Trốn Covid

Mẹ ơi, đã có lệnh phong tỏa thành phố từ mai.

1.

- Mẹ ơi, đã có lệnh phong tỏa thành phố từ mai.

- Phong tỏa là sao anh?

- Là nhà ai nấy ở.

Ngay sau câu chốt phũ phàng của anh Hai hiện đang học lớp 10, bé Nấm tiu nghỉu lại góc giường ngồi. Tội con nhỏ, hóng mùa hè để chơi với ba cho đã, giờ Covid cản đường, kiểu gì hông tức tưởi.

Con Covid quái ác, lây lan siêu mạnh luôn. Mới có thông báo một ca F1, đang mệt mỏi, hôm sau toàn thành phố có 9 ca dương tính, ba ngày sau vượt mốc trăm ca. Đã mua lương thực thủ trong nhà nhưng câu hỏi “từ mai ba không được xuống thăm con hả mẹ” cứ chờn vờn trong tâm trí. Thấy con tê tái như vậy, người mẹ ương bướng lại muốn bỏ hết những kiêu hãnh ngổn ngang để đem con về với ba của nó.

Tôi cũng không hiểu nổi mình. Tôi quan điểm ly hợp là điều bình thường trong tỷ chuyện vui buồn của kiếp nhân sinh nên đã chủ động đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân mà theo tôi là “tiền cát hậu hung”.

Tuy chưa tới mức đồng sàng dị mộng nhưng những thứ lặt vặt lại làm mình khó chịu như hạt sỏi nhỏ bị nhét trong giày, tìm cách trút ra mà không được, cuối cùng phải bỏ chiếc giày. Tính tôi không được nhẫn nại, cái gì không vừa ý thì chỉ muốn đá đổ dẹp nghỉ.

Nhưng sau cơn tan đàn, thấy hai con quấn quýt với ba nhiều hơn, lại tự hỏi liệu mình có nông nổi? Hồi yêu, tôi khó lòng từ chối sự chân thành, quan tâm từng li từng tí, nhưng lấy nhau về lại không chịu nổi một tên chồng kỹ tính.

Kỹ quá, mà kỹ thì đi kèm nhăn nhó, trong khi tôi tính hậu đậu và ghét cằn nhằn, vậy là thấy bức bí khó thở, đòi ly hôn. Anh yêu cầu suy nghĩ kỹ. Không cần, tôi nghĩ tôi sẽ hạnh phúc khi vừa làm chủ vừa làm người hầu cho mình.

Tính tôi phóng khoáng và có thiên hướng đơn giản, tôi không xem hôn nhân là mộng tưởng duy nhất nên chẳng việc gì phải giam mình trong cuộc hôn nhân kỹ lưỡng, sống mà cái gì cũng đòi chỉn chu rốt ráo thì áp lực lắm.

Đến với nhau thì lâu chứ chia tay trong tích tắc. Nhận được tờ giấy A4 tại tòa, tôi đem hai con về lại thành phố với mẹ.

2.

- Hay giờ mình về nhà đi mẹ. Con nhớ hồ cá và … - chưa kịp nói “nhớ ba” đã đứng khóc.

Con bé làm tôi rối ruột. Tôi điện cho ba nó, hỏi giờ đem con về trốn Covid được không. Hắn kêu nhà chung mà hỏi gì. Ok, vậy là đùm túm về.

Nhiều người không ngừng thắc mắc vụ không dứt khoát về tài sản sau ly hôn của tôi, sợ sau sẽ đẻ ra những lùng nhùng phiền toái. Tôi không khờ như mọi người nghĩ đâu, tôi quái lắm đấy. Nhà tôi không chia vì theo sự phát triển đương nhiên, một vài năm nữa, lô đất mặt đường đó sẽ cầm chắc 5 tỷ hơn.

Bây giờ bán coi như xé lẻ, để đất lên giá bán chia vẫn không muộn mà. Ba bé Nấm sẽ dẫn con nào về ở? Tôi thách!! Mà nhà tôi nhà đúc, ở thì ở chứ có sập được đâu mà sợ. Sổ đỏ trong túi tôi rồi. Đó là chưa nói ngôi nhà còn đó, tôi và các con có về phố núi vi vu cũng chẳng phải tốn tiền đi khách sạn.

Có người lại góp ý ngăn đôi ngôi nhà. Kệ, nó chẳng tội tình gì để tang thương. Hồi làm nó, tôi dồn hết ruột gan để xây “ngôi nhà cổ tích”, giờ phá bỏ ý tưởng, tôi sợ làm hỏng quá khứ tinh khôi. Ly hôn ở chung nhà cũng được mà. Đã bảo xem nhau như bạn rồi, từ trước khi mẹ con tôi dọn đi, chúng tôi vẫn ăn cơm chung - chỉ ngủ khác giường thôi. Chuyện nghe lạ quá hả, ừ, hơi khó tin nhưng đó là sự thật.

Mẹ con vượt 70km, tới nơi trời đã đen đặc. Xe dừng trước cổng, con gái nhảy ào xuống, phóng vào vòng tay đang chờ sẵn của ba nó. Hai gương mặt tươi rói. Đúng là mọi hạnh phúc đều cùng chung một thứ ngôn ngữ.

Bỏ hai con ở nhà với chồng cũ, tôi xống áo đẹp đẽ lang thang. Phố núi đã lặng lẽ, nay bị ảnh hưởng Covid, càng trở nên hiu hắt. Tôi ngồi một mình trên ghế đá công viên, mông lung.

Điện thoại có tin nhắn, là ba bé Nấm, hắn kêu dịch giã mà đi đâu, coi về sớm ăn cơm. Chỉ nói vậy. Giá biết ghen cũng đỡ. Tạng phụ nữ khuôn mặt không đẹp nhưng đôi mắt mơ mơ tình tứ cùng ba vòng rõ ràng như tôi dễ khiến người ta đặt dấu hỏi về đức hạnh, nhưng hắn thì không nha, tôi muốn được ghen để đánh giá tình yêu nhưng không hề. Ngày xưa, chính cái sự không chịu ghen cũng là lý do để tôi “nổi loạn”. Tôi nhắn:

- Cha con anh cứ ăn trước đi.

- Cô đang là mẹ của hai đứa con đấy.

A ha, không chịu ghen mà đem con ra làm tấm bung xung kìa. Ý sợ tôi đem Covid về hay sợ tôi hư hỏng, làm mất thể diện các con. Chắc là cả hai.

Được một lát, lại thấy tin nhắn: “Về ăn cơm, cả nhà đang chờ nè”. Ngữ điệu đã xuống nước. Không kháng cự nữa, tôi về.

Cả nhà đang ngồi chờ cơm thật. Mọi thứ vẫn như ngày chưa dâu bể, hắn đàn ông nhưng có khiếu chợ búa cơm nước nên thầu phần đó không chút ngại ngần. Tôi chỉ đi dạy, chơi với con, lo mấy chậu rau và ăn cơm nhận phần rửa chén.

Bữa cơm tinh tươm, liếc qua có món súp trứng tôi thích. Nhưng tôi bảo mệt, nằm chút rồi ăn sau. Lúc đi nhanh vào phòng, tôi thấy có ánh mắt nhìn theo, không năn nỉ mà chỉ nói, đang mùa Covid, cứ ở yên trong nhà cho lành. Tôi cười nhạt.

Ngày hôm sau, hôm sau nữa tôi lại ra khỏi nhà từ sáng sớm. Một mình, tôi không cô đơn. Tôi tới nhà con bạn đồng nghiệp, hiện cũng làm mẹ đơn thân. Hai đứa bày trò nấu nướng, hứng lên hú thêm vài đứa bạn nữa. Ăn và cả uống bia. Chiều về tới nhà thở ra men. Ba bé Nấm nhìn tôi bằng ánh mắt sấm sét. Tôi khinh khỉnh bằng vẻ mặt trêu ngươi.

Sáng sau nữa tôi lại tính đường đi nhởi. Chứ giờ ở nhà làm gì? Không khéo lại bị bé Nấm đưa vào tình huống “nhạy cảm” như những lần trước. Đại khái, ba ơi, chở mẹ đi chơi cùng nghen, mẹ tội lắm, toàn đi chơi một mình.

Rồi ba ơi, sao con được tặng quà mà mẹ không có, và vân vân… Đang loay hoay thay đồ thì nghe câu lệnh, sáng nay ở nhà đi, Covid không giỡn được đâu. Khéo lo! Chừng nào nó tới thì hay. Không nói nữa mà đẩy ào cửa bước vào- lúc tôi đang cởi áo. Tôi vội lấy tay che ngực. Hắn lịch sự quay đi cho tôi tròng áo vào. Sau quay lại, chìa màn hình điện thoại cho tôi đọc thông báo khẩn số 1 của Y tế huyện. Rồi xong, tôi tái mặt, sáng qua đi chợ, tôi đã tiếp xúc với F1.

Cuống cuồng thu xếp hành lý, tôi muốn về liền. Ở lại thêm chút nào phiền những người xung quanh chút đó. Việc bây giờ là đối mặt chứ không phải chạy trốn- ba Nấm nói cứng. Tôi nghe ngữ điệu thì hiểu, đó là lựa chọn duy nhất.

3.

Sau khai báo, tôi được hướng dẫn cách ly tại nhà.

Ba Nấm dặn tôi tất tật những yêu cầu đối với một người khi bị cách ly - thầy dạy Sinh mà nói như bác sĩ. Kỳ lạ, lúc này tôi không thấy bực mà ưng bụng với sự kỹ càng đến từng centimet này. Và phải đau lòng công nhận, cuộc sống thật khó tuyệt đối cho một đánh giá.

Bắt đầu từ đây, tôi được đối xử như bà hoàng. Cơm ngày ba bữa đầy đủ dinh dưỡng, xen kẽ có sinh tố, sữa chua. Điện thoại còn có video hướng dẫn các bài thể dục tại chỗ. Chưa hết, tôi còn được cho xem hoạt động của các con ngoài “phòng cách ly”.

Nếu không bị nhốt, tôi đâu biết con gái hổm rày đang học vẽ online và con trai đang theo ba nó chương trình nâng cao môn Sinh và cả học võ. Mấy nhỏ cũng ghê, không kể với mẹ bất cứ chuyện gì, cứ như thể chúng đứng hết về phe ba chúng.

Mà công nhận, hai nhỏ dạo này đáng yêu thật, chập lại đứng bên cửa gọi mẹ ơi, có ổn không - tôi nghĩ chắc có sự huấn luyện của ba nó, thằng cu lớn trước nay mắc cỡ miệng, nhút nhát, ngại bày tỏ tình cảm nhưng nay năng động và dẻo mồm hẳn ra. Thấy con có chút tiến bộ, tôi vui vui và phải đắng cay công nhận, con trai càng lớn càng cần ba.

Đêm, đang ngủ, bỗng sặc rồi ho. Tôi ho trong trạng thái say ngủ, không thấy khó chịu vì cơn ho bất thường nhưng lại giật mình tỉnh ngủ vì nghe tiếng gõ cửa rất thảng thốt. Thấy người có gì bất ổn không? Đo thân nhiệt đi. Trời, ho chút thôi mà làm như trời sập. Không được chủ quan, biết bao người đã “ăn chuối xanh” vì mắc Covid rồi đấy. Thấy hắn nóng, tôi biết mình sai, bèn nín khe làm theo. 36 độ. Ok. Ngủ đi.

Sáng, cửa phòng có tiếng gõ, lại nhắc đo thân thiệt đi. Tôi làm theo, báo 36 độ. Ok. Nói rồi bỏ đi, cơm nước sữa trái lại đầy đủ, xế ghé tai vô cửa nói bữa nay xông chứ không tắm nha. Cứ như vậy, hắn chăm tôi kỹ như lần sinh bé Nấm, khiến cả phòng sinh phải tròn mắt ganh tị. Chăm nom kỹ càng thế này là sai ư? Sao ngày xưa mình lại khó chịu? Trên đời được mấy người đàn ông một lòng chăm sóc vợ con? - lời của mẹ. Tự hỏi nhưng lại không trả lời, chính xác là không dám trả lời...

* * *

Ngày thứ mười bốn.

Tôi hỏi đã được ra khỏi phòng chưa. Ba Nấm bảo đã tạm yên, nhưng phải giữ gìn, theo dõi thêm. Lại hỏi thế đã về được chưa, hắn nói ở ráng đủ hai mươi mốt ngày rồi muốn đi đâu thì đi, đừng cụng F1 nữa là được. Không hiểu sao khi nhận được câu trả lời ấy, tôi hơi chao, tôi đã hy vọng một câu trả lời khác…

N.T.B.N

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tron-covid-a135781.html