Từ cao tốc nghĩ đến đường tránh Huế
Đến thời điểm này, dư âm buồn từ vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng 18/2 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vẫn chưa nguôi; các ban, ngành chức năng đang tiếp tục họp bàn đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến. Từ thực trạng này, chúng tôi lại nghĩ về đường tránh phía tây TP. Huế (đường tránh Huế), thuộc QL1A vì nhận thấy nhiều sự tương đồng.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98km kết nối cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng). Sáng 18/2 vừa qua, tại Km48+200 đi qua địa bàn Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã xảy ra vụ TNGT khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Lực lượng chức năng xác định do tài xế ô tô con vượt sai quy định. Tuy nhiên qua phân tích của các nhà quản lý, chuyên gia giao thông nêu ra những bất cập của tuyến đường này có phần ảnh hưởng đến vụ TNGT nói trên. Đó là chỉ có 2 làn đường và đa phần không có dải phân cách cứng ở giữa. Một số đoạn trên tuyến “nút thắt cổ chai”; gần như không có hệ thống đèn chiếu sáng, không có hệ thống camera giám sát...
Tại cuộc họp bàn giải pháp ATGT trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào ngày 21/2 mới đây ở UBND tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn là do bất cập hạ tầng giao thông trên tuyến, đặc biệt tại vị trí xảy ra tai nạn do thiết kế nền đường “bó hẹp, thắt cổ chai”, cần sớm có giải pháp xử lý, khắc phục.
Một tài xế ở TP. Huế thường điều khiển phương tiện trên cao tốc cho rằng, việc lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn luôn rình rập nguy hiểm do đường hẹp, chỉ có 1 làn chạy và 1 làn khẩn cấp. Toàn tuyến phần lớn phân cách bằng vạch liền, có những đoạn vạch đứt và có những đoạn 2 làn đường riêng biệt để mục đích cho các xe vượt nhau nhưng trên thực tế, việc vượt xe trên cao tốc này dễ gây TNGT. Theo tài xế này, nhiều đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên xuống đồi dốc rất nhiều, khá nhiều khúc cua tay áo, nếu không giữ làn tốt vào cua rất dễ đâm vào xe bên làn ngược lại, nhất là xe tải container lớn…
Nghĩ lại tuyến tránh Huế với chiều dài hơn 35km, hàng ngày có lưu lượng xe qua lại khá dày; trong khi đó đang tồn tại nhiều hạn chế. Mới đây chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế đường tránh Huế, từ điểm đầu tại phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) và điểm cuối kết thúc tại phường Phú Bài (TX. Hương Thủy) cũng chỉ có 2 làn đường và ở giữa không có dải phân cách cứng. Nhiều đoạn quanh co, nền đắp cao nhưng hệ thống thoát nước dọc tuyến hẹp và nong nên vào mùa mưa, nước từ các sườn núi đổ về không thoát kịp dễ phá lề, làm mặt đường xuống cấp, hư hỏng. Hiện tại, nhiều đoạn qua địa bàn TX. Hương Thủy, TP. Huế mặt đường xuất hiện những hằn lún kéo dài khá rõ. Nhiều điểm hư hỏng thường xuất hiện chủ yếu ở phía trong vạch sơn phân chia làn giữa làn xe cơ giới và làn thô sơ làm mặt đường bị nứt gãy, nổi "sóng trâu" nếu xe chạy nhanh và vào ban đêm thì khá nguy hiểm.
Theo phản ánh của giới tài xế đường dài, chỉ riêng đoạn tránh Huế qua địa bàn phường Phú Bài đã thấy đường mấp mô, nhiều đoạn cua đường hẹp, một số đoạn chưa thực sự an toàn với xe 2 bánh nên tài xế phải căng mắt, vì lo sợ gặp tai nạn, nếu như không "cứng" tay lái hoặc quen đường.
Anh Lê Văn Nam, tài xế xe khách đường dài Bắc - Nam, trú tại tỉnh Nam Định chia sẻ: "Đường tránh Huế nhiều điểm hằn lún, nhanh xuống cấp. Hiện nay có nhiều xe tải lớn chở hàng hóa qua lại khiến đường xuống cấp nhanh. Sợ hơn khi các xe máy phóng nhanh, vượt ẩu trên tuyến rất nguy hiểm, dễ trượt ngã, gây TNGT”.
Thực tế những năm qua đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường tránh Huế. Đặc biệt vào tối 9/11/2022, tại Km17+500 đường tránh Huế, qua địa bàn xã Hương Thọ, TP. Huế xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe ô tô tải và xe khách. Hậu quả có 2 người tử vong, 13 người khác bị thương và hai phương tiện đều bị hư hỏng nặng. Những người làm công tác chuyên môn đều cho rằng, nếu lúc đó đoạn đường có dải phân cách nằm giữa thì đã không xảy ra tai nạn thảm khốc.
Nhiều lần trao đổi lãnh đạo đơn vị quản lý (Chi cục Quản lý đường bộ II.6 - Cục Quản lý đường bộ 2, Bộ Giao thông Vận tải) thì hàng năm, đường tránh Huế thường được kiểm tra hạ tầng tuyến để phối hợp cùng với đơn vị bảo trì, duy tu sửa chữa, như vá ổ gà; cào bóc các vết trồi lún, tái chế mặt đường bằng phẳng...
Đường tránh Huế là tuyến huyết mạch, hàng ngày luôn phải "gánh" lượng xe qua lại khá đông không chỉ phục vụ vận tải khách Bắc - Nam và các công trình trọng điểm ở địa phương nên nhanh xuống cấp là dễ hiểu. Vấn đề ở đây là các ban, ngành chức năng của Bộ GTVT và địa phương cần sớm quan tâm, có giải pháp bảo đảm ATGT trên tuyến, ngoài việc khắc phục nâng cấp hạ tầng lòng, lề, mặt đường, dải phân cách, biển hiệu, biển báo…, lực lượng chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để mọi người, phương tiện có ý thức hơn khi tham gia giao thông trên tuyến này.