TS. Lê Đạt Chí: Hóa giải vướng mắc thuế của thị trường vàng
Cho rằng thu thuế đầu tư vàng sẽ đảm bảo sự công bằng trong cách ứng xử giữa các loại tài sản, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM, khẳng định với Kinh tế Sài Gòn việc tính thuế không phải là vấn đề và đều trên nguyên tắc của nó.
(KTSG) – Cho rằng thu thuế đầu tư vàng sẽ đảm bảo sự công bằng trong cách ứng xử giữa các loại tài sản, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM, khẳng định với Kinh tế Sài Gòn việc tính thuế không phải là vấn đề và đều trên nguyên tắc của nó.
Không thể nói thuế chồng thuế
KTSG: Trước quan điểm cần phải đánh thuế giao dịch vàng, một số ý kiến phản biện không đồng tình, chẳng hạn, vàng ngoại hối được dùng để dự trữ là một dạng tiền tệ nên thuế suất là 0%, vàng trang sức đã chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và doanh nghiệp kinh doanh vàng thì chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Cũng có quan điểm cho rằng, người dân mua vàng để tích trữ bằng phần tiết kiệm tích lũy từ thu nhập, và khoản tiền này đã chịu nhiều loại thuế, trong đó có thuế thu nhập. Vậy nên, nếu không cân nhắc cẩn trọng, việc đánh thuế giao dịch vàng sẽ tạo ra tình trạng thuế chồng thuế. Ông bình luận như thế nào về những quan điểm này?
– TS. Lê Đạt Chí: Đầu tiên, trong một nền kinh tế, chỉ có một loại tiền pháp định được phép thực hiện chức năng của tiền, còn các loại tiền tệ khác như ngoại tệ và vàng, như trong câu hỏi do phóng viên đặt ra, đều là tài sản đầu tư. Một quốc gia nếu để loại tiền tệ khác này tồn tại dù dưới dạng nào thì đều được xem là tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Tình trạng đô la hóa càng cao sẽ càng làm giảm vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, quan điểm xem ngoại tệ hay vàng là tiền tệ cất trữ, do đó, không nên đánh thuế, là thiếu hiểu biết về hệ thống tiền tệ quốc gia. Ngoài nắm giữ tiền pháp định là tiền đồng, việc nắm giữ bất kể một loại tiền tệ nào khác đều được xem là tài sản đầu tư. Đã là tài sản đầu tư thì phải nộp thuế thu nhập.
Một doanh nghiệp mua bán tài sản đầu tư là vàng hay ngân hàng kinh doanh vàng và ngoại tệ thì phải hạch toán thu nhập để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy nhưng, nếu một nhà đầu tư cá nhân khi mua bán tài sản đầu tư là vàng lại không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều này không công bằng cho các nhà đầu tư rót vốn vào các tài sản đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, tín phiếu ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản…
Nếu nói phần tiết kiệm của người dân được hình thành sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân và phần tích lũy này mang đi đầu tư vàng phải tiếp tục chịu thuế sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế thì điều này rõ ràng không hợp lý.
Tiền đầu tư vào bất cứ loại tài sản nào của cá nhân đều là tiền tích lũy, tiết kiệm. Như vậy, đã là một tài sản đầu tư thì các đối tượng kinh doanh đều phải nộp thuế. Hiện cá nhân đầu tư vàng chưa bị thu thuế trên khoản thu nhập này nên việc xem xét đánh thuế là tất yếu và điều này giúp đảm bảo công bằng trong cách ứng xử giữa các loại tài sản.
KTSG: Vậy quan điểm của ông như thế nào về việc thu thuế từ hoạt động đầu tư vàng của người dân? Trong trường hợp đánh thuế vào hoạt động đầu tư vàng, theo ông, những nguyên tắc gì cần xác định rõ để giao dịch vàng nào phải đóng thuế?
– Tôi rất đồng tình việc thu thuế đối với hoạt động đầu tư vàng của người dân. Đã là một tài sản đầu tư thì phải chịu điều tiết thu nhập để đảm bảo công bằng xã hội và đó là việc đáng làm. Thị trường vàng còn có tính chất đặc biệt, được Nhà nước tổ chức quản lý, vậy nên, việc điều tiết bằng thuế là lẽ dĩ nhiên để bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả.
Thị trường vàng còn có tính chất đặc biệt, được Nhà nước tổ chức quản lý, vậy nên, việc điều tiết bằng thuế là lẽ dĩ nhiên để bộ máy nhà nước vận hành
hiệu quả.
Về cách thức thực hiện, khi chưa thể xác định được giá mua thì có thể áp dụng kinh nghiệm thu thuế từ hoạt động đầu tư chứng khoán hay bất động sản. Nghĩa là, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, áp mức thuế cố định 0,1% trên giá bán đối với chứng khoán hay 2% trên giá bán bất động sản.
Ngoài ra, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng có mức thuế suất 20% dành cho các giao dịch xác định được giá trị đầu tư ban đầu đối với chứng khoán, ví dụ chủ doanh nghiệp chưa niêm yết bán toàn bộ vốn góp cho nhà đầu tư khác thì tất yếu xác định được giá trị góp vốn ban đầu để tính thu nhập chịu thuế và Nhà nước thu 20% trên thu nhập phát sinh.
Tôi nêu ra hai vấn đề đó để thấy rằng việc tính thuế không phải là quá nan giải và đều dựa trên nguyên tắc của nó.
Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Dự kiến, sẽ áp được giá đầu vào đối với bất động sản vì kể từ đầu năm 2026, các giao dịch bất động sản sẽ dựa trên bảng giá đất của từng địa phương do hội đồng nhân dân các địa phương ban hành để làm cơ sở tính thuế thu nhập. Đối với hoạt động đầu tư vàng, nếu không có một khởi đầu thì sẽ không có bước thứ hai thu thuế trên thu nhập đầu tư vàng. Phần còn lại là quan điểm và mong muốn của cơ quan thuế và Chính phủ trong quản lý hoạt động đầu tư vàng mà thôi.
Một bất cập khác trong quản lý thuế
KTSG: Nhiều nước phát triển, chẳng hạn như Pháp, yêu cầu khi bán vàng, chủ sở hữu hoặc nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên. Ông nghĩ như thế nào về cách quản lý này? Liệu điều này có khả thi ở Việt Nam?
– Các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận nhiều bài học từ các nền kinh tế phát triển hơn trên thế giới. Dù vậy, tôi tin không có bài học nào để Việt Nam áp dụng một cách máy móc.
Mỗi một giải pháp đều dựa trên một bối cảnh, một nền tảng và một cấu trúc thị trường tài chính và chúng vận hành theo cách khác nhau. Nghĩa là, không phải thấy một đất nước nào đó sử dụng một biện pháp quản lý, dù có hiệu quả, chúng ta nghĩ rằng Việt Nam học theo kinh nghiệm của đất nước đó thì sẽ thành công.
Kể cả khi có điểm tương đồng, chẳng hạn, nếu dựa trên số lượng chuyên gia người Việt sống ở nước ngoài, giải pháp được đề xuất sẽ đến từ Mỹ, Úc chứ không phải là Pháp. Nếu dựa trên mức độ ưa chuộng vàng của người dân thì phải ưu tiên sử dụng mô hình quản lý của Ấn Độ. Còn nếu dựa trên sự giống nhau về thể chế kinh tế thì Trung Quốc sẽ là mô hình tốt cho Việt Nam trong quản lý thị trường vàng… Chỉ có điều, việc này không đơn giản như vậy. Nếu làm một cách nghiêm túc, tốt nhất phải tiến hành mô phỏng để tìm giải pháp tối ưu cho việc quản lý thị trường vàng Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện đó còn dài.
Vấn đề chúng ta đang bàn là thu thuế đối với người dân đầu tư vàng và hoạt động này cần thiết để minh bạch trong giao dịch. Bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh vàng nào cũng đều phải kê khai giao dịch đầu ra đầu vào để nộp thuế thu nhập. Giao dịch đầu vào là mua của người dân không có hóa đơn phải lập bảng kê để tương thích đầu ra. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ phải kê khai và nộp thuế hộ cho người bán vàng.
KTSG: Có ý kiến cho rằng, đánh thuế giao dịch vàng không phải vấn đề đầu tiên cần giải quyết. Quan trọng là chúng ta phải phân biệt rõ giữa vàng dự trữ (99,99%) với vàng trang sức, không để tồn tại tình trạng nhập nhèm vàng nhẫn trang sức nhưng lại có chức năng như vàng dự trữ. Quan điểm của ông như thế nào?
– Trên thế giới, khái niệm này đã được làm rõ và Việt Nam cũng vậy. Vàng đúng chuẩn gọi là vàng miếng với chất lượng bốn số 9 mang thương hiệu quốc gia. Vàng còn lại đều gọi là vàng nữ trang. Tùy theo hàm lượng vàng khác nhau để tạo ra các dòng sản phẩm nữ trang khác nhau. Vàng nữ trang đem cất trữ hay làm trang sức là quyết định của người mua vàng. Tuy nhiên, giá trị của nó sẽ biến động nên người mua vàng sẽ có thêm thu nhập cho giao dịch đó. Nếu cho rằng chưa vội thu thuế vì chưa làm rõ khái niệm thì chưa được thuyết phục.
Một vấn đề khác rất cần phải quan tâm là hoạt động thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Hiện tại, hoạt động này đang có nhiều bất cập. Hiện có hai hệ thống thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng: doanh nghiệp hạch toán thu nhập chịu thuế để xác định thuế và doanh nghiệp nộp thuế khoán.
Tôi tin rằng kết quả thanh tra hoạt động kinh doanh vàng tại ba doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ khó có kết quả nếu không đi vào vấn đề thuế. Bởi lẽ, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sau khi chuyển vàng nguyên liệu thành vàng trang sức thì có thể bán ra cho những doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu thuế khoán này và sau đó mua lại từ một doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế khoán khác (doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế khoán có thể mua bán hóa đơn lẫn nhau để bán lại cho chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế theo thu nhập chịu thuế) cùng loại vàng mà chính họ bán.
Cách làm này đạt được hai mục tiêu. Một là hợp thức hóa vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc thành vàng “trang sức” có nguồn gốc từ doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế khoán và hạch toán vào hàng hóa thay vì nguyên liệu. Hai là đã giảm thiểu được số thuế phải nộp thông qua việc chuyển lợi nhuận sang cho các doanh nghiệp nộp thuế khoán bằng cách kê khai giá bán thấp và giá mua cao. Do vậy, cần khẩn trương xem lại hệ thống thuế ngay với chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
KTSG: Việc áp dụng công nghệ trong quản lý định danh các giao dịch vàng có nên được cân nhắc cẩn trọng hơn không, thưa ông? Theo ông, liệu đó có phải là biện pháp giảm thiểu tình trạng đứng tên mua vàng hộ, giao dịch vàng tay ngang bất hợp pháp…?
– Tôi chưa thấy nước nào dùng mã định danh để quản lý hoạt động mua bán vàng dù trình độ công nghệ phát triển ở mức độ nào. Tuy nhiên, nếu mã định danh không phải để quản lý giao dịch vàng mà để tích hợp thông tin thì là điều hợp lý. Việc bán vàng đòi hỏi căn cước công dân vừa qua được xem như rào cản kỹ thuật từ công ty/ngân hàng bán vàng chứ không nên xem đó là giải pháp.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh:
Cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, chưa nên đánh thuế người dân tiết kiệm bằng vàng
Đề cập tới vấn đề đánh thuế với vàng, trước tiên, cần phải xác định những nguyên tắc cơ bản, dựa trên quan điểm của nền kinh tế với vàng, đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam. Ngoài chức năng dự trữ ngoại hối nằm trong chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước, vàng còn được coi là một kênh tiết kiệm của người dân.
Dự trữ bằng vàng rồi quy đổi sang các tài sản khác khi cần có thể coi là tập quán của người dân Việt Nam, chính vì thế, cách đây chừng 20 năm, đề xuất đánh thuế với vàng được đưa ra, sau đó gác lại. Tại thời điểm đó, các quan điểm đều đồng thuận, khi thu nhập trung bình của người dân vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới, các khoản tiết kiệm đều trích từ thu nhập đã chịu thuế, chưa nên tính tới chuyện đánh thuế vàng.
Vậy đến thời điểm hiện nay đã thích hợp để đánh thuế vào việc cá nhân mua vàng để tiết kiệm hay chưa? Đó là quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, tùy theo mục tiêu phát triển của nền kinh tế. Ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay Pháp, các nhà quản lý kinh tế không khuyến khích hành vi tiết kiệm mà muốn thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, tạo nên tăng trưởng nhờ tăng tổng cầu.
Vì vậy, cá nhân mua vàng để tiết kiệm phải chịu thuế. Với Việt Nam, theo tôi, chúng ta vẫn đang dừng lại ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp, vẫn nên khuyến khích người dân tiết kiệm, do đó, chưa nên tính chuyện đánh thuế cá nhân mua vàng để tiết kiệm.
Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra trong nền kinh tế trong khoảng gần 10 năm trở lại đây cho thấy, một bộ phận người dân dùng tiền tích lũy đầu tư vào vàng, theo cách mua đi – bán lại theo diễn biến của thị trường, từ đó, tạo ra thu nhập tăng thêm. Đây là hoạt động đầu tư, kinh doanh vàng. Hoạt động này tương tự như hoạt động đầu tư chứng khoán, bất động sản… nên cần phải chịu thuế. Điều này cũng rất cần thiết để tạo nên sự công bằng giữa các loại hình đầu tư tài sản.
Điểm khó ở đây là xác định đâu là giao dịch bán vàng trong hoạt động đầu tư kinh doanh sinh lời và đâu là giao dịch bán vàng sau hành vi tiết kiệm. Theo luật của Pháp, những giao dịch bán vàng sau khi mua 22 năm sẽ không phải chịu thuế. Nghĩa là, có thể phân biệt hai loại giao dịch trên thông qua thời điểm phát sinh giao dịch bán, nếu để tiết kiệm, sẽ không có chuyện mua đi – bán lại trong khoảng thời gian ngắn, vài ngày, vài tháng hay một năm.
Tại Việt Nam, các hộ hay doanh nghiệp kinh doanh vàng đã bị bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ ngày 15-6-2024. Điều này giúp cho việc truy xuất về thời gian cá nhân thực hiện giao dịch mua vàng, thậm chí cả số lượng, tần suất, đặc điểm các giao dịch. Các nhà quản lý chỉ cần định ra một mốc thời gian phù hợp với điều kiện của Việt Nam để xác định đâu là các giao dịch vàng cho mục đích đầu tư, kinh doanh – là đối tượng chịu thuế và khối lượng vàng trong giao dịch. Thời gian này với Việt Nam có thể là hai năm và khối lượng giao dịch để xem xét đánh thuế có thể từ năm lượng.
Dĩ nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm các cách thức quản lý khác, có thể tối ưu hơn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, cần đánh thuế hoạt động đầu tư, kinh doanh của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vào vàng và chưa nên đánh thuế việc người dân tiết kiệm bằng vàng.
Khánh Nguyên ghi