Tự hào vùng đất cực Nam
Lần đầu tiên, trong Văn kiện của Ðảng ta tại Ðại hội khóa XIII, thuật ngữ 'sức mạnh mềm văn hóa' được khẳng định là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực, động lực to lớn để đất nước phát triển thịnh vượng và hội nhập quốc tế.
Đặt trong lịch sử 4 ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, vùng đất mới Cà Mau khoảng 300 năm hình thành với truyền thống lịch sử - văn hóa hiện hữu qua số lượng gần 100 di sản văn hóa, cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng. Ðó không phải ngẫu nhiên mà là sự kết tinh văn hóa hàng trăm năm của bao lớp người đến khai hoang, mở cõi vùng đất Cà Mau. Ðó là niềm tự hào lớn lao, nguồn lực nội sinh quan trọng cho tương lai phát triển.
“Sức mạnh mềm văn hóa” được xác định là sức mạnh nội sinh, là đôi cánh nâng đỡ, tạo bệ phóng thúc đẩy sự bứt phá phát triển mạnh mẽ và bền vững của Cà Mau. Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau, khẳng định: “Tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa và khí chất con người chính là những kho báu của Cà Mau trong phát triển kinh tế du lịch. Ðó cũng là cách để Cà Mau lan tỏa, phát huy sức mạnh mềm văn hóa gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương”.
Một người bạn đã nói với chúng tôi rằng: “Cà Mau đất lạ! Ai đến thời thương, đi thời thấy nhớ!”. Cà Mau gợi nhớ thương từ tên đất, dáng sông, màu nước đỏ giữa hương tràm bát ngát, sắc đước xanh hòa lẫn màu trời xanh biêng biếc bãi bờ, hay trong chạng vạng chiều thôn xóm, tiếng song loan nâng nhịp giọng ai tha thiết tự tình theo hồn điệu vọng cổ phương Nam mênh mang sông nước...
Cà Mau đẹp bởi thế đất thiêng liêng ở chóp cùng địa đầu cực Nam Tổ quốc, là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với những cụm đảo tiền tiêu án ngữ; vững chãi “đôi chân” rừng tràm, rừng đước và trăm sông như những mạch máu nặng đầy phù sa mới bồi tụ, nuôi dưỡng cho vùng đất mới sinh sôi. Xóm làng quần cư nơi những dòng sông gặp gỡ, lắng đọng thành nhịp sống, nết đất, tánh người.
Thương lắm xứ sở của mấy trăm năm, từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi, dừng chân nơi cùng trời cuối đất để tựa rừng, nương biển, bám sông, đoàn kết yêu thương nhau vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy, kẻ thù để gầy dựng, gìn giữ, vun đắp và truyền lại cho hậu thế một quê hương giàu đẹp, tự hào. Những dấu xưa của tiền nhân đã kết tụ nên phong vị, hồn cốt riêng có của hồn đất, tình người.
Về Cà Mau, đất trời và lòng người đều rộng lớn. Ai đến cũng là thượng khách, ai đến đều là người thân. Bởi vậy, dù lên rừng, xuống biển, ra đồng hay xuôi ngược theo những triền sông, đâu đâu cũng là những cuộc hội ngộ ăm ắp hương vị, nghĩa tình. Không cần cầu kỳ, cao sang, vẫn là những món ăn từ thời mở đất đó thôi, cá lóc nướng trui, nồi lẩu mắm rau rừng, hay cua, tôm, cá đủ loại sẵn có và bằng tấm lòng thảo thơm, hào sảng của con người đã biến tấu thành giai điệu kỳ diệu của ẩm thực, làm vương vấn du khách muôn phương.
Ðất mới vẫn vang vọng linh khí ngàn đời của cội nguồn dân tộc. Mấy trăm năm mở đất, người Cà Mau có Ðền thờ Vua Hùng khói hương không dứt ở đất Giao Khẩu (thuộc xã Tân Phú, huyện Thới Bình). Miền biển Sông Ðốc rộn ràng Lễ hội Nghinh Ông vào độ Rằm tháng Hai âm lịch hằng năm, hay Lễ hội Vía Bà Thủy Long gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng sông nước Ðầm Dơi. Những sắc vua phong thần gắn với tên đất, tên làng và công đức cao dày của tiền nhân...
Con người Cà Mau phóng khoáng, can trường, nhân nghĩa, thủy chung, đã cùng nhau viết nên những trang sử oanh liệt, hào hùng xuyên suốt hành trình mở đất, giữ đất, xây dựng quê hương. Trong thời đại Hồ Chí Minh, đất và người Cà Mau sắt son một ý chí, một tấm lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ để tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của xứ sở. Khảm vào đất này là những dấu nhớ, niềm tự hào vô biên của chiến công nối tiếp chiến công, những con người anh hùng đã hóa bất tử thành tên đất, tên làng.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kỳ vọng: “Giới thiệu, lan tỏa bản sắc văn hóa, hình ảnh đất và người Cà Mau để bạn bè khắp nơi biết đến, hiểu thêm, tìm tới, tin yêu sẽ mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà”. Không chỉ là sự bứt phá lĩnh vực du lịch, “sức mạnh mềm văn hóa” của Cà Mau còn là một ưu thế nổi trội, riêng có để thu hút, thuyết phục những đối tác chiến lược quan tâm, lựa chọn đầu tư, cam kết đồng hành cùng Cà Mau cho những mục tiêu phát triển cao hơn, xa hơn trong mọi lĩnh vực.
Tràm, đước vẫn xanh dáng hình xứ sở. Trăm sông thủy chung ôm ấp những làng quê trù phú, yên bình. Phía biển đảo thiêng liêng của trời Nam Tổ quốc bừng lên khát vọng của tương lai. Những di sản quý báu của tiền nhân đang được hậu thế giữ gìn, lan tỏa, phát huy như đôi cánh chắp thêm sức mạnh để Cà Mau cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình bằng tất cả sức vóc và sự duyên dáng trọn nhớ, vẹn thương.
Ðến nay, tỉnh Cà Mau có 55 di tích lịch sử - văn hóa (di sản văn hóa vật thể) được xếp hạng; trong đó có 12 di tích quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh.
Năm 2017, tỉnh Cà Mau công bố danh mục 40 di sản văn hóa phi vật thể, ở 6 loại hình. Ðến thời điểm hiện tại, Cà Mau có 6 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghề gác kèo ong, Nghề muối ba khía, Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Nghệ thuật Nhạc trống lớn của dân tộc Khmer tỉnh Cà Mau, Nghề làm tôm khô và Lễ hội Vía Bà Thủy Long. Riêng Nghệ thuật Ðờn ca tài tử (di sản chung với các tỉnh Nam Bộ) được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tu-hao-vung-dat-cuc-nam-a36661.html