Triển lãm 'Trường Sa nhớ ơn Bác': Khi biển đảo vọng lời Người

Sáng 19/5/2025, trong không khí trang trọng của ngày kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật mang tên 'Trường Sa nhớ ơn Bác' tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Triển lãm cũng là hoạt động ý nghĩa hướng tới chào mừng 70 năm ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025). Theo đó, có 70 tác phẩm đặc sắc của 7 nhiếp ảnh gia được giới thiệu tại triển lãm gồm: Nguyễn Trang Kim Cương, Phó Bá Cường, Bùi Quang Vũ, Vũ Duy Bội, Trần Đắc Hưng, Đào Văn Sử và Phạm Đức Minh.

Đây là các tác phẩm được sáng tác trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào tháng 4 và tháng 5 năm 2025, ghi lại những khoảnh khắc chân thực, xúc động về đời sống, tinh thần của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Lãnh đạo thành phố, các tác giả ảnh và chiến sĩ hải quân chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm.

Lãnh đạo thành phố, các tác giả ảnh và chiến sĩ hải quân chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm.

Đáng chú ý, hình ảnh lễ thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại đền thờ trên đảo Trường Sa, các chiến sĩ thủy thủ làm lễ dâng hương trước khi tàu ra khơi, hay câu nói của Bác “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” được khắc họa bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh tinh tế và đầy cảm xúc. Đó không chỉ là tư liệu quý mà còn là thông điệp thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tác phẩm Đoàn kiều bào thăm Trường Sa của tác giả Bùi Quang Vũ.

Tác phẩm Đoàn kiều bào thăm Trường Sa của tác giả Bùi Quang Vũ.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh và ông Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch CLB Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh đang xem ảnh tại triển lãm.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh và ông Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch CLB Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh đang xem ảnh tại triển lãm.

Không chỉ dừng lại ở hình ảnh trang nghiêm, triển lãm còn phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt, tinh thần kiên cường, lạc quan của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, Nhà giàn DK1. Những nụ cười, ánh mắt, bàn tay lao động, tất cả tạo nên một bức tranh đầy nhân văn về tình quân dân gắn bó, chan chứa nghĩa tình.

Những bức ảnh tại triển lãm thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.

Những bức ảnh tại triển lãm thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.

Các chiến sĩ hải quân bên những bức ảnh được chụp về đơn vị mình.

Các chiến sĩ hải quân bên những bức ảnh được chụp về đơn vị mình.

Tại lễ khai mạc, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi rất xúc động và tự hào! Những tác phẩm được trưng bày hôm nay mang giá trị to lớn, phản ánh từng góc cạnh cuộc sống chiến đấu của dân và quân Trường Sa. Việc triển lãm đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu càng làm cho sự kiện trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đây cũng là nguồn chất liệu tinh thần và giá trị giáo dục sâu sắc dành cho người dân thành phố mang tên Bác”.

Các chiến sĩ hải quân bên những bức ảnh được chụp về đơn vị mình.

Các chiến sĩ hải quân bên những bức ảnh được chụp về đơn vị mình.

Chủ tịch CLB Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, ông Đoàn Hoài Trung nhắc lại kỷ niệm: "Bác Hồ đã ba lần đến thăm Quân chủng Hải quân vào các năm 1959, 1961 và 1962. Người từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Chính vì vậy, năm nào CLB Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức cho đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh ra Trường Sa và năm nay, triển lãm cũng sẽ thể hiện sâu sắc tư tưởng và hình ảnh của Bác qua từng khuôn hình".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Vũ Duy Bội chia sẻ về cảm xúc của mình khi đến với Trường Sa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Vũ Duy Bội chia sẻ về cảm xúc của mình khi đến với Trường Sa.

Đối với các nghệ sĩ tham gia sáng tác, chuyến đi là một dấu ấn khó quên trong đời. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trang Kim Cương chia sẻ: "Lần đầu được đặt chân lên đảo, được tiếp cận đời sống và công việc của các chiến sĩ tuyến đầu, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng tinh thần của các anh luôn lạc quan, vững vàng, đầy bản lĩnh".

Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Vũ Duy Bội, dù đã 74 tuổi, vẫn cùng đoàn vượt sóng ra Trường Sa. Với ông, mỗi bức ảnh là một lời tri ân với Bác và những người lính biển.

Tác phẩm : Vòng hoa viếng Bác của nhiếp ảnh Bùi Quang Vũ.

Tác phẩm : Vòng hoa viếng Bác của nhiếp ảnh Bùi Quang Vũ.

Triển lãm “Trường Sa nhớ ơn Bác” không chỉ là một sự kiện văn hóa nghệ thuật đơn thuần. Đó là một không gian lắng đọng, nơi công chúng được kết nối với Trường Sa không bằng con tàu mà bằng trái tim; không bằng địa lý mà bằng ký ức, tình yêu quê hương và lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ vĩ đại.

Không gian trưng bày các tác phẩm "Trường Sa nhớ ơn Bác" tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Không gian trưng bày các tác phẩm "Trường Sa nhớ ơn Bác" tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Thông qua mỗi khuôn hình, người xem không chỉ thấy được vẻ đẹp hùng vĩ và tầm quan trọng chiến lược của biển đảo, mà còn được khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trong thế hệ trẻ hôm nay.

Tin, ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/trien-lam-truong-sa-nho-on-bac-khi-bien-dao-vong-loi-nguoi-20250519105539424.htm