Trường đại học nêu lý do mở ngành học mới trong năm 2023
Năm nay, nhiều trường đại học công bố mở thêm các ngành học mới, đặc biệt là những ngành 'hot' trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, năm 2023, trường mở ngành mới là kinh tế chính trị cùng chương trình kinh tế chính trị quốc tế với chỉ tiêu 50 sinh viên/năm.
Việc mở ngành kinh tế chính trị nói chung, chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu rất cao của thị trường lao động Việt Nam về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo và tư vấn.
“Chúng ta cần có một chương trình đào tạo kinh tế chính trị được tiếp cận theo hướng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của người học về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm trong bối cảnh mới.
Hiện tại Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị nguồn lực để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo mới với cách tiếp cận hiện đại theo nguyên tắc căn bản, mở, linh hoạt.
Nhà trường đã có chủ trương và quy hoạch mở ngành này để đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển trường trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040”, cô Hiền chia sẻ.
Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền cho biết thêm, chương trình đào tạo kinh tế chính trị quốc tế tại trường sẽ định hình quan niệm mới về kinh tế chính trị dựa trên việc kết hợp giá trị cốt lõi của cách tiếp cận truyền thống với các kiến thức và phương thức thực hành tiên tiến của thế giới.
Sinh viên sẽ được đào tạo về kinh tế chính trị từ góc độ quan hệ quốc tế để xem xét các vấn đề trong quan hệ giữa các chủ thể kinh tế, đặc biệt là giữa các chính phủ, giữa các doanh nghiệp, và giữa doanh nghiệp với chính phủ, cả ở phạm vi trong nước và quốc tế. Từ đó, sinh viên được khuyến khích, bồi dưỡng, rèn luyện xu hướng kiến tạo sự thay đổi tích cực trong các hoạt động mà họ tham gia.
Nội dung chương trình này có tính liên ngành, dựa trên ba trụ cột: kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế.
Về phương pháp giảng dạy, bên cạnh các phương pháp truyền thống, chương trình học này vận dụng linh hoạt, đa dạng các phương pháp dạy học hiện đại như giảng dạy dựa trên vấn đề (problem-based learning), giảng dạy dựa trên dự án (project-based learning) để đặt người học vào trung tâm của quá trình đào tạo, khuyến khích người học sáng tạo không ngừng, học tập không ngừng, chủ động vận dụng nội dung của chương trình vào giải thích thực tiễn.
Trong quá trình đào tạo, chương trình có một số học phần đòi hỏi sinh viên đi thực tế, tham quan thực địa, thực tập tại cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp.
Từ năm thứ ba đến năm thứ tư, sinh viên có cơ hội lựa chọn một trong các hướng chuyên sâu như: Kinh tế chính trị về phát triển; Chính trị và quan hệ quốc tế; Lãnh đạo và quản lý.
Chương trình đào tạo này có điểm độc đáo là mỗi năm học sinh viên đều được học một học phần đặc thù thể hiện đặc trưng của lĩnh vực kinh tế chính trị quốc tế. Dựa trên nguyên tắc học đi đôi với hành, các học phần đặc thù này sẽ tạo điều kiện để sinh viên phát triển tiềm năng của bản thân, phát triển sở thích nghề nghiệp, vận dụng kiến thức đã học vào nhận diện các vấn đề kinh tế chính trị và đề xuất giải pháp.
Theo đó, người học cần đáp ứng được các yêu cầu như: Có năng lực ngoại ngữ tương đối tốt, từ mức độ IELTS 6.5 trở lên; có hứng thú, đam mê với lĩnh vực kinh tế chính trị; có thiên hướng tạo ra sự thay đổi có tính phát triển.
Ngành học mới Digital Marketing có gì đặc biệt
Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành đào tạo mới là Digital Marketing.
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc mở ngành mới Digital Marketing xuất phát từ nhu cầu thực tế, thế mạnh vượt trội của nhà trường, xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Marketing và nó sẽ song hành với ngành Marketing trong sự phát triển chung của thế giới.
Điểm đặc trưng khác biệt của ngành Digital Marketing là được đào tạo theo hướng chuyên sâu hơn Marketing, tập trung nhiều hơn vào các kiến thức và kỹ năng Marketing trên các kênh phương tiện số như Facebook, Instagram, Google hay Website …
Phạm vi hoạt động của ngành Digital Marketing dựa trên 02 kênh chính là Marketing Online và Marketing Offline với các hình thức cơ bản gồm: SEO (Search Engine Optimization), Content Marketing, Social Media Marketing, PPC(Pay-Per-Click Marketing), Affiliate Marketing, Email Marketing và Marketing Automatic... Vì vậy, ngành Digital Marketing hiện tại là lựa chọn tối ưu dành cho những bạn trẻ yêu thích công nghệ, truyền thông, thích sáng tạo về các thể loại nội dung số, thích giao tiếp và hoạt động trên môi trường internet như mạng xã hội.
Đào tạo ngành Digital Marketing, nhà trường vừa áp dụng công nghệ, vừa phát triển kiến thức, kỹ năng vừa thúc đẩy tài năng sáng tạo, kỹ thuật, và kinh nghiệm trong Marketing kỹ thuật số.
Mục tiêu của ngành học là cung cấp cái nhìn tổng quan, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của Marketing kỹ thuật số thông qua các khái niệm, lý thuyết và ứng dụng thực tiễn như phân tích và đánh giá dữ liệu trong Marketing; cách sử dụng Marketing kỹ thuật số và cách đo lường hiệu quả của nó; nắm vững tất cả các kênh cốt lõi và cách chúng kết hợp với nhau để có thể lập kế hoạch đồng thời đưa ra các giải pháp Marketing, xây dựng các tưởng sáng tạo, truyền thông xã hội và kỹ thuật số hiệu quả, thành công, từ đó có được những hiểu biết sâu sắc và có ý nghĩa hơn về hoạt động Marketing.
Chương trình đào tạo ngành Digital Marketing giúp người học phát triển toàn diện, chủ động, sáng tạo với khả năng làm việc thực tế, chuyên nghiệp, đồng thời tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu.
Theo đó, những môn học như Quản trị sự kiện ảo, Thiết kế trải nghiệm người dùng, Xây dựng thương hiệu cá nhân số hay Trực quan hóa dữ liệu là sự đột phá cấp tiến so với những ngành học hiện tại thuộc các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, dẫn đầu xu thế phát triển chung của thế giới, đảm bảo cho người học một vốn kiến thức sâu rộng và cập nhật, là cơ sở để kiến tạo một hành trình sự nghiệp vững vàng và thành công.
Người học ngành Digital Marketing cần tố chất sáng tạo, năng động, nhạy bén, khả năng viết lách, biên tập nội dung, khả năng phân tích đánh giá, nắm bắt tâm lý của con người và xã hội, hiểu biết về công nghệ (như thiết kế đồ họa, mã nguồn mở…), kỹ năng viral, lan tỏa, nghiên cứu phân tích các kênh công cụ tìm kiếm…
Sinh viên tốt nghiệp ngành Digital Marketing có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều vị trí như Quản lý Digital Marketing; Quản lý thương hiệu; Chuyên viên phân tích chiến dịch marketing; Quản lý tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO); Chuyên viên truyền thông xã hội; Chuyên viên tư vấn quảng cáo,…
Trong năm 2023, thêm nhiều trường đại học mở ngành học mới:
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm hai ngành mới là Quản lý tài nguyên và môi trường và Công nghệ vật lý điện tử và tin học.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở mới 5 ngành như Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở thêm các ngành như: Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Marketing, Công nghệ Logistics, Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số.