TRỰC TUYẾN: Chuyên đề 'Phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội'
Sáng nay (12/6), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề 'Tuyên truyền phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội'.
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô, và cũng là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn trong năm 2024.
Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội, gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn); Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest.
Dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội; Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Công Nghiệp - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội.
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có gần 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động đến từ các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.
9h00: Khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, thực tế cho thấy, đối với mỗi công nhân lao động, bên cạnh việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thì đoàn viên, người lao động cũng cần nắm rõ những kiến thức pháp luật, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
Chúng ta vừa đi qua tháng 5 - Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hướng về người lao động. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật, an toàn vệ sinh lao động được các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng, nhằm góp phần nâng cao an toàn trong lao động sản xuất, bảo vệ sức khỏe người lao động.
“Với những lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động trong ngành xây dựng thì việc tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết để phòng ngừa, xây dựng môi trường làm việc an toàn và bảo vệ cho chính mình và đồng nghiệp. Vì thế, tôi mong rằng các đồng chí hãy nêu nhiều câu hỏi, chia sẻ những tình huống thực tiễn để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích”, ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
9h05: Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh đặc thù công việc, ngành Xây dựng luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao về mất an toàn lao động.
Thực tế cho thấy, các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động như: Chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương và các quy định của pháp luật về lao động, việc làm là những nội dung mà người lao động rất quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện, cơ hội để tìm hiểu, tìm “đúng” và tìm “trúng” những nội dung cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất.
Trong bối cảnh đó công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật, hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, trong đó đặc biệt là công tác an toàn lao động luôn được các cấp Công đoàn coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Một trong những hình thức tuyên truyền có tính hiệu quả cao đó là chương trình Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá cao chương trình cùng với chủ đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn lao động và bảo hiểm xã hội” mà Ban Tổ chức lựa chọn ngày hôm nay. Đây là chủ đề rất thiết thực với số đông người lao động, nhất là lao động ngành Xây dựng.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội mong muốn anh chị em công nhân lao động mạnh dạn, thẳng thắn nêu những câu hỏi, thắc mắc của bản thân để được các chuyên gia giải đáp, từ đó, có thêm kiến thức, thông tin về các chế độ, chính sách liên quan đến mình và những kiến thức liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, sức khỏe nghề nghiệp.
9h10: Các chuyên gia trả lời câu hỏi, vướng mắc về chính sách của đoàn viên, CNVCLĐ
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giang, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, hỏi: Xin chuyên gia cho biết, quyền lợi về ATVSLĐ của người lao động được quy định như thế nào?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Quyền lợi của người lao động được quy định rất nhiều trong trong công tác ATVSLĐ, theo đó người lao động được đảm bảo an toàn, trang bị các trang thiết bị ATVSLĐ và cung cấp thông tin về ATVSLĐ. Trong việc cung cấp thông tin, người lao động sẽ được thông báo về môi trường làm việc của mình.
Nếu như trong quá trình làm việc, chúng ta phát hiện ra các yếu tố có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì người lao động có quyền rời bỏ khỏi nơi làm việc mà không vi phạm. Chúng ta chỉ quay lại nơi làm việc khi mà công ty, cán bộ an toàn kiểm tra, thông báo nơi làm việc đã an toàn.
Ngoài ra, người lao động cũng có quyền khiếu nại tố cáo nếu như phản ánh của họ không được giải quyết.
Trên đây là một số quyền lợi mà người lao động được hưởng, người lao động cần hiểu rõ và cùng phối hợp với doanh nghiệp xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn.
Chị Quán Thị Hồng Thuận, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, hỏi: Người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ 6 tháng. Xin hỏi khi về hưu có bị trừ 6 tháng nghỉ này vào năm công tác để đóng BHXH không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động bị tai nạn lao động thì được nghỉ chế độ dành cho tai nạn lao động. Thời gian này người lao động đang được trả lương và chủ sử dụng lao động vẫn đóng BHXH cho người lao động nên không bị tính là thời gian không tham gia đóng BHXH. Trừ trường hợp sau khi nghỉ hết chế độ tai nạn lao động và xin nghỉ không lương, thì thời gian nghỉ không lương này sẽ không được tính.
Anh Nguyễn Thế Trung, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, hỏi: Người lao động có được quyền ký hợp đồng lao động với nhiều công ty hay không? Khi người lao động gặp tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm gì?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Pháp luật công nhận một người lao động có quyền làm việc cho chủ sử dụng lao động, nhưng các bên phải đảm bảo thực hiện đúng các hợp đồng lao động đã ký kết. Về vấn đề tai nạn lao động, trước hết là phải xác định được đó là tai nạn lao động gắn với công việc của người lao động đó. Về các chế độ, chủ sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu (bổ sung): Khi có nhiều hợp đồng lao động khác nhau thì tất cả các hợp đồng lao động đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, đó là điều quan trọng nhất. Khi bị tai nạn lao động, tùy vào công việc, thời gian của chủ sử dụng lao động thì chủ sử dụng đó phải đứng lên làm tất cả thủ tục liên quan đến chi trả chế độ tai nạn lao động từ giám định y khoa, đến thành lập đoàn kiểm tra.
Chuyên gia Đỗ Lan Chi (bổ sung): Trong trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động ở công ty A, sau đó được điều động sang công ty B làm việc và có ký hợp đồng lao động. Công ty A trả lương cố định, công ty B trả các khoản khác. Người lao động cần hiểu rằng bản thân là thuộc quản lý của công ty A. Do vậy, tất cả chế độ của anh sẽ do Công ty A chi trả.
Chị Nguyễn Thị Hồng Uyên - Công ty Môi trường đô thị, hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, khi công nhân chưa ký hợp đồng lao động đang trong thời gian thử việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì họ có được hưởng các chế độ, quyền lợi gì không? Ngoài ra, thời gian đóng bảo hiểm y tế gián đoạn được quy định ra sao? Quyền lợi được hưởng như thế nào?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Quy định trong Luật ATVSLĐ quy định rõ, người lao động trong giai đoạn thử việc, tập nghề, nếu chẳng may bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nghiệm thực hiện toàn bộ trách nghiệm từ việc đưa người lao động bị tai nạn đi sơ cứu, thanh toán chi phí… cho người lao động đến khi họ điều trị ổn định. Ngoài ra, tùy thuộc vào suy giảm sức khỏe, người sử dụng lao động còn phải bồi thường. Với người lao động thử việc, các chế độ không khác gì với người lao động đã ký hợp đồng. Bạn lưu ý, người sử dụng lao động sẽ thanh toán toàn bộ chi phí chứ không phải cơ quan BHXH.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu (bổ sung): Với thắc mắc liên quan đến thời gian đóng BHXH gián đoạn, bạn lưu ý thời gian sẽ không quá 3 tháng. Chúng ta phải lưu ý thời gian như con nghỉ hè, chuyển việc… rất dễ bị gián đoạn đóng bảo hiểm. Chúng ta ở giai đoạn này có thể tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Với việc tham gia bảo hiểm xã hội không gián đoạn, chúng ta tham gia 5 năm liên tục thì chi phí khám chữa bệnh sẽ được hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, hỏi: Người lao động được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội dưỡng sức sau ốm và phí mai táng như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi nghỉ hết thời gian ốm thì mức vẫn là 30% lương cơ sở, vấn đề này do Công ty và Công đoàn quy định.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau: a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Chế độ mai táng phí hiện nay là 10 tháng lương cơ sở tương đương với 18 triệu. Người tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng trở lên sẽ được hưởng chế độ.
Đối với người lao động đang bảo lưu bảo hiểm xã hội, không tham gia đóng ở đâu nhưng chưa rút BHXH 1 lần vẫn được thanh toán mai táng phí nếu chẳng may mất đi. Do vậy, người lao động không nên rút bảo hiểm xã hội một lần để đảm bảo các quyền lợi cho mình.
Nguyễn Thị Hồng Khuyên - Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, hỏi: Người lao động được hưởng chế độ gì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động? Người lao động phải làm gì nếu Công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp chỉ cần báo giảm tại cơ quan BHXH là có thể dừng đóng cho người lao động.
Đối với việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng cần lưu ý nếu có tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì trong vòng 3 tháng sẽ phải qua làm thủ tục, nếu quá 3 tháng coi như không có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay các luật liên quan như Luật BHXH, Luật ATVSLĐ, Luật Lao động… hiện vẫn có sự vênh nhau trong các quy định khi nghỉ việc. Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động và chốt sổ, trước hết người lao động làm theo các thủ tục bình thường, trường hợp khó khăn quá cũng có thể nhờ Công đoàn vào cuộc.
Luật sư Phạm Ngọc Minh (bổ sung): Luật Lao động 2019 có những quy định đã bớt thủ tục hành chính hơn rất nhiều, đơn cử như việc chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện, chúng ta hoàn toàn có thể thông báo trước là chúng ta sẽ nghỉ, thay vì cần sự đồng ý của người sử dụng lao động như trước đây.
Ngoài ra, với một số trường hợp quyền lợi bị ảnh hưởng như quấy rối, chậm lương… người lao động có quyền nghỉ mà không cần thông báo. Tương tự việc chốt sổ bảo hiểm xã hội hiện tại cũng khá đơn giản, theo tôi, quyền lợi của người lao động hiện tại đã được đảm bảo hơn rất nhiều.
Anh Nguyễn Đức Bảo - Công ty CP Nước sạch Sông Đà, hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, người lao động bị tai nạn lao động thì có quy định nào về bố trí công việc cho người lao động bị mất sức sau tai nạn lao động không?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Khi người lao động bị tai nạn lao động sẽ được người sử dụng lao động thanh toán các chi phí liên quan. Điểm quan trọng ở đây là khi người lao động chúng ta quay trở lại làm việc thì người sử dụng lao động sẽ phải bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động hậu tai nạn. Tuy nhiên, trong thực tế với vấn đề này người sử dụng lao động cũng rất khó. Tôi từng biết có trường hợp người sử dụng lao động có người lao động bị tai nạn trên công trường và bị liệt nửa người. Việc bố trí công việc hậu tai nạn cũng rất khó khăn.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu (bổ sung): Khi chấm dứt hợp đồng lao động doanh nghiệp chỉ cần báo giảm tại cơ quan BHXH là có thể dừng đóng cho người lao động.
Đối với việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng cần lưu ý nếu có tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì trong vòng 3 tháng sẽ phải qua làm thủ tục, nếu quá 3 tháng coi như không có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay các luật liên quan như Luật BHXH, Luật ATVSLĐ, Luật Lao động… hiện vẫn có sự vênh nhau trong các quy định khi nghỉ việc… Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động và rút sổ, trước hết làm theo các thủ tục bình thường, trường hợp khó khăn quá cũng có thể nhờ Công đoàn vào cuộc.
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh (bổ sung): Luật Lao động 2019 có những quy định đã bớt thủ tục hành chính hơn rất nhiều, đơn cử như việc chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện, chúng ta hoàn toàn có thể thông báo trước là chúng ta sẽ nghỉ, thay vì cần sự đồng ý của người sử dụng lao động như trước đây.
Ngoài ra, với một số trường hợp quyền lợi bị ảnh hưởng như quấy rối, chậm lương… người lao động có quyền nghỉ mà không cần thông báo. Tương tự việc chốt sổ BHXH hiện tại cũng khá đơn giản, quyền lợi của người lao động hiện tại đã được đảm bảo hơn rất nhiều.
Phạm Thu Huyền, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, hỏi: Nơi tôi làm có 1 người lao động sinh năm 1969 và năm nay bắt đầu ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, khi nghỉ hưu thì chú được hưởng chế độ gì?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Mỗi cá nhân sẽ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội khách nhau, trường hợp người này chưa có bảo hiểm xã hội khi ký hợp đồng lao động đương nhiên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội. Với trường hợp này, khi nghỉ hưu chúng ta có thể giải quyết chế độ bảo hiểm 1 lần, hoặc tham gia thêm 5 năm nữa, tức là có đủ 10 năm đóng BHXH, đóng tiếp 1 lần cho 10 năm còn thiếu để được nhận thêm lương hưu sau tháng đóng đủ. Theo tôi biết dự thảo luật mới 2024, có thể tăng số năm đóng BHXH lên 15 năm, các điều kiện khác nhau nên sự linh động cũng sẽ khác nhau để quyền lợi của người lao động có thể được đảm bảo tối đa nhất.
Chị Trịnh Bích Ngọc, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hỏi: Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 thì trợ cấp 1 lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh được tính như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với chế độ nghỉ thai sản, lao động nữ được nghỉ 6 tháng khi sinh con. Bên cạnh đó, người lao động được trợ cấp là 2 tháng lương cơ sở, thời gian nghỉ dưỡng sức nghỉ 5-10 ngày tùy theo sinh thường hay sinh mổ.
Anh Đỗ Hồng Thanh, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, hỏi: Tôi sinh tháng 11 năm 1966, đã đóng BHXH 37 năm, năm nay tôi 58 tuổi. Vậy thì năm về hưu của tôi là bao nhiêu tuổi. Năm nay tôi muốn về hưu thì có được không và có bị giảm bảo % không? Khi về hưu tôi được trợ cấp gì khi đóng bhxh vượt thời gian?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:Trường hợp này người lao động được nghỉ vào 12/2028. TRường hợp ng lao động muốn về hưu sớm phải thực hiện đi giám định y khoa, suy giảm khả năng lao động 61% trở lên mới đủ điều kiện giải quyết hưu (đối với trường hợp công việc không nằm trong hạng mục độc hại). Theo Dự thảo luật mới, đối với trường hợp có dư năm đóng BHXH, nhưng phải trên độ tuổi nghỉ hưu. Nếu sau khi hết 62 tuổi vẫn tiếp tục làm việc thì mỗi năm đóng BHXH sẽ được trả thêm 2 tháng lương. Không được bù trừ giữa tuổi và năm đóng BHXH, vẫn phải đủ 2 yếu tố là tuổi về hưu và đủ năm đóng BHXH.
Chị Đỗ Thị Quỳnh Điệp - Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, hỏi: Xin hỏi chuyên gia, hiện nghề nghiệp chúng tôi là lao động độc hại, trường hợp tôi 50 tuổi và công tác 25 năm, tôi muốn dừng bảo hiểm và nghỉ hưu. Vậy tôi có có được nghỉ hưu ngay không? Chế độ hưởng bảo hiểm ra sao?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về tuổi nghỉ hưu như các bạn đã biết, hiện nay vẫn đang trong lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Với ngành nghề độc hại sẽ nghỉ hưu trước 5 năm. Chúng ta suy giảm khả năng lao động 61% là chúng ta không bị trừ tỷ lệ nghỉ hưu trước tuổi. Cái quan trọng nhất ở đây là các bạn sẽ được về hưu trước 5 năm và không bị xem là nghỉ hưu trước tuổi.
Với trường hợp của chị khi muốn về trước 51 tuổi 4 tháng thì phải suy giảm khả năng lao động 81%.
Với nữ lao động thì phải 30 năm đóng BHXH mới hưởng Bảo hiểm 75%, với trường hợp của chị mới đóng Bảo hiểm 25 năm và về sớm như vậy sẽ bị trừ 10% do không đủ số năm đóng BHXH. Nếu đủ sức khỏe thì chúng ta nên cống hiến, trong trường hợp bất khả kháng thì mới nghỉ hưu trước tuổi.
Chị Trần Thị Bảo Trâm - Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội, hỏi: Theo Luật An toàn lao vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có quyền như thế nào trong công tác ATVSLĐ?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Khi nói đến quyền của người sử dụng lao động thì có rất nhiều quyền. Một trong những quyền quan trọng nhất của người sử dụng lao động là có quyền yêu cầu người lao động phải tuân thủ các quy định về ATVSLĐ.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có quyền khen thưởng và kỷ luật về công tác ATVSLĐ. Nếu như có các vụ tai nạn lao động xảy ra thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu NLĐ tham gia kết hợp giải quyết vụ tai nạn lao động đó. Ngoài ra, người sử dụng lao động có quyền khiếu nại và tố cáo.
Chị Phạm Thị Vinh, Công ty TNHH MTV vườn thú Hà Nội hỏi: Chúng tôi là lao động trực tiếp, tôi muốn hỏi việc lập kế hoạch ATVSLĐ có phải lấy ý kiến Công đoàn và công nhân lao động không?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Hằng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thông thường trong khoảng tháng 11-12 của năm đó là phải lập kế hoạch.
Việc lập kế hoạch ATVSLĐ phải được lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây: Đánh giá rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; Kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ năm trước; Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch; Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra.
Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào Kế hoạch ATVSLĐ.
Anh Trần Hữu Thắng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, vai trò của Công đoàn trong giám sát ATVSLĐ? Kế hoạch giám sát ATVSLĐ có quy định rõ và cụ thể trong Luật không? Trong kế hoạch giám sát thì có cần xác nhận của chính quyền?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Hiện nay trong Luật ATVSLĐ thì vai trò của Công đoàn là rất lớn, từ tham gia ký, thương lượng các điều khoản… về giám sát ATVSLĐ thì trong Luật quy định rõ chúng ta có mạng lưới An toàn vệ sinh viên. Mạng lưới này do NSDLĐ thành lập nhưng lại chịu sự quản lý của CĐCS. Mỗi tổ sản xuất sẽ có 1 An toàn vệ sinh viên. Người này sẽ đóng vai trò tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ, giúp giám sát các hoạt động về ATVSLĐ trong quá trình sản xuất…
Với tổ chức Công đoàn, nếu trong quá trình đi kiểm tra, nếu phát hiện ra nơi làm việc có nguy cơ xảy ra TNLĐ thì hoàn toàn có quyền yêu cầu dừng sản xuất để sửa chữa, sao cho đảm bảo ATVSLĐ mới tiếp tục để NLĐ tham gia sản xuất.
Câu chuyện liên quan đến trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, Công đoàn tham gia giám sát, đây là điều quan trọng. Nhiều đơn vị khi trao đổi với Công đoàn thì nói là trang bị tốt, nhưng thực tế lại không phải. Công đoàn phải giám sát. Công đoàn cần phải xây dựng kế hoạch giám sát ATVSLĐ trong năm.
Khi chúng ta tham gia giám sát ATVSLĐ thì kế hoạch cần đưa cho NLĐ và NSDLĐ. Chúng ta hết sức lưu ý, công tác này muốn làm tốt thì phải cởi mở thông tin. Công đoàn là tổ chức địa diện cho NLĐ, bởi vậy phải thông báo cho NLĐ và NSDLĐ biết. Chúng ta không cung cấp kế hoạch giám sát thì sẽ cực kỳ bị động trong công tác giám sát. Việc đảm bảo thông tin là hết sức quan trọng.
Trong kế hoạch giám sát thì có cần xác nhận của chính quyền? với vấn đề này chúng ta không cần. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì nên có sự xác nhận của chính quyền để chính quyền chủ động phối hợp với chúng ta trong công tác giám sát.
10h35: Kết thúc buổi Đối thoại - giao lưu