Trường cao đẳng, trung cấp kiến nghị được dạy 7 môn văn hóa để học liên thông

Các trường cao đẳng, trung cấp (trường nghề) kiến nghị học sinh đã có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đảm bảo tính liên thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các trường cao đẳng, trung cấp góp ý vào dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Thực hành tại các cơ sở đào tạo. Ảnh Minh Hưng/TTXVN.

Thực hành tại các cơ sở đào tạo. Ảnh Minh Hưng/TTXVN.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, Dự thảo mới nhất về vấn đề này có 3 điểm thay đổi so với dự thảo trước đó. Thứ nhất, về mục đích học kiến thức văn hóa THPT, dự thảo lần 1 quy định học sinh có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu, khi học bổ sung các môn học để hoàn thành chương trình tiếp theo. Song, dự thảo mới nhất chỉ ghi chung chung, đúng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 là “giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng trong cơ sở GDNN được học kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Thứ 2, nội dung kiến thức văn hóa THPT theo các môn thì được chia theo các nhóm ngành. Quy định này mới so với Dự thảo Thông tư lần 1 nhưng không khác gì nhiều so với Thông tư 16 trước đây. Thứ 3, dự thảo quy định trách nhiệm của Sở GD&ĐT… phê duyệt kế hoạch giảng dạy của các trường, nhưng toàn bộ Dự thảo lại không quy định quy trình, thủ tục, hồ sơ cơ sở GDNN cần gửi Sở GD&ĐT để phê duyệt.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, các môn học văn hóa THPT trong dự thảo Thông tư này mới quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp để học tiếp lên cao đẳng. Do đó, việc liên thông này không chỉ cần đảm bảo tính liên thông dọc (để có thể học tiếp lên cao đẳng), mà cần cả tính liên thông ngang, tức là giúp người học nếu có nguyện vọng thì có thể học bổ sung các môn học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Muốn vậy, nội dung quy định của Bộ GDĐT cần được thiết kế thống nhất với các môn học của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT về cả cấu trúc, nội dung, thời lượng học tập (số tiết các môn học).

Đồng thời, dự thảo nên quy định rõ hơn nữa mục đích của việc học khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Đó là không chỉ học để liên thông lên trình độ cao đẳng, mà còn là điều kiện để học sinh tham gia dự tuyển vào đại học hoặc liên thông lên trình độ đại học và sử dụng trong những trường hợp khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình cho rằng, nếu chỉ được học như thế này, sau khi các em tốt nghiệp trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng mà muốn thi tuyển vào các vị trí viên chức, công chức thì sẽ rất khó khăn. Thực tế, ở hầu hết các nơi, hồ sơ dự tuyển đều yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, khi thiếu bằng tốt nghiệp THPT và chỉ bằng tốt nghiệp cao đẳng là không đủ.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Thứ nhất là chương trình 4 môn để người học trung cấp có thể liên thông lên cao đẳng. Thứ hai là chương trình được phép dạy 7 môn nếu người học có nhu cầu, để có thể sau này thi tốt nghiệp lấy bằng tốt nghiệp THPT, liên thông lên đại học. Mặt khác, dự thảo nên có quy định điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triển khai chủ động việc dạy văn hóa THPT.

Đồng tình, theo ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm, trường tuyển sinh được khoảng 3.500 học sinh từ THCS lên. Ngoài đội ngũ giáo viên hiện có, nhà trường phải mời thêm giáo viên thỉnh giảng mới đáp ứng được chương trình đào tạo văn hóa, chứ không có Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) nào đảm trách được việc giảng dạy cho số lượng sinh viên lớn như vậy. Do đó, Bộ và các Sở GD&ĐT nên cho các cơ sở GDNN có điều kiện thành lập trung tâm GDTX. Việc liên thông không chỉ giới hạn trong GDNN, mà phải liên thông trong hệ thống đào tạo toàn quốc.

Còn ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết, trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người học, cũng như thực tiễn công tác dạy nghề lại Lào Cai, trường đã đề xuất được thành lập Trung tâm GDTX trực thuộc hoặc sáp nhập Trung tâm GDNN-GDTX về trường. Đề xuất này đã được tỉnh Lào Cai ủng hộ và cho thực hiện thí điểm trước tại Thị xã Sa Pa. Ngay sau khi sáp nhập, tuyển sinh hệ THCS vào học nghề của trường đã tăng 137%, riêng Trung tâm GDNN-GDTX Sa Pa tăng 188% so với trước đó. Qua 2 năm thí điểm, năm học 2021-2022, số lượng tuyển sinh THCS vào học nghề của Lào Cai tăng 30%, của Trung tâm Sa Pa tăng gấp hai lần.

Đặt lợi ích của người học lên cao nhất

Ông Vũ Xuân Hùng chia sẻ, Tổng cục GDNN sẽ tham mưu trình lãnh đạo Bộ LĐTBXH có văn bản gửi Bộ GD&ĐT góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư; tiếp tục đề nghị cho phép học sinh đã có Giấy chứng nhận được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình giáo dục THPT để có đủ điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng; cho phép trường trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện, đã dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT, được quyền giảng dạy, bổ sung môn học còn thiếu cho người học để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDTX cấp THPT hoặc chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một lớp học lý thuyết kết hợp thực hành. Ảnh chụp trước 27/4.

Một lớp học lý thuyết kết hợp thực hành. Ảnh chụp trước 27/4.

Còn ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định, liên quan đến việc vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp, vấn đề cốt lõi phải đặt lợi ích của người học là số một. Hiện nay, tồn tại hai nhóm vấn đề: Một là, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT và lãnh đạo Bộ LĐTBXH. Trong đó có việc Phó Thủ tướng chỉ đạo có thể nghiên cứu sáp nhập hoặc thành lập các trung tâm GDTX, các trung tâm GDNN vào trường Cao đẳng.

Tiếp đến, để tham gia ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN của Bộ GD&ĐT, cần phải làm rõ đối tượng và phạm vi của thông tư này. Nếu chỉ quy định khối lượng kiến thức văn hóa trong THPT học liên thông lên Cao đẳng, thì sẽ không giải quyết được nhu cầu của người học và không giải quyết được thực trạng hiện tại của các trường cao đẳng, trung cấp. Về chuyên môn, khối lượng kiến thức, thời gian giảng dạy và yêu cầu tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ cấp mẫu giấy chứng nhận... cũng phải làm thực hiện chặt chẽ.

"Tổng cục GDNN sẽ có văn bản, nhưng các trường, các sở cũng phải tham gia và lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, học sinh, sinh viên trong nhà trường và tổng hợp các ý kiến để có văn bản góp ý với Bộ GD&ĐT. Đảm bảo, khi Thông tư được ban hành tạo cơ hội học tập cho người học đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo ra cơ hội khai thác tối ưu hóa năng lực của các cơ sở đào tạo trên cả nước trong việc tham gia vào việc dạy văn hóa, dạy nghề cho người học”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

XM/báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/truong-cao-dang-trung-cap-kien-nghi-duoc-day-7-mon-van-hoa-de-hoc-lien-thong-20210909160124821.htm