Trưởng Đại diện UNFPA: Sửa Pháp lệnh Dân số là bước ngoặt lớn về thúc đẩy quyền con người của Việt Nam

Ngày Dân số Thế giới năm 2025 (11/7) có chủ đề: 'Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi'.

Nhân dịp này, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về ý nghĩa của Ngày Dân số Thế giới năm nay cũng như công tác dân số của Việt Nam.

Ông có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm nay?

Chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm nay - “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới thay đổi” là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng quyền sinh sản không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là nền tảng của công lý xã hội, bình đẳng giới và phát triển bền vững. Chủ đề năm nay đặt con người, với những khát vọng, hoàn cảnh sống và năng lực ra quyết định, làm trung tâm của các chính sách và chương trình dân số.

Ngày nay, thế giới đang chứng kiến những thay đổi sâu rộng trong những quyết định sinh sản: mức sinh giảm tại hầu hết các quốc gia, tỷ lệ sinh dưới mức thay thế tại hơn 60% quốc gia trên toàn cầu và khoảng cách giữa số con mà người dân mong muốn với thực tế họ có thể đạt được ngày càng nới rộng.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025 của UNFPA, cứ 5 người dưới 50 tuổi thì có 1 người tin rằng họ không thể có đủ số con mà họ mong muốn do rào cản tài chính, bất bình đẳng giới, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và cấu trúc xã hội không hỗ trợ đủ cho việc xây dựng gia đình.

Chủ đề năm nay không kêu gọi việc “nâng mức sinh” hay “kiểm soát dân số”, mà là về việc tạo dựng một xã hội nơi mọi người, không phân biệt giới tính, địa lý, thu nhập hay tình trạng hôn nhân, đều có quyền và điều kiện để lựa chọn: có con hay không, khi nào có con, sinh bao nhiêu con và cùng với ai. Đây là những quyết định cá nhân, thuộc về các cặp đôi và từng người dân.

Với cách tiếp cận đặt con người làm trung tâm, chủ đề năm nay còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mức sinh thấp và già hóa nhanh. Thay vì lo ngại hay áp lực, đây là thời điểm để Việt Nam khẳng định cam kết với quyền con người, tiếp tục đầu tư vào chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ nuôi dạy trẻ, giáo dục giới tính toàn diện, bảo vệ phụ nữ và thanh thiếu niên khỏi định kiến và phân biệt đối xử.

Ông có nhận định thế nào về công tác dân số của Việt Nam với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số thời gian qua?

UNFPA ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong công tác dân số những năm gần đây, đặc biệt là việc tích cực lồng ghép sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản vào các chính sách, chiến lược quốc gia, cũng như cải thiện đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, mở rộng tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại và thúc đẩy giáo dục giới tính toàn diện. Những thành tựu này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh thiếu niên và các nhóm yếu thế, đều có khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản chất lượng và được đưa ra các quyết định về cuộc sống của mình một cách có hiểu biết.

UNFPA tin rằng, công tác dân số của Việt Nam cần tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện và bao trùm, dựa trên quyền con người, đặt sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sinh sản, làm cha mẹ có trách nhiệm và tự do lựa chọn về sinh sản làm trụ cột trong các chính sách phát triển bền vững. Đó là cách tốt nhất để bảo đảm rằng mọi người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, giàu hay nghèo, thuộc bất kỳ giới tính hay tình trạng hôn nhân nào đều có thể xây dựng cuộc sống gia đình như họ mong muốn.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, trong đó có quy định mới quan trọng, mang tính đột phá là mỗi cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng. Ông có đánh giá thế nào về quy định này?

UNFPA hoàn toàn ủng hộ quy định mới trong Pháp lệnh sửa đổi và chúc mừng Việt Nam vì bước tiến quan trọng này. Đây là một bước ngoặt lớn về quyền con người và thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền tự chủ về sinh sản.

Việc trao quyền cho các cặp vợ chồng và cá nhân được tự quyết định thời điểm sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với sức khỏe, điều kiện sống, học tập, làm việc và khả năng nuôi dưỡng, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), mà Việt Nam là một thành viên tích cực.

Điều này cũng thể hiện sự thay đổi trong tư duy hoạch định chính sách – từ mô hình “quản lý và kiểm soát dân số” sang cách tiếp cận đặt con người và sự tự chủ cá nhân làm trung tâm, thể hiện tầm nhìn của Việt Nam về một xã hội công bằng và phát triển bền vững, nơi mỗi người dân đều có quyền hoạch định tương lai của mình dựa trên thông tin đầy đủ và sự hỗ trợ từ Nhà nước.

UNFPA cho rằng đây không chỉ là nền tảng để bảo vệ quyền con người, mà còn là giải pháp thích ứng với các xu hướng nhân khẩu học mới như mức sinh thấp và già hóa dân số. Quy định này tạo tiền đề cho việc xây dựng hệ thống chính sách toàn diện, từ y tế, giáo dục, dịch vụ chăm sóc trẻ em đến chính sách lao động linh hoạt, để người dân có thể thực hiện quyền sinh sản một cách tự do và có trách nhiệm.

UNFPA sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện tinh thần của quy định này, hướng tới một xã hội mà trong đó “mỗi người – mỗi lựa chọn – mỗi tương lai” đều được tôn trọng và bảo vệ.

Nhân ngày Dân số Thế giới, ông có thông điệp gì gửi tới Việt Nam?

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số, đặc biệt là trong việc thúc đẩy quyền sinh sản và trao quyền cho người dân trong việc quyết định cuộc sống của chính mình.

Khi Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang đối mặt với các thay đổi nhân khẩu học như mức sinh thấp và già hóa dân số, việc tiếp tục thúc đẩy các chính sách dựa trên quyền con người càng trở nên cấp thiết. Điều này có nghĩa là bảo đảm mọi người dân đều có thể đưa ra quyết định sinh sản một cách tự do, có hiểu biết và không bị áp lực, kỳ thị hay phân biệt đối xử.

UNFPA kêu gọi các chính phủ cùng giải quyết các rào cản kinh tế khiến người dân không thể xây dựng gia đình như mong muốn, thúc đẩy chia sẻ công việc nội trợ, bảo đảm tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ và sức khỏe sinh sản với chi phí hợp lý, đồng thời tạo điều kiện và việc làm thân thiện với phụ nữ.
Tự do sinh sản là bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, ở mọi nơi. UNFPA cam kết đồng hành cùng Việt Nam trên con đường xây dựng một xã hội bao trùm và phát triển bền vững cho tất cả.

Trân trọng cảm ơn ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam!

Tin, ảnh, video: Việt Đức/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/truong-dai-dien-unfpa-sua-phap-lenh-dan-so-la-buoc-ngoat-lon-ve-thuc-day-quyen-con-nguoi-cua-viet-nam-20250710164912580.htm