Trung Quốc mạnh tay xử lý việc lãng phí thức ăn

Trong bối cảnh thế giới đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực nhưng thực phẩm trong nước bị lãng phí hàng triệu tấn mỗi năm, Trung Quốc gần đây đã mạnh tay xử lý vấn đề phung phí thức ăn.

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (TQ) đã ập vào một nhà hàng ở địa phương sau khi có tin nhà hàng này tổ chức cuộc thi thách thực khách ăn 108 cái “chaoshous” (bánh bao hoành thánh cay) càng nhanh càng tốt để nhận giải thưởng là một bữa ăn miễn phí và một số phần quà khác.

Theo hãng tin The Cover (TQ), để thu hút sự quan tâm của mọi người, nhà hàng (không nêu tên) đã quảng cáo cuộc thi của mình trên các phương tiện truyền thông. Cơ quan chức năng TP Nghi Tân cho biết sẽ mở một cuộc điều tra xem liệu nhà hàng trên có vi phạm luật về lãng phí thực phẩm hay không.

Đây không phải là lần đầu tiên TQ mạnh tay trong xử lý lãng phí thức ăn. The Cover cho biết nhiều nhà hàng TQ đã bị điều tra vì tổ chức các cuộc thi tương tự, bên cạnh đó, các hình thức lãng phí thực phẩm khác cũng bị xử lý nghiêm.

Cư dân khu phố ngồi quanh một bàn ăn tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đón tết Nguyên đán. Ảnh: CNN

Cư dân khu phố ngồi quanh một bàn ăn tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đón tết Nguyên đán. Ảnh: CNN

Ăn uống vô độ là vi phạm pháp luật

Ngày 29-4-2021, TQ đã thông qua Luật Chống lãng phí thực phẩm gồm 32 điều nhằm “ngăn chặn lãng phí lương thực, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững”. Luật này định nghĩa lãng phí thực phẩm là hành vi không sử dụng thực phẩm để ăn, uống đúng mục đích, bao gồm việc lãng phí về chất lượng hoặc số lượng thực phẩm cho mục đích không hợp lý.

Luật yêu cầu các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương tăng cường tổ chức và điều phối nỗ lực chống lãng phí thực phẩm, yêu cầu các tổ chức có nhà ăn như nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp... cùng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cung cấp số lượng, khẩu phần thức ăn phù hợp, hạn chế dư thừa. Ngoài ra, luật cũng khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tính thêm phí nếu thực khách “gây lãng phí thức ăn rõ ràng”.

Điều 28, 29 và 30 của luật này quy định cụ thể hình thức xử phạt khi vi phạm. Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống “không chủ động nhắc nhở thực khách, để thực khách lãng phí thức ăn” hoặc “lừa dối, gây hiểu lầm khiến thực khách gọi món quá nhiều và gây lãng phí” sẽ bị phạt cảnh cáo, nếu không sửa chữa sẽ bị phạt 1.000-10.000 nhân dân tệ (3,2-32 triệu đồng). Đối với các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nếu gây ra lãng phí thực phẩm nghiêm trọng trong quá trình sản xuất và kinh doanh sẽ bị cảnh cáo, trường hợp tái phạm sẽ bị phạt 5.000-50.000 nhân dân tệ (16-160 triệu đồng).

Về phía các đài phát thanh, đài truyền hình hoặc cá nhân, công ty cung cấp video trực tuyến, nếu “sản xuất và quảng bá các chương trình ăn uống vô độ, các video lãng phí thực phẩm” sẽ bị cảnh báo và yêu cầu viết bài đính chính. Nếu vụ việc nghiêm trọng hoặc vi phạm lần hai sẽ bị phạt 10.000-100.000 nhân dân tệ (32-320 triệu đồng), thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động.

Ai đã bị phạt?

TQ tăng cường kiểm soát lãng phí trong bối cảnh thực phẩm nước này đang bị phí phạm nghiêm trọng. Một báo cáo năm 2022 do Viện Nghiên cứu địa lý và tài nguyên TQ cùng Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố cho thấy có hơn 35 triệu tấn lương thực (tương đương khoảng 6% tổng sản lượng lương thực của cả nước) bị thất thoát và lãng phí ở TQ hằng năm.

Ngoài ra, chính phủ và người dân nước này cũng bức xúc trước việc các Vlogger phát trực tiếp cảnh họ ăn uống vô độ để thu hút người xem. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng lên tiếng rằng việc lãng phí thức ăn là “gây sốc và đáng buồn”. Hồi tháng 3, ông cho biết nguồn cung ứng nông nghiệp là nền tảng của an ninh quốc gia.

Vào tháng 8-2020, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “Ăn sạch đĩa” để nhắc nhở người dân “duy trì ý thức về an ninh lương thực” trong bối cảnh mưa lũ gây mất mùa và khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19.

Trước khi Luật Chống lãng phí thực phẩm được ban hành, TQ cũng đã có những biện pháp để kiểm soát vấn đề này. Tháng 9-2020, Cục Quản lý không gian mạng TQ (CAC) cho biết đã đóng 13.600 tài khoản video ngắn và phát trực tiếp về Mukbang (một từ tiếng Hàn Quốc có nghĩa là vừa ăn vừa ghi hình).

Các nền tảng truyền thông xã hội ở TQ cũng cam kết sẽ phạt những người dùng lãng phí thực phẩm. Nền tảng video ngắn Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, cho biết khi người dùng tìm kiếm các từ khóa như “Mukbang” hoặc “cuộc thi ăn uống” sẽ nhận được lời nhắc rằng đừng lãng phí thức ăn. “Đối với bất kỳ hành động nào gây lãng phí thực phẩm, sau khi Douyin phát hiện, chúng tôi sẽ áp dụng các hình thức xử phạt tùy theo mức độ”, theo tuyên bố của Douyin.

Một nền tảng video ngắn khác là Kuaishou vào năm 2020 cũng thông báo sẽ đóng các chương trình phát sóng trực tiếp khuyến khích việc ăn quá mức. Mạng xã hội Weibo cũng ra tuyên bố cho biết sẽ hạn chế các video với nội dung tương tự và kêu gọi các Blogger ăn uống quảng bá lối sống tiêu dùng “đúng đắn”.

Thời gian gần đây đã có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị xử phạt vì vi phạm quy định. Bên cạnh vụ việc vừa xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, ngày 25-4, Cục Giám sát thị trường quận Cửu Long Pha, TP Trùng Khánh (TQ) đã công bố một loạt trường hợp vi phạm lãng phí thực phẩm. Đáng chú ý, trong số này là một nhà hàng đã bị phạt tội “lôi kéo người tiêu dùng gọi suất ăn quá nhiều” vì không phục vụ phần ăn nhỏ cho thực khách.•

EU lên kế hoạch cắt giảm lãng phí thực phẩm

Hãng tin Reuters dẫn một dự thảo kế hoạch của Ủy ban châu Âu ngày 5-7 kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hạn chế lãng phí thực phẩm trong thập niên này.

Theo ước tính của EU, mỗi người dân châu Âu đang lãng phí 131 kg thực phẩm mỗi năm. Việc này gây tốn kém tiền bạc của người tiêu dùng, thải ra lượng khí CO2 không cần thiết và lãng phí năng lượng, nhiên liệu để sản xuất thực phẩm.

Kế hoạch của EU đặt mục tiêu thúc đẩy mọi quốc gia EU giảm 30% rác thải thực phẩm từ các cửa hàng, nhà hàng và hộ gia đình tính theo đầu người vào cuối năm 2030, so với mức của năm 2020.

EU cũng mong muốn các nước thành viên cắt giảm 10% rác thải thực phẩm trong quá trình chế biến và sản xuất vào năm 2030, so với mức của năm 2020.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-quoc-manh-tay-xu-ly-viec-lang-phi-thuc-an-post741679.html