Trung Quốc và giấc mơ trở thành trung tâm AI toàn cầu

Trung Quốc vừa công bố ý tưởng thành lập một 'tổ chức hợp tác trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới', với trụ sở tại Thượng Hải nhằm thúc đẩy phối hợp toàn cầu về quản trị AI. Kế hoạch trên được Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra tại Hội nghị AI thế giới (WAIC) 2025 diễn ra hôm 26/7 ở Thượng Hải.

Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh, nếu thiếu một khung khổ quản trị toàn cầu, AI sẽ trở thành "cuộc chơi độc quyền" của một số quốc gia và tập đoàn công nghệ. Điểm nhấn của đề xuất là "Kế hoạch Hành động 13 điểm" kêu gọi phát triển mã nguồn mở, chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới, xây dựng diễn đàn đối thoại quốc tế và hạ tầng điện toán đám mây hỗ trợ các nước đang phát triển.

Trung Quốc cam kết khuyến khích mô hình AI mở và hợp tác toàn diện, với sự tham gia của chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và giới nghiên cứu. Đây là bước tiếp nối của các sáng kiến trước như "Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu" và "Tuyên bố Thượng Hải về AI", đồng thời là thông điệp mạnh mẽ về việc Bắc Kinh sẵn sàng dẫn dắt một trật tự AI đa phương. Việc chọn Thượng Hải làm trụ sở không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn giúp Trung Quốc củng cố vị thế là trung tâm điều phối các quy chuẩn công nghệ trong tương lai.

Địa điểm tổ chức WAIC 2025 tại Thượng Hải.

Địa điểm tổ chức WAIC 2025 tại Thượng Hải.

Sáng kiến này nhận được sự quan tâm đáng kể từ giới chuyên gia. "Cha đẻ của AI" Geoffrey Hinton tại WAIC đã nhấn mạnh rằng, hợp tác quốc tế về an toàn AI là "lợi ích sống còn" của nhân loại. Theo ông, các nước có thể cạnh tranh công nghệ, nhưng phải sẵn sàng chia sẻ các phương pháp kiểm soát rủi ro và cơ chế an toàn. Ông ví sự phát triển AI siêu thông minh như "nuôi hổ" và cảnh báo cần dạy AI "làm điều đúng" để tránh hậu quả khó kiểm soát. Sự hiện diện của ông và việc ký kết "Đồng thuận An toàn AI Thượng Hải" được coi là dấu hiệu ủng hộ đáng kể cho sáng kiến của Bắc Kinh.

Bày tỏ sự đồng thuận, Cựu CEO Google Eric Schmidt ca ngợi xu hướng AI mã nguồn mở ở Trung Quốc và nhấn mạnh việc tích hợp "lan can an toàn" ngay từ giai đoạn huấn luyện. Ông cảnh báo vài năm tới AI có thể tự cải tiến với tốc độ nhanh, và "chỉ có hợp tác quốc tế mới giúp nhân loại kiểm soát được sức mạnh công nghệ". Sự ủng hộ của những nhân vật hàng đầu như Hinton và Schmidt phần nào củng cố tính chính danh của sáng kiến này trong cộng đồng khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, phản ứng chính trị từ phương Tây vẫn còn dè dặt. Mỹ và đồng minh đã hình thành các cơ chế quản trị AI riêng như GPAI trong OECD và tiến trình Hiroshima của G7. Một tổ chức do Trung Quốc dẫn dắt có thể bị xem là công cụ để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và thúc đẩy tiêu chuẩn có lợi cho mình.

Giới phân tích của Brookings nhận định rằng, các liên minh hẹp giữa các quốc gia "cùng chí hướng" dễ đạt đồng thuận hơn so với một cơ chế bao trùm nhiều nước với lợi ích đối nghịch. Liên minh châu Âu (EU), với khung pháp lý nghiêm ngặt như Đạo luật AI, cũng tỏ ra thận trọng. Dù chưa có tuyên bố công khai phản đối, sự im lặng của phương Tây cho thấy tổ chức này khó nhận được sự tham gia tích cực từ Mỹ và EU trong giai đoạn đầu.

Ngược lại, các quốc gia đang phát triển và nhiều tổ chức quốc tế lại đánh giá cao thông điệp "AI cho tất cả" của Trung Quốc. Đại diện hơn 30 quốc gia, trong đó có Nga, Nam Phi, Qatar và Hàn Quốc, đã tham dự các buổi tọa đàm về sáng kiến này. Bắc Kinh nhấn mạnh việc chia sẻ lợi ích công nghệ với các nước Nam bán cầu, cam kết hỗ trợ hạ tầng và đào tạo nhân lực AI, điều này nhận được sự hưởng ứng của nhiều nước vốn lo ngại bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ.

Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) hay Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đều theo dõi chặt chẽ động thái này. LHQ từ lâu đã thảo luận khả năng thành lập cơ quan giám sát AI ở tầm toàn cầu, tương tự mô hình IAEA. UNESCO, với vai trò tiên phong về đạo đức AI, coi đây là cơ hội thúc đẩy các nguyên tắc mà tổ chức đã đề xuất thành hành động cụ thể, miễn là đảm bảo minh bạch và nhân quyền. OECD, vốn xây dựng bộ nguyên tắc AI từ năm 2019, quan tâm tới việc tránh xung đột tiêu chuẩn và có thể phối hợp nếu sáng kiến này được ủng hộ rộng rãi.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận "đa bên" với sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội dân sự. Về mặt chiến lược, sáng kiến này giúp Trung Quốc khẳng định vị thế "nhà lãnh đạo công nghệ có trách nhiệm", đồng thời tạo nền tảng mở rộng ảnh hưởng tới các nước đang phát triển.

Đặt trụ sở tại Thượng Hải không chỉ gia tăng sức hút công nghệ mà còn cho phép Trung Quốc tham gia sâu hơn vào việc định hình các quy chuẩn toàn cầu. Đây cũng là phản ứng trực tiếp trước các hạn chế xuất khẩu chip và công nghệ AI của Mỹ. Bắc Kinh muốn chứng minh không chỉ đứng vững mà còn sẵn sàng thiết lập một trật tự hợp tác thay thế, trong đó mô hình AI mở là công cụ quan trọng. Tuy vậy, nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo về những nghi ngại xoay quanh tính minh bạch và động cơ của Trung Quốc.

Một số quốc gia phương Tây lo ngại rằng các nguyên tắc do Bắc Kinh đề xuất có thể phản ánh ưu tiên kiểm soát của nhà nước, hơn là các giá trị phổ quát như quyền riêng tư và tự do thông tin. Nguy cơ hình thành hai hệ thống quản trị AI song song - một do phương Tây dẫn dắt, một do Trung Quốc - có thể làm trật tự công nghệ thêm phân mảnh. Khi đó, doanh nghiệp và quốc gia có thể chọn tuân thủ hệ thống "mềm" hơn, gây ra tình trạng "chảy chạy luật lệ" và làm suy yếu mục tiêu xây dựng AI an toàn, công bằng cho toàn nhân loại.

Thành công của tổ chức AI toàn cầu do Trung Quốc đề xuất sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng dung hòa lợi ích giữa các cường quốc và việc tích hợp với các cơ chế sẵn có như UNESCO, OECD hay WEF. Nếu minh bạch và toàn diện, nó có thể trở thành bước tiến quan trọng cho một trật tự AI đa phương. Ngược lại, nếu bị xem là công cụ chính trị, sáng kiến này khó đạt được sự đồng thuận quốc tế cần thiết.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-va-giac-mo-tro-thanh-trung-tam-ai-toan-cau-i776249/