Trò chuyện với người già M'nông Gar
Chiều nay, gió từ đâu đó ở phía thượng nguồn ào về hú rền thung lũng, thổi ràn rạt trên những mái tôn của cư dân M'nông Gar ở buôn Sa Luk. Gió lành lạnh trong màu nắng hanh, không gian buôn làng gợi trong tôi thật nhiều cảm xúc, chút gì đó nao lòng. Quanh buôn, những cánh rừng nham nhở, những dãy núi trơ trọi dần theo năm tháng cứ lùa nhau miên di về phía xa xăm…
Người già Ywan R’tung nắm tay tôi ra đứng bên gềnh đá giữa làng, ngắm dòng K’rông Nô. Đó là Sông Cha nổi tiếng mà người M’nông Gar quen gọi là Đắk K’rông: dòng nước lớn. Nay nước lớn cạn dần, chỉ còn là dòng nhỏ mùa khô, bởi những đập thủy điện đâu đó giữa nguồn chặn ngang lưu thủy. Sông âm ỉ nỗi tủi buồn lặng lẽ trôi giữa những gập ghềnh thác đá. Sông ngàn đời thả mình bên những triền núi cao, len giữa những cánh rừng già từ hướng đại ngàn, về đây thao thiết dòng chảy ân nghĩa với buôn làng, với người M’nông Gar. Lẽ đó, K’rông Nô không chỉ an nhiên phận mình, sông nặng lòng khi phải chở trong hồn thẳm sâu dòng ký ức miên viễn của những tộc người giữa rừng xanh, núi đỏ. Người già của buôn Sa Luk ngắm dòng nước lớn mà hồn trôi ngược về miền ký ức, còn tôi thì ngắm già trong dáng nét trầm tư và ánh mắt buồn hiu mà liên tưởng về chuỗi thời gian đã qua trên xứ sở này. Trong ánh mắt thăm thẳm của người đàn ông M’nông Gar có tuổi đời qua gần trọn thế kỷ, chất chứa biết bao hoài nhớ, biết bao suy tưởng, biết bao vui buồn quá vãng. Tôi cảm nhận phần nào tâm trạng của người già Ywan R’tung. Tôi đã qua rất nhiều miền quê, nỗi nhớ của tôi trải trên nhiều nơi chốn. Già Ywan chưa mấy khi rời xa Sa Luk, nỗi nhớ của già chỉ dành riêng cho buôn làng, những người đồng tộc, cho dòng sông, cánh rừng, những thác đá, nương rẫy, tiếng hú con vượn, tiếng toác con mang và những dấu dã thú lang thang bìa rừng. Già sống giữa nơi này mà đang nhớ nơi này…
Già kể với tôi về những tháng ngày mà đời sống cư dân Sa Luk là đời sống hồn nhiên. Cái thuở người M’nông Gar thẳng như cây rừng, giản dị như đá núi, chân tình và nồng ấm như tiếng chiêng quyện cùng ngọn lửa. Với già Ywan R’tung trước dòng K’rông Nô trong buổi chiều này, giữa không gian này mà tôi vẫn như lạc vào xứ sở M’nông Gar của ngày xa xưa. Thuở ấy, người Sar Luk duy trì những lễ nghi, những tập tục, những ứng xử văn hóa, những phương thức sống sâu đậm minh triết rừng. Như còn đó hình ảnh Baap Can bôi máu gà lên hai thanh tre để gieo quẻ bói; như còn thấy hình ảnh Krông Jôong ngồi giữa khu rừng nhà mồ để báo tin về vụ thu hoạch cho những người đã về cõi Mang Lung. Rồi cả làng hân hoan đón mừng lúa mới. Linh thiêng lễ cúng bến nước, thần núi, thần sông. Tôi cũng hình dung đoàn người Sa Luk giã từ năm “ăn rừng” Đá - Thần Gôo rồng rắn kéo nhau về rừng Phii Có mở mùa rẫy mới. Rồi cậu bé Ywan thuở ấy đã dẫn nhà dân tộc học G.Condominas đến mô đất của làng Ndut Liêng Krak kế bên để bới tìm những “phiến đá lạ”, đó là bộ đàn đá tiền sử được phát hiện đầu tiên trên thế giới…
Sar Luk bây giờ mang một hình ảnh khác, tươi mới và khá giả. Nhưng dòng hoài niệm về quá khứ trôi trong ánh mắt của người già Ywan R’tung lại lắng đọng những khoảnh khắc buồn. Hình như một góc Tây Nguyên hoang dã đang trở về trong nỗi nhớ của người già M’nông Gar và lan tỏa trong trí tưởng tượng của người tìm về Sar Luk chiều nay. Cũng phải thôi, già là “pho sử sống” của một thời săn bắt hái lượm, lang thang rừng nọ núi kia với chiếc gùi trên vai và xà gạc trên tay, nhớ ngày xưa ấy già buồn là phải. Già lo lắm văn hóa cổ truyền mai một, lứa trẻ đang dần lãng quên. Tôi an ủi người già M’nông Gar rằng, văn hóa tộc người cũng như dòng chảy ngàn đời của K’rông Nô ở phía chân làng. Rằng, dòng chảy đó âm thầm tiếp nối từ vọng âm tiếng đàn đá hơn ba ngàn năm trước với tiếng đồng của cồng chiêng đương đại, để giai điệu ngàn năm của đá mãi hòa quyện truyền đời trong tiếng đồng trăm năm, cùng ngân lên trong một thang âm. Nhưng người già Ywan R’tung lại buông một tiếng thở dài, tiếng thở dài cũng tan hòa theo ngọn gió bên sông…