Trụ vững trên 'sân nhà'
Cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam đang diễn ra giữa doanh nghiệp (DN) nội và DN nước ngoài. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội về vấn đề này.
Theo ông Phú, quý 1/2024, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khá phấn khởi trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của người dân vẫn bị ảnh hưởng, phải thắt chặt chi tiêu.
Ông đánh giá bức tranh toàn cảnh về bán lẻ Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Vũ Vinh Phú: Tính chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa quý 1 ước đạt 1.190,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Thương mại bán lẻ truyền thống phát triển nhanh, những năm gần đây xuất hiện thêm hình thức bán lẻ online. Với thị trường hơn 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng tăng, thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng để các DN khai thác. Bên cạnh đó, đầu vào của thị trường bán lẻ Việt Nam rất dồi dào, nguồn cung ngay tại chỗ, chi phí thấp; 50% giới trẻ yêu thích mua sắm; thương mại điện tử phát triển; thị trường nông thôn dư địa còn nhiều. Hiện, nước ta có khoảng 9.000 chợ, 270 trung tâm thương mại và đại siêu thị, 1.500 siêu thị, 8.000 cửa hàng tự chọn và siêu thị mini, ngoài ra còn có các chợ đầu mối, chợ cóc…
Tiềm năng thì rất lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh ngày càng cao giữa các DN bán lẻ gây nên hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”. Các DN bán lẻ nước ngoài lấn lướt, DN bán lẻ Việt còn nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, chưa thể hiện được thế mạnh trên sân nhà. Cùng với những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nền tảng thương mại điện tử, các nhà bán lẻ nội địa đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Hệ thống siêu thị ở nông thôn còn ít, kênh bán lẻ còn bỏ ngỏ. Hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển, làm tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, mối liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa chặt chẽ, nên thị trường dễ bị biến động, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
Sự quan tâm đến thị trường bán lẻ chưa xứng với tiềm năng vốn có. Chợ cóc, chợ tạm phát triển khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, khó kê khai, thất thu thuế… DN bán lẻ nội địa khó cạnh tranh chi phí đầu vào bởi các chiêu tăng giá ngầm, khuyến mại… của các đại siêu thị nước ngoài. Bản thân DN bán lẻ trong nước cũng chưa chủ động tìm, lựa chọn nguồn cung ứng phù hợp với người tiêu dùng về chủng loại, chất lượng và giá cả hàng hóa để cạnh tranh.
Giải pháp nào để phát triển thị trường bán lẻ nội địa trong thời gian tới, thưa ông?
- Cần xác định giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Trước mắt, cần nhận thức đúng tầm quan trọng của bán lẻ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ, chợ đầu mối, kho bãi phục vụ hoạt động bán lẻ. Quy hoạch lại sản xuất và phân phối, liên kết giải quyết đầu ra cho sản phẩm ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá; giảm bớt trung gian, chi phí; công khai minh bạch hàng hóa qua sàn giao dịch thương mại để nhà sản xuất và người tiêu dùng đều có lợi; tránh độc quyền, tạo cơ chế cạnh tranh công khai giữa các siêu thị; thiết lập chuỗi cung ứng, bớt rườm rà thủ tục, tạo sự công bằng giữa các DN bán lẻ. Phát triển thương mại xanh, tuần hoàn, phương thức bán lẻ mới, thanh toán hiện đại…
Về phía DN Việt phải chú trọng xây dựng thương hiệu, đạo đức văn hóa kinh doanh. Bên cạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhà sản xuất và DN phải luôn đặt vấn đề làm sao để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam; vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các DN nước ngoài. Các DN, nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước cần liên kết với nhau, cùng nhau tạo nên một mạng lưới độc lập, vững chắc; chú trọng cải thiện thái độ, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa…
Về lâu dài, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có chiến lược phát triển ngành thương mại về chợ, siêu thị đạt mức phục vụ nhân dân ra sao trong vòng 10 đến 15 năm tới. Chúng ta phải có quy hoạch, phải đầu tư, có chính sách về thuế đối với từng mặt hàng bán lẻ, mặt hàng thiết yếu hay không thiết yếu. Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường. Hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tại làng nghề, hộ nông dân, hợp tác xã… xây dựng, bảo vệ thương hiệu các chuỗi phân phối, bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.
Đặc biệt, cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, người Việt phải làm chủ sản xuất và hệ thống phân phối để hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tru-vung-tren-san-nha-10276966.html