Truy vết thuế kinh doanh thương mại điện tử
Bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, những năm qua, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam có bước tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, số thuế thu được từ hoạt động này vẫn còn khiêm tốn.
Doanh thu trăm tỷ nhưng “quên” nộp thuế
Tháng 6-2023, Công an TP Đà Nẵng phát hiện 6 cơ sở tham gia hoạt động TMĐT có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ sở này có doanh thu bán hàng online hơn 223 tỷ đồng nhưng không khai báo và thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế. Nhiều vụ việc tương tự được phát hiện trên cả nước, nhất là ở các thành phố lớn phần nào minh chứng cho thực trạng thất thu thuế từ hoạt động TMĐT hiện nay.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có mức tăng trưởng TMĐT đạt 2 con số. Năm 2021, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua, nhưng TMĐT vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD. Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam là 49%, tính trong khu vực Đông Nam Á chỉ xếp sau Singapore.
Ngày 15-12-2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Đến nay, Cổng thông tin TMĐT đã ghi nhận 333 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…. Có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin TMĐT, trong đó có các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp ngân sách nhà nước là 3.944 tỷ đồng.
Tại TPHCM, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng số tiền thuế truy thu, phạt đối với 4.464 hộ, cá nhân có hoạt động bán hàng TMĐT lên đến 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số 115.239 cá nhân kinh doanh cần rà soát, đến nay, mới chỉ có 1.802 cá nhân kinh doanh lên làm việc theo thông báo của cơ quan thuế. Các cá nhân kinh doanh này đã kê khai thuế và cơ quan thuế đã truy thu, phạt lũy kế số tiền 39 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5-2023, có 748 cá nhân kinh doanh lên làm việc với cơ quan thuế với tổng số tiền thuế truy thu, xử phạt là 10,89 tỷ đồng.
Có thể thấy, số thuế thu được từ hoạt động TMĐT vẫn còn quá khiêm tốn so với sự tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh này. Việc thất thu thuế từ hoạt động TMĐT không chỉ làm thiếu hụt đi phần ngân sách lẽ ra thu được, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động lành mạnh của thị trường khi nghĩa vụ thuế không được thực hiện công bằng. TMĐT càng phát triển thì ảnh hưởng tiêu cực từ thất thu thuế càng lớn.
Truy vết
Trong cuộc đấu tranh chống thất thu thuế, dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đại diện cục thuế các địa phương, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung dữ liệu về hoạt động TMĐT của tổ chức, cá nhân chủ yếu phụ thuộc vào sàn TMĐT cung cấp. Dữ liệu này hiện có nhiều chệch choạc, khó phân loại. Việc phối hợp giữa các ngành để truy vết hoạt động TMĐT cũng không dễ vì chưa có cơ chế rõ ràng, và mỗi ngành lại có nguyên tắc bảo mật riêng. Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp khả thi nhất để tránh bỏ sót, thất thu thuế từ hoạt động TMĐT là khấu trừ tại nguồn. Nghĩa là các sàn giao dịch TMĐT phải kê khai, khấu trừ nộp thay cho các hộ kinh doanh online khi đăng ký kinh doanh trên các sàn TMĐT.
Theo quy định hiện nay, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên trong năm dương lịch thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (VAT). Với hoạt động bán hàng online, thuế VAT là 1% và thuế TNCN là 0,5%, tổng cộng 1,5%. Mức đóng này là cố định, không được khấu trừ chi phí hay giảm trừ gia cảnh. Anh L.T., có một cơ sở nhỏ chế biến đồ ăn sẵn, chủ yếu bán qua mạng cho rằng, mức sàn 100 triệu đồng phải nộp thuế như trên là thấp và có phần cứng nhắc. Bởi để có được sản phẩm ăn uống có thương hiệu, anh phải đầu tư nhiều máy móc thiết bị chứ không phải làm thủ công. Những khoản đầu tư này đều không được khấu trừ vào chi phí.
Về việc này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan này đã ghi nhận các ý kiến trên và tới đây, khi xây dựng các quy định sẽ xem xét lại mức sàn này cho phù hợp.
Tại TPHCM, để truy vết các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT, Cục Thuế TPHCM sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại xác minh thông tin giao dịch chuyển tiền với các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube, TikTok…. Đồng thời làm việc với đơn vị giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT để xác định doanh thu. Trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục Thuế TPHCM sẽ thanh tra, kiểm tra 4 doanh nghiệp TMĐT, đối chiếu với dữ liệu do cơ quan hải quan cung cấp để có biện pháp quản lý, chống thất thu thuế.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/truy-vet-thue-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-post698445.html