Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn.

Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khóa 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Vậy là khóa 3 được hình thành ở 3 điểm khác nhau: Văn phòng trường và lớp 1 đặt tại vườn Biện Ðài, Lung Chim; lớp 2 đặt tại vườn cô Út Ngươn; lớp 3 đặt ở Thanh Tùng.

Tôi học lớp 2 ở vườn cô Út Ngươn, do thầy Út Dũng (Trương Công Lập) làm chủ nhiệm. Ðến năm 1974, thầy Út Dũng được Ban Giám hiệu trường cử đi học lớp Sư phạm Khu Tây Nam Bộ.

Thầy Út Dũng có giọng nói trầm ấm, nhưng thầy rất nghiêm khắc. Trong lớp 2 của chúng tôi do thầy Út Dũng làm chủ nhiệm lúc đó có các anh chị và các bạn như: Lê Bá Thời (lớp trưởng), Nguyễn Hoàng Thiêng (lớp phó phụ trách lao động), Phạm Phi Thường (lớp phó phụ trách học tập), Lê Thanh Bình (Hùng), Trần Chí Công, Lê Thanh Hải, Tô Kiến Ðức, Lâm Trung Kiên, Hà Quốc Anh, Võ Tuấn Kiệt, Trương Hoàng Việt, Trần Thanh Hoàng, Trần Tiến Dũng, Phạm Thanh Thủy, Nguyễn Hồng Thủy, Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Kim Chiến, Phạm Hồng Nhung, Tống Tuyết Nga, Huỳnh Tuyết Thanh, Hứa Hồng Hận, Nguyễn Kim Thoa, Lê Hồng Ðiệp, Trần Kim Nguyền, Lê Tuyết Lệ...

Lớp học được dựng dưới tán rừng dừa rợp bóng mát. Một cái sạp rộng, dài, lót bằng cây róng nhỏ, khít nhau, cũng là giường ngủ chung. Mỗi người 1 cái mùng, giăng kề nhau để ngủ.

Lớp chỉ học buổi sáng, buổi chiều lao động cải hoạt để sinh sống. Các bạn được gửi ở nhờ nhà dân thì cùng với bà con lao động sản xuất theo khả năng của mình. Mỗi tháng, học sinh được cấp 1 táo gạo và 1 xị dầu thắp sáng để học. Mỗi năm được cấp 1 bộ quần áo (quần ni lông, áo Ponlin). Ðó là tất cả là hành trang bước vào cuộc sống mới của lứa tuổi mới chớm thanh xuân.

Tất cả học sinh chúng tôi đón nhận tình cảm, trách nhiệm của thầy Út Dũng như cha, chú trong gia đình. Cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi chan hòa, thân ái, đùm bọc, chở che cho nhau như anh em ruột thịt. Thứ tự lớn - nhỏ bảo nhau, nam - nữ trong sáng lung linh trong một mái nhà!

Học sinh Trường Ninh Bình tham gia lao động cải hoạt. Ảnh tư liệu

Học sinh Trường Ninh Bình tham gia lao động cải hoạt. Ảnh tư liệu

Thầy cô chỉ bảo chúng tôi đâu chỉ có con chữ, còn là đạo lý, nhân cách sống của con người. Tình thầy trò, tình bạn cùng lớp, cùng trường sao mà thiêng liêng đến vậy!

Có thể khẳng định, giáo dục thời kháng chiến đã hình thành được một lớp người biết thế nào là đất nước - Tổ quốc!

“...Khi ta lớn lên Ðất Nước đã có rồi/...Ðất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm/...Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn/...Trong anh và em hôm nay đều có một phần Ðất Nước" (Nguyễn Khoa Ðiềm)

Khoảng đầu năm 1973, tháng 5, mùa mưa Nam Bộ bắt đầu. Má tôi được mấy anh, chị giao liên (hồi đó gọi là cánh Hai Hỏa) vượt Sông Ðốc, sông Bảy Háp trong sự tuần tra nghiêm ngặt bằng tàu tuần tra của hạm đội Mỹ trên sông, từ huyện Mười Tế (bây giờ là huyện Trần Văn Thời) đến thăm tôi. Tôi báo với thầy Út Dũng là có má tôi đến thăm. Tối đó, tôi luộc nồi củ co cỡ “bao chỉ xanh” và rủ các bạn cùng lớp ăn. Trên bộ sạp dài, chúng tôi ngồi xếp bằng tròn vo để ăn củ co - củ co nó dẻo bột và bùi ngọt, không lẫn vào củ khác được. Chúng tôi lột vỏ từng củ ăn trong sự hồn nhiên, thiếu thốn. Má tôi nói: “Mấy đứa con ăn đi, củ co là của mấy chế thằng Thường tìm móc cả tuần mới có được như vậy”. Bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn rưng rưng niềm hạnh phúc!

Những năm tháng bắt đầu thoát ly gia đình, ở tuổi thanh xuân chúng tôi cũng đã làm quen với khái niệm: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, nhờ Nhân dân đùm bọc. Lớp 2, lớp 3 ở Xóm Dừa bằng nguồn lực của lớp với sự chỉ bảo của thầy Út Dũng, chúng tôi đã làm nên những chuyện như cổ tích vậy!

Cuối tuần, các tổ ở nhà dân họp tổ xem một tuần sinh hoạt trong nhà dân có gì xảy ra không, bà con có góp ý gì không?

Chúng tôi đã bắc cầu qua sông Xóm Dừa (chỗ nhà chú Bảy Ðáng ngang qua nhà chú Tư Thạch); đắp đường, nâng lộ đất từ điểm trường vườn cô Út Ngươn đến nhà chú Chín Lê Mai, nối với Kênh Ba, qua kênh Khai Hoang.

Chúng tôi cùng mấy thầy xuống tận ấp thu lúa đảm phụ, theo phân bổ của cấp trên. Chúng tôi đến ấp Nhà Cũ, chọn nhà chú Mười Oai để đóng bồ ví lúa.

Lấy điểm trường học của chúng tôi để dạy chữ cho con em tại địa phương học lớp 1. Thầy Út Dũng dạy chính, tôi vinh dự được thầy Út Dũng kêu phụ dạy môn tập đọc. Lớp học trên 30 bạn, theo học từ 19 giờ đến 21 giờ mỗi tối thứ Ba, Năm, Bảy.

Tết đến, chúng tôi cùng các anh chị và bà con trong xóm quết bánh phồng, giã cốm dẹp, gói bánh tét..., những món ăn bình dị như hồn cốt của vùng quê nghèo yên tĩnh.

Trong chiến tranh ác liệt mà Xóm Dừa, vườn Biện Ðài, Lung Chim, Thanh Tùng, Ông Bọng, Vườn Tre vẫn bình an. Chúng tôi được thầy Hai Nghĩa dạy nhạc lý cơ bản. Mỗi lớp đều có đội văn nghệ. Ðược tập tành đàng hoàng để tới ngày tổng kết năm học là có liên hoan văn nghệ. Hồi đó vậy mà thầy Hai Nghĩa dạy chúng tôi học thuộc lòng bài Quốc tế ca: “...Ðấu tranh này là trận cuối cùng/Kết đoàn lại để ngày mai/...Sẽ là xã hội tương lai!...”

Ðêm văn nghệ cây nhà lá vườn thật hào hứng, sôi nổi. Tốp ca nữ với bài hát “Gởi anh chiếc mũ tai bèo”: "Anh bộ đội ơi mỗi đường chỉ may, mang nặng tình yêu thương chúng em gởi tới. Có cả tình quê trong chiếc mũ tai bèo".

Tốp ca nam với bài “Bước chân trên dãy Trường Sơn”: "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn. Ðá mòn mà đôi gót không mòn. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...".

Tới tiết mục chị Kim Sa ngâm bài thơ "Trở lại U Minh" của Nhà thơ Nguyễn Bá:

"... Chiếc thuyền con vượt hàng trăm cây số/Cùng với tôi trở lại đất U Minh

Nơi con sông mùa sa mưa nước đỏ

Nơi chân trời mát mẻ bóng tràm xanh

... Ta căm giận còng lưng gùi đau khổ

Vào rừng sâu cất cứ xây làng".

Nhà nghiên cứu, Nhà văn Trần Bạch Ðằng viết: “Làng rừng là giang sơn trong một giang sơn!".

Chị Trần Thúy Phượng hát bài “Hai chị em”: "Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh. Chị Hai Năm Tấn quê ở Thái Bình. Hỡi ai có đi vô thăm chiến trường. Mùa hoa chiến công nở rộ khắp nơi. Từng thôn xóm, từng đường phố. Ðang chuyển mình thừa thắng vượt lên".

Tốp múa nam - nữ với bài “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”. Ấn tượng nhất là tiết mục múa “Giờ hành động”, do bạn Nguyễn Kim Thoa thực hiện.

Ðặc biệt là tiếng hát của thầy Hiệu trưởng Lê Châu với bài “Hà Tây quê lụa”: "Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh. Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa. Sữa trắng Ba Vì... Ðồng hợp tác xanh tươi cấy cầy thẳng tắp. Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc. Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô. Áo giáp chở che ngàn năm bền vững...”.

Những đêm văn nghệ, hào hứng trong hồi hộp trước khi ra chào khán giả và niềm vui vỡ òa sau mỗi tiết mục thành công. Những âm thanh ấy, điệu múa và lời ca của những bài hát ấy còn đọng lại trong tiềm thức mỗi người!

Sau Hiệp định Paris được ký kết, đoàn phóng viên quốc tế Pháp - Mỹ được chính quyền Sài Gòn cấp phép đi vào vùng giải phóng để tìm hiểu tình hình. Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình được Tỉnh ủy chọn cho đoàn nhà báo tham quan thực tế. Nơi đây được coi như biểu tượng của tình nghĩa Bắc - Nam giữa hai tỉnh Ninh Bình - Cà Mau. Nghệ sĩ Ưu tú, Ðạo diễn Huỳnh Hảnh đã viết: “Một trái bom rơi, làm hai nơi nhức nhối”.

Tôi nhớ trước đó 1 tháng, có lệnh của chính quyền: Tất cả cầu tiêu trên sông phải được giải tỏa trên các tuyến đường mà đoàn nhà báo đi qua. Văn phòng Ban Giám hiệu trường chuẩn bị tươm tất trong điều kiện có thể. Chú Hai Phước từ Tiểu ban Giáo dục tỉnh được cử xuống trong vai Hiệu trưởng. Chú Ba Châu vẫn ở Văn phòng Ban Giám hiệu nhưng không được tiếp xúc nhà báo, vì lúc đó chính quyền Sài Gòn cho rằng “miền Bắc xâm lược miền Nam”.

Ðoàn nhà báo gồm vợ chồng người Pháp và anh phóng viên người Mỹ. Chúng tôi được cô Thu Vân tập huấn trước, đưa ra những tình huống mà nhà báo có thể hỏi. Rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi giả định nhưng tôi còn nhớ một câu: "Nếu nhà báo có hỏi các em thích học môn gì, nếu em nào được hỏi thì trả lời: Tôi thích học môn Lịch sử, vì đất nước tôi có bốn ngàn năm lịch sử!".

Ðêm đó, có đội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình đến phục vụ. Quá vui, quá nô nức. Ðêm ấy trước khi xem phim truyện “Nổi gió”, chúng tôi được xem “Thời sự số 7”. Mấy ngày sau đó, các bạn nữ cứ nhắc đến Trung úy Phương đẹp trai, hào hoa phong nhã. Cô Thu Vân lại nhắc: "Các em nên nhắc chị Vân vì chị Vân là nữ cán bộ cách mạng!".

Rời Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, đoàn nhà báo tiếp tục đi thực tế xí nghiệp in, bệnh viện đặt trong rừng nước mênh mông.

Anh Bảy Quân là phóng viên quay phim của Phòng Nhiếp - Ðiện ảnh Tây Nam Bộ kể lại, đoàn phóng viên Pháp - Mỹ trước khi rời vùng giải phóng đã được tặng mũ tai bèo, khăn rằn choàng cổ...

Khi ra tới chợ Hộ Phòng, bị tụi ngụy quyền lục soát và bắt họ phải xóa hết các thước phim đã thu được trong thời gian họ rất khổ công và vượt bao khó khăn đi thực tế qua vùng giải phóng để thu hình, chụp ảnh - những hình ảnh sinh hoạt chân thật của vùng giải phóng trong kháng chiến. Rõ ràng, Mỹ - ngụy luôn sợ lẽ phải, sợ sự thật, chính nghĩa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam!

Anh Bảy Quân - Nguyễn Văn Quân, ngày 30/4/1975, là phóng viên quay phim đầu tiên tiếp quản Ðài Truyền hình Cần Thơ. Sau này anh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình (1964-2024) chúng ta thành tâm thắp nén tâm nhang tưởng nhớ chú Mười Thiện (Nguyễn Ngọc Sanh), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, chú là người trực tiếp chỉ đạo thành lập trường.

Hôm nay, đi trên đường Nguyễn Ngọc Sanh, TP Cà Mau, chúng ta cảm nhận tâm nhang hương thơm lan tỏa, bay xa!

Vâng, ở tỉnh Cà Mau cuối trời Tổ quốc, từng có một ngôi trường như thế. Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình. Góp nhặt những ký ức, xâu chuỗi lại các sự kiện về một ngôi trường nội trú trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta có quyền tự hào: Ðó là ngôi trường anh hùng!

Cần Thơ, ngày 31/5/2024

Ghi chép của Phương Thùy

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/truong-noi-tru-ca-mau-ninh-binh-nhung-ky-uc-khong-phai-a33080.html