Trường ĐH chỉ ra sai sót cần tránh khi đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển

Theo các chuyên gia, thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng giữa các ngành, các trường phù hợp với mong muốn và theo năng lực của bản thân.

.t1 { max-width: 100%; }

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Theo nhiều chuyên gia, ngoài việc có “chiến thuật” sắp xếp nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần lưu ý một số điểm để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc.

Mách thí sinh chiến lược chọn nguyện vọng “chắc suất” trúng tuyển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Chuyên gia hướng nghiệp đại học, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định chia sẻ, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, tuy nhiên 3 nguyện vọng đầu là 3 nguyện vọng rất quan trọng. Thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng giữa các ngành, các trường phù hợp với mong muốn và theo năng lực của bản thân.

Đồng thời, các em cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trên đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh của các trường.

Nguyện vọng 1 nên là chọn những ngành thí sinh yêu thích, có cơ hội trúng tuyển cao. Sau khi đã chọn được nguyện vọng 1, thí sinh nên tính toán sắp xếp các nguyện vọng tiếp theo sao cho phù hợp với điểm của mình và phải cao hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn các năm trước.

Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cũng cần cân nhắc lựa chọn nguyện vọng dựa trên khả năng trúng tuyển của mình cũng như tố chất, năng lực, đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai của các em.

Để đánh giá được khả năng trúng tuyển của bản thân, các em nên tham chiếu điểm chuẩn của ngành/trường bản thân lựa chọn trong 2-3 năm gần nhất để quyết định sắp xếp nguyện vọng yêu thích, phù hợp với năng lực và nguyện vọng có cơ hội trúng tuyển.

Tiếp đó, khi chọn ngành và đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên chọn các ngành trong cùng một nhóm lĩnh vực. Chẳng hạn, nếu các bạn quan tâm đến nhóm ngành khoa học xã hội, hãy ưu tiên lựa chọn các ngành liên quan trong nhóm này, thay vì chọn rời rạc như nguyện vọng 1 là ngành sức khỏe, nguyện vọng 2 là kỹ thuật, nguyện vọng 3 là kinh tế.

“Việc lựa chọn quá phân tán dễ khiến các bạn mất định hướng nghề nghiệp, không rõ mình thực sự phù hợp với lĩnh vực nào. Vì vậy, hãy ưu tiên các ngành trong cùng lĩnh vực mình yêu thích, đồng thời cân nhắc lựa chọn ngôi trường phù hợp.

Ngoài ra, thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường, bởi ngành nghề sẽ là một phần quyết định công việc sau này các em làm. Nếu thí sinh có sự đam mê và quyết tâm học tập thì dù ở môi trường học tập nào các em cũng sẽ phát huy được năng lực của mình”, Tiến sĩ Mai Đức Toàn chia sẻ.

 Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Chuyên gia hướng nghiệp đại học, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Gia Định. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Chuyên gia hướng nghiệp đại học, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Gia Định. Ảnh: NVCC

Còn Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thí sinh phải đăng kí tất cả các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thứ tự ưu tiên. Sau khi hệ thống cùng các cơ sở đào tạo tiến hành lọc ảo các nguyện vọng, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Vì vậy, để “chắc suất” trúng tuyển vào nguyện vọng các em yêu thích, thí sinh cần có chiến lược đặt nguyện vọng. Trước hết, thí sinh nên lập danh sách các trường và ngành học mình yêu thích, phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp. Cùng với đó, cần tìm hiểu kỹ điểm chuẩn các năm trước của từng ngành để đánh giá khả năng trúng tuyển, tránh chọn nguyện vọng quá cao so với năng lực thực tế.

Ví dụ, các em có thể định hình 3 phân khúc như sau: Nhóm 1 là các ngành/trường mà học sinh thực sự yêu thích nhưng có thể cao hơn năng lực/điểm xét tuyển của bản thân; nhóm 2 là các ngành/trường tương đồng với năng lực/điểm xét tuyển của thí sinh; và nhóm còn lại là dưới năng lực/điểm xét tuyển của cá nhân. Mỗi nhóm có thể từ 1-3 nguyện vọng là phù hợp.

Bên cạnh đó, nên lựa chọn thêm các ngành học tương tự, phù hợp với sở thích và điểm mạnh của bản thân, chẳng hạn, nếu yêu thích ngành Kinh tế nhưng điểm chuẩn cao, thí sinh có thể đăng ký thêm các ngành như Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế để có nhiều lựa chọn hơn.

 Sinh viên tại ngày hội Tư vấn Tuyển sinh – HUIT OPEN DAY 2025. Ảnh: Website nhà trường.

Sinh viên tại ngày hội Tư vấn Tuyển sinh – HUIT OPEN DAY 2025. Ảnh: Website nhà trường.

Cũng theo thầy Sơn, bên cạnh việc tham khảo điểm chuẩn các năm trước, thí sinh nên tìm hiểu kỹ về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất của trường, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp xây dựng nền tảng học tập vững chắc.

Đồng thời, cần xem xét chương trình đào tạo của từng ngành, đặc biệt với những ngành có sự khác biệt giữa các trường hoặc có chương trình liên kết quốc tế, mang đến cơ hội học tập trong môi trường hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển.

Dành lời khuyên cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, thầy Sơn chia sẻ, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Thí sinh nên ưu tiên lựa chọn những ngành có nhu cầu nhân lực cao, dễ tìm việc, hoặc những trường có liên kết với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và có việc làm ngay sau khi ra trường.

Nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn ngành học chỉ vì thấy bạn bè lựa chọn, nghe nói ngành này dễ xin việc hay có mức lương cao, mà không thực sự hiểu rõ về ngành nghề đó.

Tuy nhiên, thị trường lao động luôn thay đổi, do đó, chọn ngành học cần dựa trên sự đánh giá về sở thích, đam mê và khả năng của bản thân, thay vì chạy theo những xu hướng nhất thời.

Đặc biệt, thí sinh có thể tham khảo ý kiến từ các anh chị đi trước đã trúng tuyển vào các ngành, trường mong muốn để có thêm kinh nghiệm thực tế trong quá trình xét tuyển, học tập và định hướng nghề nghiệp, từ đó sắp xếp nguyện vọng phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân.

Cần lưu ý thực hiện hết các thao tác, điền đầy đủ thông tin đăng ký xét tuyển trên hệ thống

Với các phương thức tuyển sinh đa dạng, thí sinh có rất nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, các thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh bỏ lỡ cơ hội vào đại học theo đúng nguyện vọng mà mình mong muốn.

Theo Thạc sĩ Đoàn Thị Hương Thủy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp và Thương mại Hà Nội chia sẻ, thông thường khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ có 1 số sai sót cơ bản như: Thí sinh không thực hiện hết các thao tác, thông tin đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống. Thí sinh cần lưu ý phải điền đúng và đầy đủ thông tin, tránh sai sót ảnh hưởng kết quả trúng tuyển sau này.

Ngoài ra, một lỗi sai mà thí sinh nên tránh đó là nhập sai mã trường, tên trường, thí sinh cần đảm bảo rằng đã nhập đúng mã trường khi thực hiện các bước đăng ký để tránh xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc.

Trước hết, thí sinh cần nắm rõ lịch mở cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến, từ ngày 16/7 đến trước 17h ngày 28/7, đồng thời theo dõi sát các mốc thời gian do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để không bỏ lỡ cơ hội xét tuyển.

Đưa ra lời khuyên về cách sắp xếp nguyện vọng, theo cô Thủy, hệ thống đăng ký của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không phân biệt phương thức xét tuyển nên thí sinh chỉ cần đăng ký vào cơ sở đào tạo và ngành xét tuyển thí sinh mong muốn. Hệ thống sẽ tự động sử dụng phương thức thí sinh có điểm cao nhất để xét tuyển.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp, đặt những ngành học và trường yêu thích nhất ở nguyện vọng đầu tiên, bởi hệ thống sẽ xét từ nguyện vọng cao xuống thấp. Nếu thí sinh đã trúng tuyển ở một nguyện vọng trước, các nguyện vọng sau sẽ không được xét tiếp, vì vậy cần cân nhắc kỹ để không bỏ lỡ ngành học mình mong muốn.

Thí sinh cũng nên lựa chọn các nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập của bản thân, phân bổ hợp lý giữa các trường ở nhóm điểm cao, nhóm điểm trung bình và nhóm điểm thấp, tránh tình trạng đăng ký toàn ngành, trường có điểm chuẩn cao dẫn đến rủi ro không trúng tuyển.

Bên cạnh đó, không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng một cách cảm tính, bởi điều này không chỉ làm tăng lệ phí xét tuyển mà còn phản ánh việc thí sinh chưa có chiến lược đăng ký phù hợp với năng lực và nguyện vọng thực tế.

Quan trọng nhất, thí sinh cần xác định rõ sở thích, năng lực học tập và điều kiện gia đình trước khi quyết định lựa chọn ngành học và trường phù hợp, giúp tối ưu cơ hội trúng tuyển và đảm bảo kế hoạch học tập lâu dài. Việc lựa chọn ngành nghề là một quyết định quan trọng, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

“Thay vì chạy theo những ngành “hot”, thí sinh nên lựa chọn những ngành có tiềm năng phát triển lâu dài, đón đầu xu hướng của xã hội, phù hợp với xu thế chuyển dịch nghề nghiệp trong tương lai. Sự cân bằng giữa đam mê và nhu cầu thực tiễn sẽ giúp thí sinh không chỉ học tập hứng thú trong suốt những năm đại học mà còn tăng cơ hội tìm được công việc ổn định, phù hợp sau khi ra trường”, cô Thủy chia sẻ.

 Sinh viên tại ngày hội việc làm Trường Đại học Công nghiệp và Thương mại Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Sinh viên tại ngày hội việc làm Trường Đại học Công nghiệp và Thương mại Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Cùng lưu ý về những điều thí sinh cần chú ý tránh xảy ra sai sót, Tiến sĩ Mai Đức Toàn cho biết, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh; thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định tại cổng thông tin của cơ sở đào tạo; tất cả các nguyện vọng của thí sinh bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh cần bám sát các mốc thời gian, đồng thời nhớ nộp lệ phí xét tuyển. Bên cạnh đó, trong thời gian đăng ký, thí sinh được điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần. Tuy nhiên, các em không nên đặt nguyện vọng quá sớm hoặc quá muộn để tránh bị lỗi về mặt kỹ thuật khi thao tác chỉnh sửa trên hệ thống vào giờ cao điểm. Do vậy, thí sinh nên chủ động sắp xếp thời gian đăng ký phù hợp và phải chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng.

Đối với Trường Đại học Gia Định, hiện nay hệ thống ngành nghề đã được cập nhật đầy đủ trên đề án tuyển sinh của trường.

Để hạn chế rủi ro khi đăng ký xét tuyển, thí sinh nên tìm hiểu mức điểm trúng tuyển của Trường Đại học Gia Định trong ba năm gần nhất. Việc này giúp các bạn nắm được chu kỳ điểm chuẩn của trường, ví dụ có năm lấy 16 điểm, có năm 17 điểm, có năm 18 điểm, tùy từng ngành.

Từ đó, các bạn có thể xác định mức điểm trung bình, cộng hoặc trừ thêm 1–2 điểm để giảm tỷ lệ trượt nguyện vọng.

Bên cạnh đó, những ngành hot, được nhiều thí sinh lựa chọn tại Trường Đại học Gia Định thường sẽ có mức cạnh tranh cao hơn, vì vậy các bạn cần cân nhắc kỹ khi sắp xếp nguyện vọng, ưu tiên phù hợp với năng lực của bản thân.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-chi-ra-sai-sot-can-tranh-khi-dang-ky-nguyen-vong-de-tang-co-hoi-trung-tuyen-post252643.gd