Từ bóng đá đến kinh tế, Việt Nam đang bứt phá nhanh hơn Thái Lan
Không chỉ trên sân cỏ, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục 'giữ ngôi vương' về tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 6,4% trong năm 2024, gần gấp 3 lần so với Thái Lan (2,6%).
Ngoài ra, ADB nhấn mạnh rằng tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á đạt mức 4,7% năm 2024, cao hơn dự báo ban đầu là 4,5%.
Và kết quả thực tế cho thấy mức tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với dự báo, đạt mức 7,09%. Trong khi Thái Lan chưa công bố số liệu tăng trưởng chính thức, nhưng dự báo từ Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết nền kinh tế nước này sẽ tăng 2,7% năm 2024, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2023.
Bước sang năm 2025, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục được ADB dự báo đạt 6,6%, duy trì vị trí dẫn đầu khu vực nhờ không ngừng cải thiện về xuất khẩu, chi tiêu công và những biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả.
Bên cạnh Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong năm 2024 và dự báo tiếp tục bùng nổ trong năm 2025.
Trong đó, Philippines dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6% và 6,2% năm 2025 nhờ tăng chi tiêu hộ gia đình và đầu tư công quy mô lớn.
Tăng trưởng GDP của Malaysia cũng dự báo đạt 5% trong năm 2024 và 4,6% trong năm 2025 nhờ đà hồi phục xuất khẩu và đầu tư công nghệ cao.
Là nền kinh tế lớn nhất khu vực, Indonesia được dự báo duy trì mức tăng trưởng ổn định 5,2% trong cả hai năm 2024 và 2025, nhờ vào nguồn lực tài nguyên phong phú và dần đầu khu vực về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đà tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á đang bứt phá rõ rệt, Thái Lan trở thành điểm sáng yếu khi chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn. Dù Thái Lan hưởng lợi từ sự phục hồi ngành du lịch và tăng chi tiêu công, mức tăng trưởng dự báo chỉ đạt 2,6-2,7% năm 2024 và dự báo chỉ nhích lên 2,7% năm 2025.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), quy mô GDP của Việt Nam chỉ đạt 8,22 tỷ USD, kém xa Thái Lan với 88 tỷ USD vào năm 1990. Tuy nhiên, sau hơn 3 thập niên, quy mô GDP Việt Nam trong năm 2024 dự kiến đạt 448,4 tỷ USD, thu hẹp rõ rệt so với Thái Lan dự kiến đạt 528,9 tỷ USD.
Thậm chí, IMF dự báo rằng Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan vào năm 2028 với GDP đạt 628 tỷ USD, đứng thứ 32 trên thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia.
Mặc dù triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng rất tích cực, ADB vẫn cảnh báo rằng khu vực này sẽ phải đối mặt với những thách thức đến từ căng thẳng địa chính trị, xu hướng phân cực thương mại toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.
Dù vậy, với đà tăng trưởng hiện tại, các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Malaysia đang chứng minh rằng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.