Trường THCS và THPT Đống Đa chuẩn bị cho năm học mới
Trường THCS và THPT Đống Đa (Đà Lạt) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Tuy điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò nhà trường đã nỗ lực khắc phục để sẵn sàng bước vào ngày khai trường.
Năm học 2019 - 2020 sắp đến gần, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới của Trường THCS và THPT Đống Đa (Đà Lạt) đã được hoàn tất, năm nay trường tiếp tục mượn cơ sở của Trường Đại học Yersin để học cho đến hết tháng 11/2019.
Anh Nguyễn Thành Phi, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, liên quan đến sự cố sập sàn phòng học Trường THCS và THPT Đống Đa, ngày 24/10/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới với tổng vốn đầu tư 26,4 tỷ đồng. Trường THCS và THPT Đống Đa mới được xây dựng ngay tại vị trí trường học cũ với quy mô 4 tầng, diện tích sàn xây dựng 5.186 m2, có 26 phòng học và hội trường, phòng chức năng... Dự kiến công trình được khởi công vào năm 2017, đưa vào hoạt động trong năm 2020. Còn hiện tại việc tổ chức dạy và học đã được UBND tỉnh mượn địa điểm Trường Đại học Yersin, đến tháng 11/2019 mới hết hợp đồng theo cam kết thỏa thuận mượn cơ sở vật chất. Số lượng học sinh tăng kéo theo nhu cầu về chỗ học trở nên cấp thiết. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, ngay trong năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đôn đốc tiến độ thi công xây dựng các công trình mới, đồng thời Sở đã chỉ đạo các trường tu sửa, trang trí lại, tạo cảnh quan sư phạm thoáng mát, sạch đẹp để đón học sinh. Bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trong thời gian vừa qua việc đầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng luôn được quan tâm, chú trọng.
Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đốc thúc nhà thầu xây dựng chia thành từng giai đoạn để tiến hành xây dựng. Qua đó, sẽ hoàn thành khối dãy phòng học và tháng 11 đưa học sinh về học tại trường. Hiện tại dãy phòng học đã hoàn thành được 80%, khối lượng xây dựng còn lại sẽ tiến hành thi công song song và cố gắng hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 1/2020.
Cô giáo Hà Nguyễn Bảo Khuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được xây dựng từ năm 1956 nên khối nhà dạy học bị xuống cấp trầm trọng. Sau sự cố sập phòng học, cơ sở mới của trường được mượn từ dãy phòng học của Trường Đại học Yersin Đà Lạt, cách vị trí trường cũ khoảng 3 km. Dãy nhà gồm 18 phòng học phục vụ cho học sinh THPT học vào buổi sáng, buổi chiều dành cho khối THCS. Tuy nhiên, do không đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị nên các lớp tin học, quốc phòng, thể chất vẫn học tại trường Đống Đa cũ. Các em học sinh không có sân chơi, sân thể dục, không có thư viện, phòng thí nghiệm... là quá thiệt thòi. Cũng theo lãnh đạo nhà trường, việc các em học sinh phải “nghe” thí nghiệm trong giờ thực hành là chuyện thường ngày. Bởi không có phòng thí nghiệm, nên đến giờ thực hành các thầy cô giáo chỉ có thể mang dụng cụ lên làm mẫu cho học sinh xem. Việc đi lại giữa 2 trường để học gây không ít khó khăn cho các em học sinh. Dự kiến năm 2019, nhà trường sẽ có 32 lớp học, tuy nhiên trường lại tiếp tục bị lấy lại 3 phòng học nên hiện chỉ còn có 15 phòng học, phòng hiệu bộ phải mượn ngăn tạm hành lang để các thầy cô sinh hoạt. Trong điều kiện thiếu phòng học, nhà trường phải dồn lớp học lại còn 30 lớp, mỗi lớp có khoảng 45 - 50 học sinh, chia ra làm 2 buổi học sáng và chiều.
Tuy nhiên, những khó khăn đó chưa bao giờ hạn chế được niềm mong mỏi được đến trường, cũng như sự nhiệt huyết trong giảng dạy của các giáo viên nơi đây. Trước những khó khăn đó, thầy trò Trường THCS và THPT Đống Đa luôn cố gắng tìm mọi cách khắc phục, để sự thiếu thốn về vật chất không ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Trong năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường chiếm hơn một phần ba học sinh toàn trường.
“Với sự nỗ lực chung, có thể nói rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bước vào năm học mới 2019 - 2020, thầy và trò trường Đống Đa vẫn nỗ lực để vượt qua những khó khăn về vật chất. Điểm chuẩn thi đầu vào của lớp 10 cao hơn mọi năm, nếu như số học sinh tuyển sinh vào lớp 6 năm 2018 là 225 em thì đến năm 2019 là 251 em; lớp 10 năm 2018 là 130 em, năm 2019 là 150 em. Sắp tới, khi cơ sở vật chất mới được xây dựng hoàn thiện, đây sẽ là ngôi trường có môi trường học tập tốt phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển hệ thống trường THCS và THPT theo hướng đạt chuẩn quốc gia”, cô Khuyên chia sẻ.
Trường được xây dựng mới, đã giúp phụ huynh yên tâm hơn khi cho con em mình theo học. Phụ huynh Nguyễn Thị Liễu có con là Hồ Thiên Kim, học sinh lớp 7A4 vui mừng khi con sắp được học ở ngôi trường mới được xây dựng khang trang hơn. Chị chia sẻ, khi nghe thông tin trường học xuống cấp, cho con đi học chị rất hoang mang. Ngôi trường có tuổi đời hàng chục năm, là ngôi trường mà ngày xưa chồng chị cũng đã từng theo học, đến lượt con học thì trường lại xảy ra sự cố sập. Được sự đầu tư của Nhà nước, sắp tới cháu được học trường mới, không những chị mà nhiều phụ huynh có con em theo học rất vui mừng và yên tâm để con học tại trường.