Từ 1/1/2025 bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn, đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát tối cao vấn đề môi trường

Trong hai vấn đề được đề xuất vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2025 là bảo vệ môi trường và nhân lực chất lượng cao, nhiều đại biểu Quốc hội chọn vấn đề môi trường.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động

Sáng 30/5, thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn hai nội dung để giám sát như sau:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Theo đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chọn ra một trong hai vấn đề trên để đưa vào chương trình giám sát tối cao chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV vào cuối năm 2025. Vấn đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát tại phiên họp tháng 8/2025.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng thời điểm này, vấn đề môi trường cần thiết phải giám sát tối cao, bởi vì ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng và được đông đảo cử tri quan tâm, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều lần.

Trên thực tế, bà Nga cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn, trong khi chỉ còn nửa năm nữa (ngày 1/1/2025) là đến thời hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo quy định và chính thức áp dụng việc xử phạt hành vi không phân loại rác thải tại nguồn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vấn đề môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vấn đề môi trường.

Cụ thể, hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, tập kết rác đã phân loại như thế nào và ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị.

Nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải đang được đặt ra, như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và hiện nay vẫn còn thiếu các quy định về định mức, đơn giá thu gom và xử lý rác thải.

"Tuy đã có vài năm chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng đến nay tôi nhận thấy công tác chuẩn bị của chúng ta chưa được kỹ. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Chính bởi vậy, nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng", bà Nga nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) thông tin, năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Theo đó, một số nội dung của Luật đã có hiệu lực thi hành; một số nội dung khác thì được thực hiện theo lộ trình, như trách nhiệm tái chế các sản phẩm do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường...

Chính vì thế, đại biểu cho rằng, Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường vào thời điểm này sẽ thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi người dân về bảo vệ môi trường; thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, đó là lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; cũng như bước đầu thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế khi chúng ta đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa)

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa)

Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng khi từ năm 2025 chúng ta chính thức thực hiện phân loại rác thải rắn từ nguồn, trong bối cảnh việc xử lý rác thải rắn đang bất cập, tạo gánh nặng cho môi trường.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, bao gồm 470 lò đốt với hơn 1.200 bãi chôn lấp, tăng khoảng 120 bãi so với năm 2019.

Trong đó, riêng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cả nước khoảng 67.000 tấn/ ngày. Khoảng 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp, 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt, trong đó thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%.

Hiện tại, cả nước mới chỉ có 3 nhà máy điện rác đi vào hoạt động với công suất khoảng 4.600 tấn rác/ngày, qua đó cho thấy việc xử lý rác thải bằng chôn lấp trực tiếp vẫn còn nhiều.

Nêu vấn đề cụ thể, đại biểu nói rằng, trong giám sát chuyên đề này, ông quan tâm và đề nghị làm rõ về nội dung xử lý rác thải. Cụ thể là:

Thứ nhất, những thách thức, khó khăn trong việc triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt và những giải pháp khắc phục.

Thứ hai, việc tổ chức thực hiện trên thực tế những ưu đãi, cơ chế đặc thù cũng như khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng nhà máy điện rác trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, cần đánh giá toàn diện về thị trường tái chế rác thải, cả chính thức và phi chính thức. Sự tham gia trực tiếp tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm tái chế hay là chủ yếu chỉ đóng góp vào Quỹ bảo vệ môi trường cũng như sự hỗ trợ thực tế từ Quỹ bảo vệ môi trường đối với hoạt động tái chế rác thải.

Cũng lựa chọn giám sát vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, các vấn đề ô nhiễm cho đến nay hầu như chưa được cải thiện đáng kể, mặc dù từ năm 2020 đã có Luật Bảo vệ môi trường mới.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Theo đại biểu, hiện nay báo cáo của Chính phủ nêu thì chủ yếu dựa trên báo cáo của các tỉnh và nó rất khác với số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phụ lục báo cáo của Chính phủ về bảo vệ môi trường do các tỉnh gửi lên thì tỉnh nào cũng đạt 92, 93, 95%.

Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay rác thải đô thị chỉ có 72% được thu gom mang chôn lấp, trong đó chỉ có 20% hợp vệ sinh. Hiện nay, kể cả chôn lấp hợp vệ sinh, Luật Bảo vệ môi trường mới cũng không khuyến khích. Như vậy, công tác thu gom, xử lý rác thải là đang trầm trọng chứ không thể nói là 92-95% như báo cáo của các tỉnh nêu.

"Nhân dịp giám sát như thế này, chúng ta lấy những kinh nghiệm của thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để nhân rộng ra toàn quốc", vị đại biểu đề xuất và nhấn mạnh, việc giám sát chính sách thực hiện bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2022 là rất quan trọng và nên đưa thành giám sát tối cao.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị, trong quá trình giám sát tối cao thì có một phần của môi trường đó là công tác biến đổi khí hậu, hiện nay cũng chưa được nhắc đến nhiều, chưa được đề cập và chưa đi vào thực chất.

"Chúng ta có chiến lược về biến đổi khí hậu nhưng các hoạt động cụ thể, việc cần có một nghiên cứu tổng thể về việc nước biển dâng hay xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào, ngăn chặn được hay không và nếu ngăn chặn được thì nguồn kinh phí như thế nào... thì hiện nay chưa có một nghiên cứu tổng thể ở tầm quốc gia", ông Huân phản ánh.

"Qua giám sát, chỉ 4,3% kiến nghị của cử tri được giải quyết"

Đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum

Qua báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trình kỳ họp lần này, tôi rất băn khoăn vì tỷ lệ kiến nghị của cử tri đã được trả lời đạt 99,7% nhưng số kiến nghị đã được giải quyết rất thấp, chỉ có 95/2.216 kiến nghị, đạt 4,3%.

Đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum

Đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum

Nội dung trả lời kiến nghị của cử tri được tổng hợp báo cáo chủ yếu là đã được cơ quan nhà nước giải trình, cung cấp thông tin. Cụ thể, số kiến nghị được giải trình cung cấp thông tin là 1.865/2.216 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 84% so với tổng số kiến nghị của cử tri được gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đề nghị Quốc hội quan tâm hơn đến kết quả giải quyết kiến nghị hậu giám sát. Theo tôi, số liệu này rất cần được giám sát để làm rõ, nội dung kiến nghị nào chỉ cần giải trình cung cấp thông tin là đủ, nội dung kiến nghị nào cơ quan nhà nước phải giải quyết, trả lời đúng theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tu-112025-bat-buoc-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-giam-sat-toi-cao-van-de-moi-truong-post346292.html