TS Nguyễn Văn Lạng: 'Dòng chảy' cà phê ở Việt Nam đang thay đổi, giá ở mức đỉnh không phải ảo

Thời gian qua, giá cà phê tăng 'chóng mặt', có thời điểm lên tới 135.000 đồng/kg - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam.

Nối tiếp sự tăng trưởng từ năm ngoái, giá cà phê trong nước vẫn tiếp tục tăng ngay từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, giá cà phê liệu có tiếp tục kéo dài đà tăng hay không lại rất khó dự đoán khi mà chi phí logistics tăng mạnh khiến giá sản phẩm đến tay nhà nhập khẩu ở mức quá cao.

Nhiều ý kiến cho rằng giá cà phê tăng mạnh là do chi phí sản xuất tăng cao và nguồn cung cà phê thế giới đang gặp nhiều vấn đề. Trong thời gian qua, nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng "cháy hàng" nên các thương lái trong nước đã nhiều lần bán qua tay, đẩy giá cà phê lên khiến giá mặt hàng này tăng cao.

TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: Tuyết Nhung

TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: Tuyết Nhung

Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - về vấn đề này.

- Thời gian qua, giá cà phê tăng cao, có thời điểm lên mức đỉnh là 135.000 đồng/kg, ông có thể cho biết nguyên nhân do đâu thưa Tiến sĩ?

Chưa bao giờ giá cà phê tăng lên cao như vậy, tới 135.000 đồng/kg. Theo quy luật cung cầu, nguồn cung thấp hơn cầu thì giá sẽ tăng cao. Thời gian qua, khoa học công nghệ tiên tiến đã giúp chất lượng cà phê tăng cao, kích thích tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, Trung Quốc trước kia ít uống cà phê, nhưng giờ họ đã tìm hiểu, nghiên cứu và họ uống rất nhiều. Chỉ cần tăng thêm 1% thì đã có hàng chục triệu người Trung Quốc uống cà phê, một ngày mỗi người chỉ uống 1 ly thì đã có 10 triệu ly.

Có thể thấy, thị trường tiêu thụ cà phê đã mở rộng. Giờ có nhiều loại hình cà phê mới, khác biệt với cà phê truyền thống, như cà phê hòa tan, cà phê kem, cà phê muối, cà phê trứng, cà phê viên... kích thích nhu cầu tiêu dùng lớn. Đặc biệt, khoa học công nghệ tiên tiến đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của cà phê, chẳng hạn như bạn chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể đặt 1 ly cà phê qua app mang đến tận nơi.

Trong khi đó, nguồn cung cà phê lại đang có vấn đề. Thiên tai, hạn hán và biến đổi khí hậu làm cho những vùng cà phê gặp nhiều khó khăn, vậy nguồn cung đã thiếu. Một nguyên nhân khác là người nông dân trồng cà phê đã trồng thay thế những loại cây khác có năng suất cao hơn như: bơ, sầu riêng... Vì vậy, diện tích trồng cà phê đã bị thu hẹp.

Trước kia, thế giới vẫn chủ yếu tiêu thụ cà phê Arabica nhưng đến khi người ta phát hiện ra một loại cà phê mang tên Robusta do Việt Nam sản xuất lớn nhất thế giới với 500.000 - 700.000ha. Cà phê Robusta có lượng cafein rất cao, gấp 2-2,5 lần so với Arabica.

Do vậy, người ta cần phải mua thêm Robusta, trộn với cà phê Arabica để tạo ra cà phê trung hòa cho thế giới uống. Như vậy, Robusta của Việt Nam rất đắt hàng.
Có thể, thể thấy giá cà phê tăng là xuất phát từ cả phía cung và cầu. Chắc chắn giá cà phê sẽ ở mức cao trong một thời gian nữa.

- Thị trường cà phê trong những tháng đầu năm chứng kiến sự biến động rất bất thường, có thời điểm giá cà phê tăng vọt lên mức đỉnh là 135.000 đồng/kg nhưng giờ bắt đầu rớt về ngưỡng 121.000 - 122.000 đồng/kg. Phải chăng thời gian qua, giá cà phê tăng cao là giá ảo, thưa ông?

Tôi nghĩ là không phải, vì niên vụ cà phê thường vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1 hằng năm thu hoạch. Sau thu hoạch, người nông dân bán hết để đầu tư cho niên vụ mới. Vì vậy, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 là người dân cung cấp cà phê nhiều nhất. Sau đó, cà phê không còn nhiều thì chỉ còn những phần dự trữ, thậm chí cả thị trường kỳ hạn, thị trường trả trước thì rất nhiều nhà đầu tư gặp rắc rối. Bởi khi chốt giá chỉ dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng sau đó họ lại tăng lên 100.000 đồng. Như vậy, các nhà đầu tư đã bị lỗ. Như vậy, hiện dòng chảy cà phê tư nhân ở Việt Nam đang có sự thay đổi.

Tôi nghĩ phải chờ đến cuối tháng 11 khi cà phê chín thì mới biết được chính xác giá cà phê tiếp tục thế nào, nhưng chắc chắn giá cà phê sẽ không quay trở lại mức giá 40.000 đồng/kg.

- Vậy theo ông, kịch bản giá cà phê trong thời gian tới sẽ ra sao? Liệu giá cà phê trong nước có thể quay lại đỉnh khi có những thông tin bất lợi về thời tiết, mùa vụ, kinh tế... ảnh hưởng đến nguồn cung?

Những thông tin về thời tiết, mùa vụ, kinh tế,... sẽ ảnh hưởng đến giá cà phê. Dựa trên các yếu tố này, các trung tâm như ở London, New York có thể xác định được giá sàn thu mua để công bố ra toàn cầu hằng ngày. Tuy nhiên, để cà phê quay lại mức 135.000 đồng/kg là không phải dễ, bởi vì người nông dân đã rút kinh nghiệm từ mùa vụ trước để điều chỉnh thời gian, sản lượng bán ra trải dài và sẽ không tập trung vào một thời điểm.

Như vậy, mức giá cà phê thời gian tới sẽ không tăng đột biến và cũng sẽ không giảm đột biến. Niên vụ vừa rồi, các nhà thu mua trên thế giới đã dự trữ được một lượng cà phê không nhỏ trong kho. Họ sẽ điều chỉnh chính sách để 3 bên cùng có lợi, đó là người tiêu dùng, người môi giới trung gian và người sản xuất.

- Trước sự biến động khó lường của giá cà phê như trong thời gian qua, làm sao để nông dân và doanh nghiệp có sự liên kết, giữ ổn định nguồn cung phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, thưa ông?

Dĩ nhiên các nhà thu mua cà phê, doanh nghiệp,... cần có sự liên kết chặt chẽ với nông dân, hướng dẫn, đầu tư, hỗ trợ tài chính cho những người trồng cà phê, đưa ra các tiêu chí chất lượng cho họ để có được sản phẩm chất lượng nhất.

Để phát triển cà phê bền vững, một giải pháp tất yếu là hình thành chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.

Tôi cho rằng việc liên kết sản xuất với tiêu thụ cà phê giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân... sẽ khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò là cầu nối hết sức quan trọng, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cà phê.

Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn, doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân nhiều hơn. Còn với nông dân tham gia chuỗi liên kết sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp, không phải qua trung gian. Nông dân qua đó cũng nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác phù hợp.

Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tập trung thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê tại địa phương, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp để liên kết giữa nông dân - hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.

- Cám ơn ông!

Tuyết Nhung (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ts-nguyen-van-lang-dong-chay-ca-phe-o-viet-nam-dang-thay-doi-gia-o-muc-dinh-khong-phai-ao-218792.html