Trò chuyện với 'người quan tâm quá mức' đến làng cổ Nam Ô
Không được ai giao nhiệm vụ, chẳng được 'tô điểm' bằng những tấm bằng khen bóng bẩy, nhưng hơn 40 năm qua, ông Đặng Dùng (sinh năm 1949, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn lặng lẽ chép sử cho ngôi làng cổ Nam Ô…
Cuốn “địa chí” sống mãi với thời gian
Trước mặt tôi là vị bô lão đã ngoài “thất thập cổ lai hy” không thích ca ngợi về mình, ông chỉ tự nhận chỉ là “người quan tâm quá mức” đến xứ mình đang sống mà thôi. Cốt hạnh khiêm hạ ấy giống như cách mà ông “tàng hình” trong cuốn sách “Nam Ô và những chuyện kể” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Chính ông cũng thừa nhận, không nhìn thấy “bóng dáng của mình” trong “đứa con tinh thần” ấy, có chăng là “một chút” ở phần tựa… giới thiệu tác giả.
Khi lật giở cuốn sách hơn 400 trang này, độc giả sẽ không khỏi ngỡ ngàng và ấn tượng trước “kho sử” đồ sộ của ngôi làng cổ Nam Ô, mà ông Dùng đã dành cả tuổi thanh xuân để nghiên cứu và lưu giữ. Cuốn sách đầy ắp thông tin về ngôi làng huyền sử, như quang cảnh ngư dân làng Nam Ô vừa cập bờ trong niềm hân hoan khoang đầy ắp cá của những tháng năm “hoàng kim” nghề biển.
Cuốn sách cũng là những lát cắt lịch sử, văn hóa không chỉ đậm chất bản địa, mà còn mang tính “đại diện” cho vùng đất Đà Nẵng xưa, như “Cửa sông Cu Đê và tục thờ Hải môn Ông Gốc chi thần”, “Nối dài huyền sử Nam Ô”, “Dấu tích Huyền Trân ở làng Nam Ô”, “Đình làng Nam Ô”, “Lăng Ông Ngư”, “Dấu tích Thành Cung”, “Giếng cổ làng Nam Ô”…
“Nam Ô và những chuyện kể” còn đề cập những ngành nghề truyền thống nức tiếng một thời của làng Nam Ô như làm pháo, làm guốc mộc, làm nước mắm…; món canh rong mứt (một loại rong biển), món gỏi cá trích… dân dã, “tô điểm” cho nét đẹp văn hóa ẩm thực “không lẫn vào đâu” được của vùng đất Nam Ô xưa và nay.
Và không ngoa khi “nâng tầm” những bài viết về nghề làm nước mắm Nam Ô trứ danh của ông Dùng lên thành một bài “nghiên cứu ẩm thực”: “…Người ta thu hoạch cá biển lên thuyền, phải đựng trong các bộng bằng nan tre để tự nhiên cho rỉ sạch các nhớt nhao vốn có trong cá tươi. Người ta không muối cá tươi ngoài biển như nơi khác. Cá sau khi về bến đã được ráo trần sạch sẽ và bắt đầu muối cá. Theo kinh nghiệm truyền đời, người dân làng Nam Ô định lượng 10 bát cá, 4 bát muối. Muối phải là muối tinh hạt lớn, sau khi đã ủ trong nhà ít nhất là 6 tháng để loại bỏ tạp chất có hại…”.
Không chỉ nghiên cứu lịch sử, văn hóa làng cổ Nam Ô, ông Đặng Dùng (bút danh Đặng Phương Trứ) còn là người viết kịch, họa sĩ bích họa, làm thơ và là cộng tác viên “ruột” của một số tờ báo, tạp chí.
Trong hàng chục bài viết được chọn lọc để in sách, ông Dùng nhắc đến “Trận tập kích Nam Chơn qua một bài vè” như một “món quà trời cho”. Bài vè này nếu không được ông sưu tầm kịp thời qua lời ca tiếng hát trong dân gian, có lẽ đã bị “trôi lụt” theo thời gian, khi mà những bậc cao niên từng “tai nghe mắt thấy” lần lượt rời cõi tạm. Bài vè này rất hiếm người biết và được các vị cao niên trong làng hát trong những đêm tế âm binh chiến sĩ vào Rằm tháng Giêng những thập niên 70, 80.
Với tựa “Thống Hay - Cai Cải chặt đầu Tây”, bài vè đã vẽ lên hình tượng bi tráng về ông Thống Hay (chiến tướng thời phong trào Cần Vương, hay còn gọi là chiến tướng Hồ Học) trong trận tập kích của nghĩa binh Nghĩa hội Quảng Nam vào 2 đồn lưu trú của Pháp ở trạm Nam Chơn. Trận tập kích này diễn ra vào nửa đêm 28/2/1886, tiêu diệt toàn bộ quân đồn trú ở đây, gồm Besson (chỉ huy) và 6 hạ sĩ quan, binh sĩ tùy tùng người Pháp.
Vè rằng: “Ngồi buồn xé giấy xếp chơi/Bính Tuất xuân thời chẳng kể hàm hô/Năm rồi thất thủ kinh đô/Rần rần hội nghĩa phất cờ đánh Tây/Tổng trên xã dưới theo đầy/Vạn mành Hóa Ổ cũng “bình Tây sát tà”/Mài dao chờ dịp xông pha/Phen ni chẳng góp sức mà chung tay/Cùng ông Cai Cải - Thống Hay/Chèo ghe ra Sứng chặt đầu Tây đem về/Kể ra đã trọn câu thề/Giết Tây, Tây khiếp, Tây ghê dân mình…”
Ông Thống Hay là người làng Thanh Vinh, làm chức lãnh binh của Nghĩa hội Quảng Nam, được phân công phụ trách chỉ huy nghĩa quân vùng Tây Bắc Hòa Vang. Ông Cai Cải họ Bùi, người làng Nam Ô, có võ nghệ cao cường, can đảm, gan dạ, là cộng sự rất tâm phúc của ông Thống Hay. Hai ông đã lập được nhiều chiến công, làm các quan Nam triều khiếp sợ và quan Pháp kiêng dè.
Bài vè kể khá chi tiết về hoạt động của nghĩa quân: “Bữa rằm vạn tế âm linh/Cúng cho chiến sĩ làng mình thác oan/Mới chiều đã thấy rộn ràng/Xóm Đình, xóm Quán, xóm Lăng đông người/Quan Nam, Trường Định về chơi/Trung Sơn, Thủy Tú khắp nơi xúm về/Chờ coi hát bội, coi hề/Chờ coi lễ tế bốn bề rưng rưng”.
Hóa ra Nam Ô có bề dày lịch sử, văn hóa không phải “dạng vừa’ và có lẽ rất nhiều người, ngay cả người dân ngôi làng này, ắt còn chưa hiểu hết về vùng đất này. Điều đó cho thấy vai trò và tầm vóc của người chép sử.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng suy đoán “Nam Ô là cửa ngõ phía Nam của Châu Ô”, nhưng theo nghiên cứu của ông Dùng, thì tên xa xưa là Hoa Ổ (cồn hoa). “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã ghi rõ ràng tên các địa danh “Chân Sảng Tây thôn, giang niêm Hoa Ổ xã”. Sau vì kỵ húy với tên Hoàng thái hậu vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị, nên đổi thành Hóa Ổ. Dưới thời Minh Mạng được đổi thành Nam Ổ, người Pháp đọc không có dấu nên trở thành Nam Ô như ngày nay.
Bao giờ cũng thế, những cứ liệu lịch sử, văn hóa, nếu được trình bày dưới dạng cung cấp thông tin luôn có phần khô khan. Khắc chế điều này, một số câu chuyện kể về sử làng đã được ông “mềm hóa” bằng các “liệu pháp” ngôn ngữ sắc bén, mang đến cho người đọc cảm giác đọc sách mà như… đang uống cà phê rang xay cộng thêm một ít đường để chế ngự vị đắng vậy.
Nói như người “bạn sử” của ông - ông Lưu Anh Rô, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng, “Nam Ô và những chuyện kể” là cuốn “địa chí” của làng Nam Ô và cuốn sách này sẽ “sống mãi với thời gian”…
Cái mới là… những thứ đã mất đi
Khi lịch sử, văn hóa một vùng đất đã “ăn vào máu”, thì “người quan tâm quá mức” đến nơi mình đang sống như ông Dùng không khỏi trăn trở, hoài niệm trước sự vận động của thời cuộc. Đó là điều khó hiểu, không dễ nói ra, không thể nói ra, như “kho sử” làng cổ Nam Ô vì sao chỉ “sót lại” mỗi ông là “đam mê” nghiên cứu.
Rồi sẽ ra sao khi thế hệ như ông không còn nữa, người trẻ còn ai kế thừa, ai quan tâm lưu giữ những cái gọi là văn hóa, hay tất cả những gì còn lại là sự hoài niệm trong nỗi xót xa? Khi mọi sự vận động và phát triển đều mang đến những gam màu sáng - tối, được - mất đan xen, thì cái mới mà ông đang thổn thức ở vùng đất Nam Ô này là gì? “Là những cái sẽ bị mất đi”, giọng ông chùn xuống, đầy tâm trạng.
Sống cách biển chỉ một con đường, qua cái giếng Chăm cổ và ngôi miếu Âm linh chỉ vài bước chân, nhưng ông phải thốt lên: “Nhớ biển quá!”. Ông không nói lý do, bỏ lửng câu trả lời, khiến người đối diện phải… giật mình! Lý do rõ ràng nhất có lẽ là việc chủ đầu tư một dự án du lịch đang quây tôn lối xuống biển, thi công công trình ngầm trong mấy tháng qua.
Trong khi ông yêu làng bằng cả trái tim, cố gắng níu giữ những tinh hoa xưa cổ, thì việc đẩy mạnh đô thị hóa làng cổ (trước mắt là vùng lõi), thay bằng những khối bê tông vô tri, góp phần xóa sổ những gành đá, rặng cây, vườn dừa… trong tương lai.
“Ai cũng hiểu, công nghiệp hóa giờ đây là hướng đi sống còn, nhưng nó sẽ chôn vùi đi sự phát triển mà trước đây chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Nếu ‘hy sinh’ cả ngôi làng này để phát triển du lịch, những giá trị văn hóa có thể sẽ bị ‘chôn vùi’ mà không ai lên tiếng, không chừng sẽ bị đánh mất”, ông Dùng suy nghiệm.
Một lần nữa, ông lại khiến người đối diện phải… thổn thức theo mình: “Cái quê nó đang đi đâu đó, dù mình đang sống với nó ở đây”. Cảm giác đó được ông ví như đang ở nhà mà nhớ… cha mẹ vậy.
Rồi đây, những di sản, các tầng văn hóa của làng cổ Nam Ô một thời có bị những dự án du lịch “làm mờ”, hay được bảo tồn và phát huy giá trị theo đúng nghĩa? Ông nguyện cầu rằng, con người đừng ứng xử với những di sản, các tầng văn hóa đó một cách… ngẫu nhiên, như “trò chơi” bốc thăm trúng thưởng để thử vận may - rủi.