Trung Quốc tăng cường hợp tác với châu Phi

Nhìn thấy tiềm năng phát triển của châu Phi, Trung Quốc đang tích cực hợp tác ở nhiều lĩnh vực nhằm giúp lục địa đen giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, góp phần xây dựng một cộng đồng chất lượng cao với tương lai chung.

Nguồn: China Daily

Nguồn: China Daily

Tầm quan trọng của hợp tác đa phương

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, hơn 110 triệu người ở châu Phi bị ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến khí hậu trong năm qua, dẫn đến thiệt hại kinh tế lên tới hơn 8,5 tỷ USD. Năm 2023, châu Phi phải hứng chịu một số hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có cơn bão nhiệt đới dữ dội kéo dài nhất Freddy, dẫn đến thảm họa nghiêm trọng ở Malawi, Mozambique và Madagascar.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên hơn đã khiến tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp hiện nay ở châu Phi giảm 34% so với năm 1961, kéo theo GDP của toàn lục địa có khả năng giảm 15% vào năm 2030. Hơn nữa, với số lượng dân số phải di dời do thảm họa khí hậu ngày càng tăng, nguy cơ khủng hoảng nhân đạo bùng phát ở vùng Sừng châu Phi, vùng Sahel và vùng Hồ Lớn châu Phi. Do đó, điều cấp bách hiện nay là châu Phi cần tìm ra các phương pháp quản trị khí hậu linh hoạt để đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững, như đã được mô tả trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU).

Mặc dù đã có những hành động bước đầu, song việc quản trị khí hậu hiệu quả ở châu Phi vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt kinh phí đáng kể, do sự trì hoãn đầu tư từ các nước phát triển. Các kế hoạch tài trợ khí hậu toàn cầu được xây dựng tại các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc như COP16 và COP21 chưa được triển khai hiệu quả.

Là lục địa có tỷ lệ nghèo đói cao nhất, châu Phi hiện đang phải đối mặt với khoảng cách tài chính khí hậu nghiêm trọng hơn. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Phi, nhu cầu tài trợ khí hậu của châu Phi ước tính đạt mức đáng kinh ngạc là 2,8 nghìn tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030, và cần thêm 1,3 nghìn tỷ USD hàng năm để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê từ Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi tài chính năng lượng ở châu Phi được tổ chức tại COP27, châu Phi chỉ có thể tiếp cận khoảng 3% nguồn tài trợ khí hậu toàn cầu, trong đó chỉ có 14% đến từ khu vực tư nhân. Châu lục này đang phải đối mặt với khoảng cách tài trợ hàng năm lên tới 90 tỷ USD. Ngoài ra, theo ước tính của Trung tâm quản lý chính sách phát triển châu Âu (ECDPM), nếu tiến độ thực hiện tài trợ khí hậu vẫn chậm và vấn đề phân bổ không đồng đều không được giải quyết một cách cơ bản, thì khoảng cách tài chính khí hậu hàng năm của châu Phi có thể lên tới 200 - 400 tỷ USD vào năm 2030, trở thành một trong những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội ở châu Phi.

Vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các nước châu Phi đang trở thành ưu tiên hàng đầu để châu Phi tham gia hợp tác đa phương về quản trị khí hậu toàn cầu. Tháng 9.2023, châu Phi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên và ban hành Tuyên bố Nairobi, trong đó kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu của châu Phi. Tuyên bố này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia rộng rãi và nâng cao khả năng thích ứng ở khu vực châu Phi nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu cũng như hợp tác toàn cầu trong ứng phó khủng hoảng.

Sau Nam Phi, AU chính thức được kết nạp là thành viên châu Phi thứ hai của G20, tiếp tục mở rộng quyền đại diện và quyền thảo luận của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu. Việc AU gia nhập G20 là cơ hội để các nước đang phát triển thể hiện quan điểm và góp phần định hình các quyết định của nhóm này. Đồng thời thúc đẩy tầm nhìn quản trị khí hậu của châu Phi trở thành một chương trình nghị sự quan trọng nhằm thúc đẩy xây dựng một trật tự quản trị khí hậu toàn cầu được hợp lý hơn.

Công nghệ nông nghiệp giúp giải bài toán an ninh lương thực

Trung Quốc dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp châu Phi giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, bằng cách tăng cường hợp tác song phương trong công nghệ nông nghiệp và đào tạo nhân tài. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chung Trung Quốc - châu Phi tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Jomo Kenyatta ở thủ đô Nairobi, Kenya, ông Robert Gituru cho rằng, việc Trung Quốc sản xuất máy móc và công cụ nông nghiệp quy mô nhỏ với giá cả phải chăng đang giúp châu Phi cải thiện năng suất cây trồng, từ đó nhanh chóng đưa một lượng lớn người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Châu Phi có lượng đất trồng trọt tương đối lớn so với nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, vì vậy nếu lục địa này nhập khẩu các công nghệ phù hợp từ Trung Quốc có thể bảo đảm an ninh lương thực. Sự hợp tác giữa hai bên đã mang lại những kết quả rõ ràng trên khắp châu Phi. Điển hình vào năm 2023, trung tâm nghiên cứu của ông Gituru đã trình diễn cách trồng ngô và bằng cách sử dụng các kỹ thuật nông học phù hợp của Viện Khoa học Trung Quốc, năng suất tăng 50%.

Trung tâm còn sử dụng máy trồng cây cầm tay của Trung Quốc giúp tiết kiệm nhân công trong việc trồng trọt, gieo hạt và bón phân. Trung Quốc cũng đang sản xuất một loại máy có thể giúp nông dân sản xuất thức ăn bổ dưỡng hơn cho vật nuôi của họ, và còn đưa ra cách trồng các loại cây có giá trị gia tăng như nho, quả kiwi và kê đuôi chồn ở châu Phi.

Ngoài việc sản xuất máy móc, công cụ nông nghiệp quy mô nhỏ, các doanh nghiệp Trung Quốc rất mong muốn tham gia sản xuất phân bón nội địa. Ông Gituru tin rằng, điều này sẽ đặc biệt có lợi vì việc thiếu phân bón là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến sản lượng nông nghiệp thấp ở châu Phi. Một viện nghiên cứu của Trung Quốc đang cải tạo sa mạc Taklimakan, đang chuyển giao kỹ năng và công nghệ cho các nước châu Phi thông qua sáng kiến “Bức tường xanh vĩ đại”, nhằm mục đích tăng diện tích đất canh tác ở Sahel, khu vực giáp biên giới với sa mạc Sahara của châu Phi.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã tích cực tham gia xây dựng các Công viên nông nghiệp chung châu Phi, điều phối viện trợ cho các trung tâm trình diễn nông nghiệp châu Phi và hỗ trợ các nước châu Phi phát triển các ngành nông nghiệp đặc trưng theo định hướng thị trường. Những nỗ lực chính bao gồm thúc đẩy sản xuất và lưu trữ các sản phẩm lương thực chủ yếu như lúa lai, sắn và đậu nành, dẫn đến các dự án trình diễn hợp tác nông nghiệp như Công viên nông nghiệp Wanbao ở Mozambique và chương trình trình diễn trồng lúa lai ở Kihanga, Burundi.

Những nỗ lực này giúp nâng cao khả năng phục hồi của nông nghiệp châu Phi trước các thảm họa thiên nhiên và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người dân châu Phi.

Nỗ lực xanh hóa châu Phi

Thêm vào đó, Trung Quốc luôn coi việc hỗ trợ châu Phi ứng phó với biến đổi khí hậu là một phần quan trọng trong hợp tác Trung Quốc - châu Phi.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên xây dựng khuôn khổ hợp tác khí hậu với châu Phi thông qua Tuyên bố về hợp tác Trung Quốc - châu Phi về chống biến đổi khí hậu. Lấy lượng khí thải carbon tổng thể thấp của châu Phi làm điểm khởi đầu, Trung Quốc ưu tiên chuyển đổi năng lượng ở châu Phi và phát triển nền nông nghiệp hiện đại của lục địa này để nâng cao năng lực quản lý rủi ro khí hậu và thiên tai. Trung Quốc cũng đã triển khai hàng trăm dự án sản xuất năng lượng sạch và lưới điện ở châu Phi, như Trang trại gió De Aar ở Nam Phi, Nhà máy điện mặt trời Garissa ở Kenya và Nhà máy thủy điện Nyabarongo II ở Rwanda.

Trong bối cảnh sự hội nhập nhanh chóng của Sáng kiến Vành đai và Con đường với Chương trình nghị sự 2063 của AU, hợp tác xanh Trung Quốc - châu Phi sẽ đóng vai trò là sự diễn giải sinh động về Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, thúc đẩy các nỗ lực chung giữa Trung Quốc và châu Phi nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - châu Phi chất lượng cao với tương lai chung.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trung-quoc-tang-cuong-hop-tac-voi-chau-phi-i362549/