Triệu Sơn từng ngày đổi mới

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương Triệu Sơn. Với niềm tin và động lực mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đang ra sức phấn đấu để thực hiện khát vọng đưa Triệu Sơn lên đô thị loại IV.

Bí thư Huyện ủy Lê Văn Tuấn thăm một vùng trồng đào trên địa bàn huyện.

Về Triệu Sơn những ngày vào xuân, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Những con đường được mở rộng thênh thang. Nhiều tuyến đường lớn được mở ra như, đường nối tỉnh lộ 515C và đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn từ xã Thọ Tân đi xã Hợp Lý, Xuân Thọ, Thọ Tiến; đường kết nối Quốc lộ 47C với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn... Nhiều khu công nghiệp, khu nông nghiệp cao được hình thành. Hệ thống hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa, cơ sở được đầu tư hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.

Điểm nổi bật của Triệu Sơn trong những ngày này đó là sự nhộn nhịp của không khí giao thương buôn bán kết hợp cùng sắc màu rực rỡ của các loài hoa từ Hội chợ Hoa đào. Hội chợ Hoa đào được tổ chức lần đầu tiên trên địa bàn huyện Triệu Sơn với điểm nhấn là những cây cảnh đặc trưng của địa phương nhằm phục vụ nhu cầu giao lưu, mua bán, trao đổi hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của Nhân dân. Đồng thời, quảng bá hình ảnh đất và người cùng nét đẹp văn hóa, tiềm năng phát triển của huyện Triệu Sơn tới Nhân dân và du khách.

Việc tổ chức Hội chợ Hoa đào được xem là bước khởi đầu cho việc quảng bá cây đặc trưng của địa phương; là cơ sở để xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển cây đào cảnh theo hướng tập trung, quy mô lớn trên địa bàn huyện Triệu Sơn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tiếp tục nâng cao giá trị, sức cạnh tranh và khẳng định vị thế là cây trồng có thế mạnh của huyện Triệu Sơn. Bởi, thực tiễn sản xuất tại địa phương cho thấy cây cảnh là đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là đối với cây đào cảnh. Đến nay, tổng diện tích trồng cây cảnh của các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Vân Sơn, Thọ Tân, Thọ Dân... đạt trên 105 ha; đã hình thành được một số vùng trồng đào cảnh tương đối lớn.

Không chỉ có thế mạnh trong phát triển cây, con đặc trưng của địa phương, mà huyện Triệu Sơn còn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã được minh chứng qua các sự kiện kết nối đầu tư trên địa bàn huyện. Trong năm, huyện đã tổ chức thành công hội nghị kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện. Tại sự kiện có 5 doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn Triệu Sơn là nơi đầu tư và ký biên bản ghi nhớ với huyện. Đến nay có 2 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có sản phẩm mới (cáp ôtô, led). Đồng thời, huyện đã tổ chức hội nghị giao lưu gặp gỡ giữa các doanh nghiệp trong huyện và doanh nghiệp là con em Triệu Sơn đang hoạt động trong và ngoài tỉnh. Thông qua hội nghị nhiều doanh nghiệp FDI, các công ty, doanh nghiệp đánh giá cao về lợi thế, tiềm năng phát triển của huyện Triệu Sơn. Cùng với đó, huyện đã làm việc với các đơn vị liên quan để tìm vốn cho các công trình, thu hút các dự án lớn về các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện.

Một góc thị trấn Triệu Sơn. Ảnh trong trang: Thùy Linh

Trong năm 2023, huyện đã quan tâm hoàn thiện đề án rà soát, xây dựng huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, thành lập thị xã vào năm 2030. Trình UBND tỉnh xin bổ sung vào quy hoạch tỉnh và các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị liên quan; hoàn thành điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị trấn Triệu Sơn và đô thị Đà – Thọ Dân; phê duyệt quy hoạch dự án khu vườn ươm giống cây trồng, cây cảnh Thọ Bình (xã Thọ Bình); phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư mới phía Bắc đường tỉnh 514 (thị trấn Triệu Sơn). Đặc biệt, việc thành lập thị xã Triệu Sơn giai đoạn 2026-2030 vào hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa vào phương án Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được UBND tỉnh xem xét, bổ sung.

Năm 2023 đã khép lại với nhiều bước tiến mới mở ra hướng phát triển cho huyện Triệu Sơn. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt kết quả nổi bật. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 5,28%, xếp thứ 4 toàn tỉnh. Tổng sản lượng lương thực đạt 117,26 nghìn tấn, vượt 3,8% kế hoạch. Sản xuất thủy sản tiếp tục tăng, giá trị sản xuất ước đạt 87,96 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2022. Sản xuất công nghiệp tăng khá với giá trị sản xuất ước đạt 4.805 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2022. Quy mô tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng xếp thứ 5 toàn tỉnh.

Huyện thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ; luôn nêu cao tinh thần không ngại khó, ngại khổ, dám nhận việc của đội ngũ cán bộ; khuyến khích cán bộ gần dân, bám sát cơ sở để tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Tiếp nối truyền thống và thành quả trong thời gian qua, huyện Triệu Sơn tiếp tục bứt phá đi lên phát triển bền vững, trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Huyện đã đặt ra mục tiêu trong năm 2024: Phát triển kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển bền vững. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp. Tập trung phát triển kinh tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, chú trọng vào phát triển công nghiệp, dịch vụ - thương mại; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thu hút đầu tư...

Lê Văn Tuấn

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trieu-son-tung-ngay-doi-moi/206476.htm