Từ hạt thóc đặc sản đến món cốm đạt OCOP 3 sao
Đến nay, nhiều người dân trồng lúa Khẩu Nua Lếch ở Ngân Sơn cũng không biết tường tận giống lúa bản địa ngon nức tiếng này có tự bao giờ. Gạo nếp Khẩu Nua Lếch là đặc sản của huyện Ngân Sơn, được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2015. Sản phẩm gạo của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Khẩu Nua Lếch là giống lúa nếp bản địa quý, được đồng bào các dân tộc huyện Ngân Sơn duy trì canh tác từ lâu đời, tập trung nhiều tại 4 xã gồm: Thượng Quan, Thượng Ân, Thuần Mang, Cốc Đán.
Lúa nếp Khẩu Nua Lếch có đặc trưng riêng với những giá trị vượt trội là khi nấu gạo rất dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt; cây lúa chống chịu tốt với sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh… Sự khác biệt ấy làm nên “danh tiếng” Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn.
Hạt gạo của giống lúa nếp này tròn, màu trắng sáng. Theo lý giải của người dân địa phương, giống lúa này có tên gọi là “Gạo nếp thép” là bởi hạt gạo có màu giống như màu của thép, cũng mang hàm ý là rất quý giá. Dù hiểu theo cách nào thì khi nhắc đến gạo nếp Khẩu Nua Lếch là nói đến giống lúa quý đã gắn liền với đời sống, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc xã Thượng Quan nói riêng và huyện Ngân Sơn nói chung.
Để tận mắt chiêm ngưỡng những bông lúa đang thì làm cốm trên cánh đồng xanh mướt, chúng tôi đến cánh đồng lúa thôn Nà Ngần. Còn chưa bước chân xuống đồng mà đã thấy hương lúa thơm ngào ngạt. Bà Hoàng Thị Pèng ở thôn Nà Ngần, xã Thượng Quan đang thoăn thoắt hái lúa làm cốm bằng một con dao nhỏ. Con dao hái này được làm riêng để thu lúa làm cốm, vì lúa nếp Khẩu Nua Lếch chỉ thu riêng phần bông lúa. Nhà bà Pèng có 5.000m2 đất trồng lúa, mỗi năm một vụ cấy vào khoảng tháng 4 và thu hoạch vào khoảng tháng 9-10. Từ nhỏ bà đã thấy gia đình mình luôn duy trì diện tích đất này để trồng nếp Khẩu Nua Lếch, sản phẩm chưa bao giờ đủ để bán. Hạt thóc ngậm sữa thường được bà con chế biến làm cốm. Món cốm thơm dẻo làm từ giống lúa đặc sản này cũng đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Đồng chí Hoàng Văn Ngân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khẩu Nua Lếch đã trở thành cây trồng chủ lực hàng hóa của xã, diện tích duy trì trồng mỗi vụ khoảng 40ha, trong đó một phần sản phẩm được chế biến thành cốm. Hiện đang vào mùa cốm, người dân tập trung hái lúa vào buổi sáng sớm, khi tan sương bà con đưa thóc về nhà để chế biến. Đến quá trưa, sản phẩm cốm được các thương lái đến lấy và mang đi tiêu thụ.
Cốm Khẩu Nua Lếch Thượng Quan được bán ra nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Nhờ có chất lượng tốt, sản phẩm cốm Thượng Quan đã được huyện Ngân Sơn quan tâm hỗ trợ quảng bá thông qua hình thức tổ chức ngày hội cốm. Trong các ngày 13, 14/10, hội cốm diễn ra tại trung tâm xã Thương Quan với nhiều hoạt động như: Thi giã cốm Khẩu Nua Lếch giữa các xã, thị trấn trong huyện; liên hoan hát dân ca - dân vũ. Cùng với trải nghiệm cách làm cốm truyền thống, thăm cánh đồng Khẩu Nua Lếch, du khách đến với hội cốm dịp này còn có cơ hội tham quan, trải nghiệm tại các vùng sản xuất và danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của huyện Ngân Sơn như đến thăm các vườn dẻ ở các xã phía Bắc huyện như Đức Vân, Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân...; thư giãn tại hồ Bản Chang, thăm Khu di tích lịch sử Khau Pàn (xã Đức Vân); di tích lịch sử Coỏng Tát ( xã Thượ
ng Ân) – địa điểm thành lập Chi bộ Chí Kiên, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn hay địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào (xã Cốc Đán)./.