Trường nghề sau sáp nhập: Tăng quy mô, nâng chất lượng

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Bắc Giang thực hiện chủ trương sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm tinh gọn đầu mối. Các cơ sở đã từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Mở rộng quy mô đào tạo

Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả sau sáp nhập (tháng 12/2017, nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang với Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn). Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng cho biết, những ngày đầu mới sáp nhập, chúng tôi gặp một số khó khăn. Để khắc phục, nhà trường tập trung đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên; mở mới một số ngành, nghề phù hợp thị trường lao động của tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả, năm học 2022-2023 trường tuyển sinh đạt 5.658 học sinh, sinh viên (có hơn 2 nghìn học sinh học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên bậc THPT và học nghề), quy mô tăng gấp 3 lần so với thời điểm mới sáp nhập.

Sau 9 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn là một trong 70 trường cao đẳng trên cả nước thuộc Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là động lực để nhà trường tiếp tục phấn đấu xây dựng và phát triển. Qua rà soát, hiện đơn vị đạt 5/5 tiêu chí của trường chất lượng cao và đang chờ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đánh giá, công nhận. Trong số 13 ngành, nghề đào tạo thì có 5 nghề đạt chất lượng cao, vượt chỉ tiêu.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn.

Sau sắp xếp các cơ sở GDNN có điều kiện mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho sự phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác đào tạo nghề. Như Trường Trung cấp Y Bắc Giang sau sáp nhập (nay là Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang) đơn vị có cơ hội nâng cao trình độ đào tạo từ hệ trung cấp lên cao đẳng ở khối ngành y, dược. Nhiều học sinh có thể học liên thông ngay tại trường mà không phải đi xa, quy mô tuyển sinh cũng được mở rộng. Nhà trường đã đáp ứng yêu cầu trình độ đào tạo điều dưỡng tham gia xuất khẩu lao động vào thị trường Đức (yêu cầu tối thiểu trình độ cao đẳng); mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế sau sáp nhập nguyên trạng Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề Yên Thế vừa được Bộ LĐTBXH quyết định nâng cấp thành Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang. Hiện trường có 9 khoa, phòng chức năng chuyên đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia như: May thời trang, điện - điện tử, cơ khí - động lực, hàn, công nghệ ô tô, chăn nuôi thú y. Những năm gần đây, nhà trường luôn duy trì quy mô tuyển sinh từ 600 - 700 học sinh/năm, vượt chỉ tiêu được giao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở GDNN, giảm 7 cơ sở so với năm 2019. Nhìn chung, hệ thống cơ sở GDNN đã được sắp xếp tinh gọn, giảm quy mô đào tạo sơ cấp, tăng quy mô đào tạo cao đẳng và trung cấp. Tổng số ngành, nghề được cấp phép đào tạo là 109 nghề. Các ngành, nghề đào tạo đa dạng, phù hợp với định hướng phát triển và thị trường lao động của tỉnh. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt hơn 90%.

Khai thác tối đa nguồn lực

Một trong những ưu điểm của việc sáp nhập đó là giảm đầu mối, nguồn lực đầu tư cho cơ sở GDNN được tập trung. Như Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2015 - 2022 khoảng 190 tỷ đồng; Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang hơn 5 tỷ đồng (năm 2022) để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị. Quá trình hoạt động, các cơ sở GDNN thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với nhu cầu. Từ tháng 1/2023, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang giải thể 3 khoa: Ngoại ngữ - Tin học; Trung học sơ sở; Nhạc họa - Thể dục. Với nguồn nhân lực dồi dào và căn cứ nhu cầu thực tế, trường đang tập trung xây dựng đề án trường liên cấp trực thuộc giai đoạn 2022-2030. Trước mắt ưu tiên xây dựng trường THPT, phấn đấu đưa vào hoạt động từ năm học tới. “Như vậy sẽ phát huy được năng lực đội ngũ giáo viên nhà trường bởi hiện nay khối ngành sư phạm chỉ đào tạo giáo dục mầm non, trong khi giáo viên có chuyên môn của các bậc học khác đã có sẵn. Đồng thời, nhà trường nghiên cứu mở mới một số khoa, ngành đáp ứng nhu cầu thị trường như: Chăm sóc sắc đẹp, thương mại điện tử”, ông Nguyễn Hoàng Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 37 cơ sở GDNN, giảm 7 cơ sở so với năm 2019; trong đó có 5 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 15 trung tâm, còn lại là các cơ sở hoạt động GDNN.

Khắc phục khó khăn về công tác tuyển sinh ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tỉnh sau sáp nhập các đơn vị ký kết thực hiện hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật để tăng nguồn thu như: Hợp tác với các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương và đào tạo nghề cho học sinh THPT. Bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị, tại một số nơi vẫn còn những khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy chưa đồng bộ; thiếu giáo viên chuyên ngành do không có chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực song lại thừa đội ngũ lãnh đạo quản lý.

Việc sắp xếp, sáp nhập một số trường nghề nhằm nâng cao chất lượng GDNN. Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo đơn vị cần quyết liệt thực hiện mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đổi mới trong xây dựng kế hoạch đào tạo, giáo trình giảng dạy cho từng môn, ngành học. Các đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng cơ hội việc làm cho lao động sau học nghề.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/400376/truong-nghe-sau-sap-nhap-tang-quy-mo-nang-chat-luong.html