Tự chủ sản xuất thép trong nước

Tự chủ về sản xuất thép trong nước được xem là yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, bởi đây là một ngành công nghiệp nền tảng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như giúp thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế,...

Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên. (Ảnh: nhandan.vn)

Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên. (Ảnh: nhandan.vn)

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngành thép Việt Nam đang có dấu hiệu mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn (sản xuất phôi, thép cán nóng) và hạ nguồn (sản xuất tôn, ống thép, thép thành phẩm). Các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng đang dư thừa nguồn cung, nhưng thép hợp kim, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC) - một nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành như: tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng lại chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường do năng lực sản xuất trong nước hạn chế, dẫn đến phải liên tục nhập khẩu số lượng lớn.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện năng lực sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp trong nước khoảng 27 triệu tấn/năm, trong đó thép xây dựng sản xuất khoảng 14 triệu tấn, bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu. Nhưng với HRC, Việt Nam cũng chỉ sản xuất và đáp ứng được khoảng 8 triệu tấn/năm trong tổng số 12 triệu tấn/năm nhu cầu thực tế của thị trường.

Để bù đắp thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tìm đến nguồn nhập khẩu dồi dào với chi phí thậm chí rẻ hơn trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn HRC, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn hai lần cùng kỳ năm 2023.

Sự gia tăng mạnh mẽ của thép nhập khẩu, đặc biệt là HRC đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguyên nhân là do những năm gần đây, ngành thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, phải đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung và họ đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư sang các nước khác.

Thậm chí nhiều công ty thép Trung Quốc đã và đang chấp nhận bán lỗ dưới giá vốn để đưa được sản phẩm ra bên ngoài. Giá HRC Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm mạnh từ 613 USD/tấn vào đầu năm 2023 xuống quanh mức 540 USD/tấn vào cuối tháng 5 vừa qua. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với một số sản phẩm thép như HRC, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được nhưng số lượng nhập khẩu ngày càng lớn thì đó là nghịch lý. Kéo dài tình trạng nhập khẩu HRC nhiều hơn cả lượng sản xuất như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, rủi ro mất cân bằng cán cân thương mại, “chảy máu” ngoại tệ và làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Nhà nước cần sớm có các định hướng, xây dựng chính sách cụ thể để phát triển bền vững ngành luyện kim trong nước, đặc biệt là các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế tạo máy, bảo vệ sản xuất trong nước và chỉ khuyến khích nhập khẩu một số chủng loại thép Việt Nam chưa sản xuất được.

Về lâu dài, cần đưa ra chính sách thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn theo vùng để phục vụ nhu cầu trong nước, tự chủ sản xuất để giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có ý thức nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu; đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, dần chuyển dịch sản xuất theo xu hướng sử dụng năng lượng xanh, sạch, tuần hoàn. Nếu tự chủ được sản xuất, ngành thép Việt Nam sẽ giúp ổn định thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tu-chu-san-xuat-thep-trong-nuoc-5010667.html