Triển khai thực sự hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
Đoàn giám sát lưu ý, trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm tính hiệu quả, tránh lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của cán bộ cấp cơ sở.
Ngày 24/7, Đoàn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, làm việc tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Nguyên Bình cho biết, thời gian qua huyện đã kịp thời phân bổ vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, thị trấn trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã giảm được 533 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,13%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ đầu nhiệm kỳ 57,25% xuống còn 51%.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai, huyện cũng gặp một số khó khăn trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân đạt thấp; huyện cũng phản ánh, một số văn bản hướng dẫn còn chồng chéo.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đại diện đoàn giám sát đề nghị huyện Nguyên Bình tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tập trung đánh giá cụ thể, chi tiết tác động của việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đoàn giám sát lưu ý, trong quá trình triển khai phải bảo đảm tính hiệu quả, tránh lãng phí, thiếu tập trung; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của cán bộ cấp cơ sở.
Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ, tổng hợp các kiến nghị của huyện, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, góp phần nâng cao tính khả thi, hiệu quả trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đưa các Nghị quyết của Quốc hội thực sự đi vào đời sống.
Cùng ngày, Tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Trùng Khánh.
Báo cáo cho thấy, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6.2023, toàn huyện đạt 218/361 tiêu chí, bình quân đạt 11,5 tiêu chí/xã; có 3/19 xã đạt 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện được phân bổ trên 36,5 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân 14,5 tỷ đồng, đạt 40,01% kế hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 5.858 hộ nghèo, chiếm 33,59%; năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,92%, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,02%; 100% xã có điện lưới quốc gia; 97,5% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Giai đoạn 2021- 2023, huyện được giao trên 240 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân hơn 91,1 tỷ đồng, đạt 38,08% kế hoạch.
Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo các xã đặc biệt khó khăn của huyện. Đời sống hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm từ 4% trở lên mỗi năm.
Giai đoạn 2021 - 2023, Chương trình được giao nguồn vốn trên 240 tỷ đồng, đến ngày 30.6.2023 đã giải ngân 84,2 tỷ đồng, đạt hơn 36% kế hoạch.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đánh giá cao nỗ lực của huyện, đồng thời ghi nhận, tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, khó khăn của huyện Trùng Khánh.