Trụ cột trong gia đình

Xưa nay, trong mỗi gia đình Việt Nam, thường người chồng, người cha đóng vai trò trụ cột. Và khi những đòi hỏi về chất lượng sống ngày một cao thì vai trò của họ càng nặng nề.

Chăm sóc, nuôi dạy con là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Ảnh: PHẠM THÙY

Chăm sóc, nuôi dạy con là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Ảnh: PHẠM THÙY

Tuy nhiên trên thực tế, cần phải ứng xử một cách bình đẳng và cần có sự chia sẻ vai trò giữa vợ chồng và những thành viên trong gia đình với nhau.

Áp lực khi là trụ cột

Sau khi sinh đứa con đầu lòng, vì không có người chăm sóc, anh Nguyễn Văn Nhiên và chị Lê Thanh Trúc (phường 9, TP Tuy Hòa) chọn phương án tự phân công người đi làm, người nghỉ ở nhà chăm con. Anh Nhiên chia sẻ: “Thời gian đầu, nhờ có được ít vốn tích góp từ trước nên dù một mình đi làm nhưng mọi thứ chi tiêu trong gia đình tôi đều xoay xở được. Thế nhưng khi vợ tôi mang bầu đứa con thứ hai, nhu cầu tài chính ngắn hạn, dài hạn cho gia đình tăng kéo theo áp lực kinh tế. Mâu thuẫn gia đình bắt đầu manh nha”.

Còn theo anh Phạm Thế Vĩnh (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa), từ khi lập gia đình, anh phải đứng trước áp lực trở thành trụ cột tài chính, chăm lo cho tương lai của con cái và báo hiếu cha mẹ hai bên. “Thời gian đầu, tôi còn xoay xở được, về sau khi con cái ngày càng lớn, áp lực về tài chính sinh ra nhiều vấn đề khác. Tôi phải thức khuya dậy sớm với những chuyến biển dài ngày hơn; không còn thời gian để giao du với bạn bè và chăm sóc cho bản thân”, anh Vĩnh thổ lộ.

Bên cạnh những trường hợp nói trên, không ít những trụ cột khi có cơ hội kiếm được nhiều tiền, bị sức hút đồng tiền chi phối đã nảy sinh tâm lý ỷ lại, rằng mình là điểm tựa duy nhất của gia đình nên đối xử bất công với vợ, tự cho mình quyền phán xét, quyết định mọi việc. Tệ hơn, có người quay sang ruồng rẫy vợ con. Ngược lại, người vợ kiếm được nhiều tiền, quay ra coi thường chồng rồi không thực hiện trách nhiệm, bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình...

Mọi sự chịu đựng của vợ hoặc chồng đều có giới hạn nhất định. Khi sự việc đã vượt quá ngưỡng, như giọt nước tràn ly, thì sự đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Cần có sự bình đẳng

Tục ngữ có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” và “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Điều này nói lên vai trò của cả hai, rằng khi họ cùng san sẻ công việc ngoài xã hội và trong gia đình để không ai áp lực cho ai, thì gia đình sẽ được đầm ấm, hạnh phúc. Vai trò của người trụ cột trong gia đình, tùy theo quan niệm mỗi người đều là nơi để các thành viên còn lại trong gia đình trông vào, nương tựa khi cần. Do đó, vợ chồng khi gánh vác vai trò là người trụ cột về vật chất hay tinh thần đều quan trọng như nhau.

Để từng bước rút ngắn khoảng cách giới, các cấp, ngành cần có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới; đẩy mạnh hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình gắn với bình đẳng giới.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Đào An Xuân

Thay vì đi làm về rồi nằm khểnh đọc báo, xem tivi…, anh Nguyễn Dũ (phường 5, TP Tuy Hòa) phụ vợ cơm nước, chăm con. Anh Dũ cho biết: “Ra ngoài xã hội, vợ với chồng ai cũng như ai, vậy nên về nhà phải cùng lo toan, chăm sóc con cái, vun vén cho bữa cơm gia đình. Hôm nào, vợ bệnh hay có việc gì bận là tôi giữ ấm bếp núc, nhà cửa gọn gàng, con cái thơm tho”.

Còn theo ông Võ Thành Nhơn (phường 4, TP Tuy Hòa), mặc dù gia đình ông có 3 thế hệ cùng sinh sống, nhưng các thành viên rất hòa thuận, bình đẳng với nhau. “Cuộc sống hiện đại thì tư tưởng cũng phải thay đổi. Tôi không nặng nề với con cháu việc phải lo cho một ai, mà cần hơn cả là sự chung lưng đấu cật để ổn định cuộc sống”, ông Nhơn bày tỏ.

Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Do đó, việc “xây nhà” không chỉ của riêng người đàn ông, mà còn có sự chung tay góp sức của người phụ nữ và ngược lại, việc xây tổ ấm cũng vậy.

Theo bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, xác định công tác bình đẳng giới phải được thực hiện trên tất cả lĩnh vực, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động tạo điều kiện cho chị em vươn lên, nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt để người dân thấy rằng, trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ thuộc về mỗi cá nhân, mà là của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

“Để từng bước rút ngắn khoảng cách giới, các cấp, ngành cần có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới; đẩy mạnh hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình gắn với bình đẳng giới”, bà Xuân cho biết thêm.

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317632/tru-cot-trong-gia-dinh.html