Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1: Đào tạo đúng - Đào tạo thật - Nói không với tiêu cực

Dám nghĩ dám làm, hướng tới tự chủ về tài chính, với phương châm 'Đào tạo đúng - Đào tạo thật - Nói không với tiêu cực' và từng bước nâng cao đời sống cho cán bộ, giáo viên của nhà trường ngày một ấm no, hạnh phúc. Đấy là những nỗi niềm mà tập thể lãnh đạo nhà trường đang từng bước thực hiện.

Tập thể Ban giám hiệu nhà trường trong ngày Hội phát động phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt

Tập thể Ban giám hiệu nhà trường trong ngày Hội phát động phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt

Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 được thành lập năm 1977, ngày đầu thành lập có tên là Trường Công nhân kỹ thuật lắp máy số 1; sau nhiều lần thay đổi, nay trường có tên là Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 thuộc Bộ Xây dựng. Nơi đây là nôi đào tạo nguồn công nhân kỹ thuật cho các công trình xây dựng và cũng là địa chỉ tin cậy đào tạo nghề lái xe ô tô cho người dân trên địa bàn hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Dám nghĩ dám làm, hướng tới tự chủ về tài chính

Chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe (ĐTLX) là bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên toàn quốc. Qua một thời gian thực hiện xã hội hóa trong công tác ĐTLX, Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã huy động được nhân lực, vật lực đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Trước đây, nhà trường chỉ vỏn vẹn có 13 xe phục vụ đào tạo lái xe, nhưng đến nay con số này đã lên tới 120 đầu xe, cá nhân đầu tư 3 cabin điện tử và trong tương lai con số này sẽ không dùng lại.

Bên cạnh đầu tư nguồn lực phương tiện ôtô, Nhà trường cũng đã tiến hành xây dựng, bê tông hóa gần 4.000 m2 sân tập lái của Trung tâm đào tạo lái xe và sửa chữa, làm mới hội trường, tường, trần, hệ thống điện các phòng học. Ngoài ra, dành 4 phòng máy học tập với đầy đủ máy vi tính để phục vụ cho việc dạy, học lái xe các hạng B1, B2, C từ chính nguồn lực tự có của nhà trường.

Một buổi học lý thuyết lái xe tại Trung tâm ĐTLX

Một buổi học lý thuyết lái xe tại Trung tâm ĐTLX

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ThS. Phạm Duy Bảy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 cho biết, Nhà trường đặt ra 3 tiêu chí: "Chất lượng, giá thành và tôn trọng người học" nên đã nhận được sự hài lòng từ phía học viên. Do vậy, trường đã tiến hành trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, tuân thủ nghiêm quy trình đào tạo.

"Từ đầu năm 2024 đến nay Trung tâm ĐTLX đã khai giảng, đào tạo tốt nghiệp và sát hạch 85 lớp lái xe ô tô hạng B11, B2, C với tổng học viên đào tạo hơn 3.000 học viên. Nhà trường ngày càng khẳng định vị thế, chất lượng đào tạo tại tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh lân cận với phương châm "Chất lượng, giá thành và tôn trọng người học". Đời sống của CB-VC-NLĐ của nhà trường ngày càng cải thiện rõ rệt, yên tâm công tác" ThS. Phạm Duy Bảy cho biết thêm.

Dàn xe tập lái được nhà trường huy động từ nguồn xã hội hóa

Dàn xe tập lái được nhà trường huy động từ nguồn xã hội hóa

Học viên Nguyễn Hoàng Kim đang theo học lái xe hạng B2 tại Trung tâm đào tạo lái xe nói, "Trước khi đi học lái xe tôi cũng đã tham khảo nhiều trung tâm đào tạo lái xe các khu vực lân cận, nhưng khi được nghe một số anh chị đã từng học lái xe tại Trung tâm này họ khuyên tôi nên học ở đây và tôi đã quyết định nộp hồ sơ đăng ký học lái xe tại trung tâm. Trong quá trình học, tôi nhận thấy chất lượng đào tạo, giá thành học phí tại đây khá hợp lý so với mặt bằng chung. Ngoài ra trong quá trình học các thầy cô cũng rất có trách nhiệm trong việc hướng dẫn học viên.

Đời sống cán bộ, giáo viên được nâng cao rõ rệt

Công tác đào tạo lái xe tại trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 được thực hiện và quản lý theo quy trình chặt chẽ, công khai. Đặc biệt, nhà trường không tiến hành tuyển sinh qua trung gian mà ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với người học lái xe ôtô. Trong hợp đồng thể hiện rõ nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo…việc thu học phí được diễn ra công khai, minh bạch.

Cơ sở 2 của Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 được tọa lạc tại thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa)

Cơ sở 2 của Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 được tọa lạc tại thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa)

"Với hướng đi này, thiết thực nhất chính là góp phần tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động của trường, giúp họ yên tâm công tác, làm việc, gắn bó lâu dài với mức thu nhập tốt đảm bảo lo cho cả gia đình có cuộc sống ổn định, sung túc và cùng nhà trường phát triển hơn nữa trong tương lai.

Tính đến hiện tại, trường đang tạo công ăn việc làm, duy trì hoạt động ổn định và trả lương cho 80 biên chế và 74 hợp đồng lao động. Hiệu quả của công tác xã hội hóa đào tạo lái xe ngoài việc đời sống của cán bộ, giảng viên được nâng cao còn được thể hiện qua thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Năm 2023, trường đã nộp, quyết toán thuế hơn 600 triệu đồng" ThS. Phạm Duy Bảy chia sẻ thêm.

"Trong quá trình học viên tham gia học tập, nhà trường cam kết không thu thêm bất kỳ khoản tiền nào và quán triệt rõ tới từng giảng viên đào tạo không được nhận hay "gợi ý" thu thêm tiền. Phương châm của chúng tôi là không để xảy ra tiêu cực trong đào tạo lái xe, hành vi tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và nhà trường cũng sẽ ngay lập tức chấm dứt hợp đồng làm việc đối với cá nhân vi phạm" Vũ Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe (Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1) chia sẻ.

Một số giáo viên của nhà trường cho biết, "Từ khi trường có chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe thì đời sống của cán bộ, giảng viên được nâng lên rõ rệt, có nguồn thu nhập tăng thêm hàng tháng, các ngày Lễ Tết trong năm chúng tôi được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm hơn so với trước đây. Đơn cử như dịp 20/11 vừa qua mỗi giáo viên chúng tôi đều được thưởng 3 triệu đồng/người, còn Tết năm 2023 chúng tôi được lĩnh thưởng với số tiền lên tới gần 20 triệu đồng".

Có thể nói, việc mạnh dạn xã hội hóa cơ sở đào tạo lái xe là một chủ trương, hướng đi đúng mà Ban lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 lựa chọn, giúp giảm tải cho các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân địa phương được học lái xe một cách thuận lợi. Đặc biệt hơn chính là tư duy đổi mới của tập thể lãnh đạo, tinh thần "Dám nghĩ - Dám làm và dám chịu trách nhiệm" giúp đời sống và thu nhập kinh tế của cán bộ, giáo viên ngày một nâng cao, thêm gắn bó và tin tưởng vào một hướng đi đúng đắn của Ban lãnh đạo nhà trường.

PV

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/truong-cao-dang-nghe-lilama-1-dao-tao-dung-dao-tao-that-noi-khong-voi-tieu-cuc-183241202221820504.htm