề cho LĐNT trong tình hình mới.

Các sở, ban, ngành phối hợp triển khai các nội dung của kế hoạch bảo đảm hiệu quả, phù hợp, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

UBND các huyện, Thành phố chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT sát với thực tiễn, theo nhu cầu học của người dân; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn quản lý tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch.

Các cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh; rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người LĐNT, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định; triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp trong tiếp nhận và sử dụng lao động sau khi hoàn thành khóa học. Đổi mới, cập nhật, bổ sung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo người học nghề sau khi được đào tạo có đủ kỹ năng nghề, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trien-khai-ke-hoach-so-375-ve-doi-moi-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-3173549.html