Trung tâm tài chính quốc tế áp dụng pháp luật như thế nào?

Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng chính sách pháp luật linh hoạt tại Trung tâm tài chính quốc tế.

 Trung tâm tài chính quốc tế được quyết nghị đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trung tâm tài chính quốc tế được quyết nghị đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nghị quyết số 222 về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6, hiệu lực từ ngày 1/9. Theo đó, Trung tâm tài chính quốc tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ.

Nghị quyết nêu rõ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Trung tâm tài chính quốc tế được điều chỉnh bởi Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; hoặc pháp luật hiện hành của Việt Nam trong trường hợp các văn bản quy định trên không quy định.

Đáng chú ý, Nghị quyết cũng cho phép lựa chọn sử dụng pháp luật nước ngoài trong giao dịch đầu tư, kinh doanh tại trung tâm tài chính với điều kiện có ít nhất một bên tham gia giao dịch là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, pháp luật nước ngoài không được áp dụng trong trường hợp hậu quả của việc áp dụng trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với giao dịch đó được áp dụng.

Đối với các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản, thuê bất động sản hoặc sử dụng bất động sản làm tài sản bảo đảm, pháp luật của nước nơi có bất động sản sẽ được áp dụng.

Nghị quyết cũng quy định ngôn ngữ chính thức trong quá trình giao dịch, hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế là tiếng Anh hoặc tiếng Anh kèm bản dịch tiếng Việt.

Trong đó, các quy định, quy chế được ban hành bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Thủ tục hành chính, giao dịch giữa các thành viên, giao dịch giữa thành viên với tổ chức, cá nhân nước ngoài và giải quyết tranh chấp được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Anh kèm theo bản dịch tiếng Việt...

Theo Nghị quyết, hai Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được xây dựng với định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính hàng đầu.

Các trung tâm này sẽ vận hành theo chuẩn mực quốc tế, kết nối với các thị trường lớn, tạo điều kiện liên kết sàn giao dịch trong nước và quốc tế, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và phát triển dịch vụ tài chính công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được định hướng thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm chuyên gia trong và ngoài nước.

Về nguyên tắc hoạt động, các thành viên trong trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả, minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động quản lý Nhà nước trong trung tâm phải bảo đảm sự độc lập của trung tâm và các thành viên.

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của thành viên.

Tại trung tâm tài chính, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, tạo môi trường hấp dẫn để phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính; thúc đẩy thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động ngân hàng, công nghệ tài chính, tài sản số, hàng hóa, thương mại điện tử...

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-ap-dung-phap-luat-nhu-the-nao-post1566121.html