Trường dạy viết báo trên chiến khu xưa

Cách đây 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Tổng bộ Việt Minh tổ chức Trường dạy làm báo mang tên nhà báo, chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, ngày 4/4 (1949-2019), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức đón nhận Bằng Di tích cấp quốc gia, dựng bia tại chính địa chỉ đỏ năm xưa.

Hôm ấy, chỉ còn 4/42 cựu nhà báo học viên còn sống trở về chứng kiến sự kiện lớn của báo giới Việt Nam. 5 năm tiếp theo đó, bằng sự nỗ lực của lãnh đạo Hội, tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, với nguồn vốn xã hội hóa 12 tỷ đồng, di tích đã được khởi công xây dựng cuối năm 2023 và theo dự kiến sẽ khánh thành nhân kỷ niệm 75 năm bế giảng lớp học, ngày 6/7 (1949-2024).

 Toàn cảnh Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Toàn cảnh Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Trên khuôn viên gần 1 nghìn m2 ngay sát Khu du lịch Núi Cốc, bây giờ đã tọa lạc Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với các đơn nguyên chủ yếu được tái hiện: Nhà làm việc của Tổng bộ Việt Minh, Nhà làm việc của Ban giám đốc, lớp học, nhà bia… Dự kiến di tích sẽ trưng bày hiện vật, hình ảnh của trường và các cơ quan báo chí kháng chiến ra đời trên Chiến khu Việt Bắc. Chắc chắn đây là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống một phần lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ đặt tên. Huỳnh Thúc Kháng là cây đa, cây đề của báo chí yêu nước và cách mạng. Cụ sinh năm 1876 ở làng Thanh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Đất Quảng Nam thời ấy nổi danh có "tam hùng" (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu). Cụ đỗ đạt cao, không chịu ra làm quan cho Pháp, bị đi đày ở Côn Đảo 13 năm… Ra tù, con đường quan lộ của cụ thật thênh thang nhưng cụ chối bỏ và năm 1927, làm chủ bút tờ Tiếng Dân. Hầu hết các bài xã luận trên tờ báo này đều do cụ viết, khơi dậy lòng yêu nước của độc giả.

Báo chí lúc ấy bị thực dân Pháp kiểm duyệt chặt chẽ, có bài báo bị yêu cầu sửa theo ý người kiểm duyệt, cụ khảng khái: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”… Bản lĩnh chủ bút ấy của cụ Huỳnh đã làm nên tên tuổi báo chí của cụ. Trong cuộc đời làm báo của mình, cụ Huỳnh xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”…

“Hồn nước từ đây trời mở cửa/Đố ai ngăn đặng ngọn xuân trào”. Hai câu thơ trên được bung ra từ ngòi bút của cụ khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm đó cụ Huỳnh cũng đã tròn 70 tuổi. Cụ được Bác Hồ mời tham gia chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau và là Chủ tịch Hội liên Việt.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ vào Nam Trung Bộ đảm nhiệm chức vụ đại điện chính phủ T.Ư. Cụ qua đời ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi do lâm bệnh nặng. Là chiến sĩ yêu nước nổi tiếng, một nhà báo can trường và nhân ái, cụ Huỳnh Thúc Kháng "không muốn danh vị, không cần lợi lộc, không tham làm giàu, không tham làm quan. Cả đời cụ chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập" (lời Hồ Chủ tịch trong thư báo tin lễ Quốc tang cụ Huỳnh).

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách học tập và truyền đạt sâu, kỹ và nghiêm túc. 42 học viên và 29 giảng viên là những hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam luôn tỏa sáng và góp phần to lớn để có nền báo chí hôm nay. Đặc biệt, hai lá thư của Bác Hồ gửi là những cẩm nang nghề báo vô cùng quý giá và có giá trị vĩnh hằng.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có lớp đầu tiên và duy nhất, sau do điều kiện kháng chiến khó khăn không mở tiếp, tuy ngắn hạn, không đông học viên, nhưng quy mô về nội dung và số cán bộ giảng dạy là những lãnh đạo của cuộc kháng chiến, kinh nghiệm và phong phú lý luận, thực tiễn… Các ông: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh là Giám đốc; Xuân Thủy, Phó Giám đốc; Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ là các ủy viên của ban lãnh đạo. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc diễn văn tại lễ khai trường ngày 4/4/1949 đã nói: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng bởi ngoài các phẩm chất của người yêu nước, là đức tính căn bản của một ký giả”.

42 học viên học trong 3 tháng, được đón 29 giảng viên như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyên Tuân, Quang Đạm... đại điện cho nhiều bộ môn mà người viết báo cần phải trau dồi.

Ba tháng nhưng học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ của 3 phần: Lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo... Chuyên môn có: Phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo... Thực tế là đi làm tác phẩm và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên lên lớp với từng chuyên đề: Xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào? (Võ Nguyên Giáp), viết về đối ngoại (Xuân Thủy), lên trang (Trần Đình Thọ)...

Ngày 6/7/1949, tại đây, lớp học bế mạc. Bác Hồ gửi thư cho lớp lần thứ hai. Bác biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí và nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4 - Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.

Năm nay, kỷ niệm 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia sẽ được khánh thành, nằm ở vị trí đắc địa, hứa hẹn trở thành địa chỉ về nguồn của báo giới và khách du lịch. Theo chủ đầu tư - lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, hiện nay di tích rất cần có thêm kinh phí để hoàn thiện, chăm chút những phần việc cuối cùng nên rất cần sự quan tâm ủng hộ của tập thể và cá nhân người làm báo.

Bài, ảnh: Hữu Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/truong-day-viet-bao-tren-chien-khu-xua-072130.bbg