Từ khai thác tài nguyên đến làm chủ tri thức: Hướng đi mới cho doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh

Để xây dựng lực lượng doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh thành động lực chiến lược và chủ thể đổi mới sáng tạo, tỉnh cần thay đổi tư duy phát triển – từ phụ thuộc vào tài nguyên sang dựa vào tri thức và công nghệ.

Lời tòa soạn:

Nằm trong tuyến bài với chủ đề: Nhận diện thời cơ, thuận lợi và khó khăn để Quảng Ninh phát triển công nghiệp xanh, bền vững của TS.LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng tiếp tục giới thiệu bài viết thứ 6 với nhan đề: Từ khai thác tài nguyên đến làm chủ tri thức: Hướng đi mới cho doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh.

Các bài viết trước:

Bài 1: Phân tích điểm mạnh - điểm yếu phát triển công nghiệp Quảng Ninh

Bài 2: Phân tích chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế xanh

Bài 3: Giải pháp khắc phục điểm nghẽn quy hoạch điện cho phát triển công nghiệp Quảng Ninh

Bài 4: Giải pháp phát triển toàn diện các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Bài 5: Xây dựng và định vị thương hiệu Quảng Ninh - Tỉnh công nghiệp xanh gắn với di sản và du lịch xanh

I. Thực trạng điển hình của doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh

Thực trạng doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Ninh hiện nay cho thấy nhiều đặc điểm điển hình cần được nhìn nhận và xử lý một cách bài bản. Đầu tiên là nhóm doanh nghiệp gia đình thế hệ F1, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tư nhân địa phương. Các doanh nghiệp này thường có phong cách quản trị mang tính cảm tính, thiếu chiến lược dài hạn và đặc biệt chưa có sự chuẩn bị rõ ràng cho việc chuyển giao thế hệ F2. Điều này gây cản trở lớn cho quá trình chuyên nghiệp hóa và mở rộng quy mô.

Tiếp theo là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, dịch vụ khai thác, vốn gắn liền với lợi thế tự nhiên của tỉnh như vịnh Hạ Long, cảng biển, than. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại có xu hướng phụ thuộc nhiều vào tài nguyên, ít đầu tư vào đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi thị trường biến động hoặc nguồn tài nguyên bị siết chặt, doanh nghiệp dễ rơi vào khủng hoảng.

Một nhóm khác là các doanh nghiệp chế biến nông – lâm – hải sản. Hầu hết quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu còn thô, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc thiếu liên kết chuỗi, hạn chế về vốn và công nghệ khiến nhóm doanh nghiệp này khó gia tăng giá trị, khó cạnh tranh trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do đồng bào dân tộc thiểu số sở hữu thường có quy mô nhỏ, hạn chế trong kỹ năng quản trị và ít có khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tín dụng hoặc công nghệ. Điều này gây ra sự phân hóa và tụt hậu trong nội bộ hệ thống doanh nghiệp tư nhân của tỉnh.

Cuối cùng, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp tuy cho thấy sự sáng tạo và năng động nhưng lại đối mặt với nhiều khó khăn về vốn và hệ sinh thái hỗ trợ chưa đầy đủ. Việc thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương và đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp khiến nhiều ý tưởng tiềm năng không được phát triển đúng mức hoặc sớm bị loại khỏi thị trường.

Tổng thể, các thách thức này đang tạo ra “nút thắt kép” về năng lực nội tại và môi trường hỗ trợ, đòi hỏi Quảng Ninh cần có những chính sách mạnh mẽ, phân nhóm cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.

II. Định hướng chuyển đổi mô hình phát triển doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh

2.1. Chuyển từ khai thác sang sáng tạo

Định hướng chuyển đổi mô hình phát triển doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Ninh trong giai đoạn mới trước tiên cần đặt trọng tâm vào việc chuyển từ khai thác sang sáng tạo. Đây là bước chuyển chiến lược nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên như than, biển, rừng – những lĩnh vực vốn đã bị khai thác quá mức và không còn bền vững trong dài hạn.

Trọng tâm của chuyển đổi là chấm dứt dần mô hình doanh nghiệp tư nhân dựa vào khai thác tài nguyên thô, thay vào đó là phát triển các doanh nghiệp có tính sáng tạo cao, biết ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng. Các lĩnh vực được ưu tiên gồm:

- Du lịch thông minh, trong đó áp dụng các công nghệ như thực tế ảo (VR) để tái hiện trải nghiệm khám phá Vịnh Hạ Long, mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch cao cấp, cá nhân hóa và bền vững.

- Chế biến sâu nông – lâm – thủy sản, ứng dụng các công nghệ như AI và IoT trong bảo quản, vận hành chuỗi logistics, giúp gia tăng chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và hướng đến xuất khẩu.

- Công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ ngành năng lượng tái tạo, đóng tàu và logistics xanh, đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn và phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

Sự chuyển dịch này sẽ tạo ra lớp doanh nghiệp tư nhân mới có năng lực sáng tạo, khả năng thích ứng với biến động toàn cầu và góp phần nâng cao chất lượng phát triển kinh tế của Quảng Ninh theo hướng xanh, bền vững và hiện đại.

2.2.Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp sáng tạo

Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển và hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân bền vững, Quảng Ninh cần thiết lập Trung tâm đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Trung tâm này nên được đặt tại thành phố Hạ Long, gắn kết trực tiếp với Đại học Hạ Long – nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – và hợp tác cùng các tập đoàn lớn đang đầu tư hoặc hoạt động tại tỉnh như Vinacomin, Sun Group, THACO... Mô hình trung tâm không chỉ đóng vai trò là nơi nghiên cứu – thử nghiệm công nghệ, mà còn là điểm kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và chính quyền.

Song song, tỉnh cần hỗ trợ phát triển các start-up công nghệ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) theo hướng đổi mới sáng tạo. Các lĩnh vực được ưu tiên là công nghiệp phụ trợ, sản xuất phần mềm và công nghệ du lịch, nhằm tận dụng thế mạnh sẵn có về hạ tầng, thị trường và du lịch địa phương. Hỗ trợ có thể dưới dạng tài chính khởi nghiệp, không gian làm việc chung (co-working), cố vấn (mentoring), kết nối thị trường và các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Cách làm này sẽ giúp hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đặc thù của Quảng Ninh, vừa mang bản sắc địa phương, vừa bắt nhịp với xu hướng công nghệ toàn cầu.

III. Chiến lược phát triển doanh nhân tư nhân làm chủ công nghệ

3.1. Đào tạo doanh nhân thế hệ mới

Để nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân địa phương, Quảng Ninh cần thành lập Học viện Doanh nhân Quảng Ninh – một trung tâm đào tạo chuyên sâu và bài bản dành cho doanh nghiệp tư nhân. Học viện có thể vận hành theo mô hình hợp tác công – tư, với sự phối hợp giữa tỉnh và các trường đại học uy tín như Đại học Ngoại thương (FTU), Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), VinUni... Qua đó, chương trình giảng dạy sẽ bảo đảm tính cập nhật, thực tiễn và theo chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo chuyên đề như “Doanh nhân chuyển đổi số”, “Quản trị ESG” (môi trường, xã hội, quản trị) và “Quản trị chiến lược công nghệ”. Đây là những năng lực cốt lõi giúp doanh nghiệp thích nghi với yêu cầu phát triển bền vững, minh bạch và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa. Các chương trình nên áp dụng phương pháp học qua tình huống, mô phỏng thực tế và đi thực địa tại các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi.

Việc đầu tư vào giáo dục và huấn luyện thế hệ doanh nhân mới sẽ là nền tảng vững chắc để Quảng Ninh bứt phá trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

3.2. Bồi dưỡng lớp doanh nhân kế cận

Bồi dưỡng lớp doanh nhân kế cận là một định hướng chiến lược quan trọng của Quảng Ninh nhằm xây dựng lực lượng doanh nhân trẻ có tư duy hiện đại, sáng tạo và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Tỉnh nên tổ chức các hoạt động thường niên như “Hội trại doanh nhân trẻ” và “Diễn đàn doanh nhân sáng tạo” để tạo sân chơi, kết nối và phát triển năng lực cho thế hệ doanh nhân F2, F3. Đồng thời, cần khuyến khích các gia đình doanh nghiệp tư nhân có lộ trình đào tạo và chuyển giao thế hệ kế thừa, theo hướng hiện đại hóa quản trị, số hóa vận hành và hội nhập quốc tế.

Về chiến lược thể chế và hạ tầng phát triển doanh nghiệp tư nhân, tỉnh cần chuyển từ chính sách dàn trải sang thiết kế chương trình chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp, nhằm tăng tính hiệu quả và sát thực tiễn.

Với doanh nghiệp gia đình thế hệ F1, tỉnh nên tổ chức chuỗi chương trình “Chuyển giao thế hệ F1 – F2”, hỗ trợ xây dựng chiến lược kế thừa, định hướng quản trị chuyên nghiệp, minh bạch hơn.

Với doanh nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, nên thành lập “Học viện doanh nhân bản địa”, tổ chức các khóa đào tạo miễn phí về kỹ năng quản lý, tài chính, pháp lý và tiếp cận chính sách. Song song, cần tạo các quỹ tín dụng vi mô hoặc ưu đãi riêng hỗ trợ doanh nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa.

Đối với start-up, F2 và doanh nhân trẻ, nên thành lập “Vườn ươm doanh nghiệp sáng tạo Quảng Ninh”, kết nối với các quỹ đầu tư như Vinacapital, Shark Tank, và tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh để phát hiện, nuôi dưỡng ý tưởng mới.

Đặc biệt, tỉnh cần triển khai chương trình “Doanh nhân Quảng Ninh 4.0” với mục tiêu đào tạo 1.000 doanh nhân tư nhân nòng cốt giai đoạn 2025–2030. Chương trình nên hợp tác với các tổ chức như VCCI, SMEDEC, cũng như đội ngũ doanh nhân thành đạt để đào tạo các nội dung cốt lõi như: quản trị công ty, tài chính doanh nghiệp, marketing số, quản lý nhân sự. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ (AI, ERP, CRM) vào mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau đào tạo, tỉnh cần cấp chứng chỉ doanh nhân Quảng Ninh, làm cơ sở hình thành mạng lưới doanh nhân tinh hoa – hạt nhân của sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

3.3. Hoàn thiện thể chế “Chính quyền phục vụ doanh nghiệp tư nhân”

Để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tư nhân, Quảng Ninh cần xây dựng Cổng hỗ trợ một cửa dành riêng cho khu vực này. Cổng sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn đầu tư công nghệ, hỗ trợ pháp lý, tiếp cận tín dụng, chuyển đổi số, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và các chính sách ưu đãi – nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân hoạt động thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Song song, tỉnh nên thành lập Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh, gồm ba cấu phần: quỹ góp vốn cho các dự án tiềm năng, quỹ bảo lãnh tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn, và quỹ nghiên cứu – phát triển (R&D) hỗ trợ đổi mới công nghệ, sản phẩm mới và phát triển bền vững.

Về chuyển đổi số, cần đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tiếp cận phần mềm kế toán số, hệ thống ERP, các nền tảng thương mại điện tử, cũng như sàn thương mại số cấp tỉnh để mở rộng kênh bán hàng, quản lý hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh.

Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tỉnh nên tổ chức hàng năm cuộc thi “Ý tưởng đổi mới doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh”, nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo trong quản trị, sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh. Các ý tưởng xuất sắc cần được hỗ trợ ươm tạo và có cơ chế tài trợ từ quỹ phát triển doanh nghiệp.

3.4. Phát triển hạ tầng công nghệ hỗ trợ DN tư nhân

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, Quảng Ninh cần quy hoạch các cụm công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo tại các khu vực tiềm năng như Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều. Đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số, sản xuất thông minh, và công nghiệp phụ trợ hiện đại.

Tỉnh cũng cần ưu tiên đầu tư hạ tầng số, gồm các trung tâm dữ liệu, trạm phát sóng 5G, trung tâm logistics số và trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ doanh nghiệp. Hạ tầng số vững mạnh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi mô hình kinh doanh và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một giải pháp quan trọng khác là phát triển Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm này đóng vai trò đầu mối cung cấp tư vấn pháp lý, đào tạo chuyên sâu, phổ biến chính sách mới, kết nối với thị trường và các đối tác trong – ngoài nước. Đây sẽ là “bệ đỡ” thực chất giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực toàn diện.

Đồng thời, Quảng Ninh cần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ. Cụ thể, cần củng cố Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh thành tổ chức đại diện có thực lực, có tiếng nói với chính quyền tỉnh và có vai trò dẫn dắt về chính sách, chiến lược phát triển. Mỗi phường, xã cũng nên có câu lạc bộ doanh nhân trẻ để tạo không gian liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây chính là nền tảng xã hội để phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân tại địa phương.

3.5. Chiến lược liên kết vùng và quốc tế hóa lực lượng doanh nghiệp tư nhân

Để đưa doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh “ra biển lớn”, cần chủ động liên kết vùng sáng tạo với Hải Phòng – Hà Nội – Bắc Ninh, hình thành tam giác sáng tạo công nghệ và công nghiệp phụ trợ. Trong tam giác này, Quảng Ninh có thể tập trung vào các lĩnh vực chế biến sâu, sản xuất điện tử, công nghiệp xanh, tạo ra hệ sinh thái liên vùng hấp dẫn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu – những đối tác có tiêu chuẩn cao và nhu cầu kết nối địa phương lớn. Các doanh nghiệp Quảng Ninh cần được chuẩn bị đầy đủ về năng lực kỹ thuật, quản trị và chứng chỉ tiêu chuẩn để tận dụng cơ hội này.

Song song, cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế chuyên biệt dành riêng cho doanh nghiệp tư nhân, giúp họ tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và tiếp cận công nghệ mới. Tỉnh cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc tế và đạt được các chứng chỉ quan trọng như công nghệ xanh, CBAM (thuế biên giới carbon), ESG (môi trường – xã hội – quản trị) và tín chỉ carbon. Đây là những yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu trong thời kỳ mới.

Cuối cùng, cần mạnh dạn đề xuất xây dựng vùng đổi mới thể chế thử nghiệm dành riêng cho doanh nghiệp tư nhân tại các khu vực chiến lược như Khu kinh tế Vân Đồn và Đông Triều. Tại đây, có thể áp dụng các chính sách linh hoạt, sáng tạo về thuế, đất đai, đầu tư – tạo “phòng thí nghiệm thể chế” để thúc đẩy đổi mới mô hình kinh doanh và phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân.

3.6. Xây dựng cơ chế “Bệ đỡ chính sách” đồng hành cùng doanh nghiệp

Để đồng hành cùng khu vực doanh nghiệp tư nhân, tỉnh cần xây dựng một cơ chế “bệ đỡ chính sách” vững chắc trên các trụ cột: tài chính, đất đai và công nghệ.

Về chính sách tài chính, tỉnh nên thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Đồng thời, cần áp dụng ưu đãi lãi suất 0–2% cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới và chuyển đổi số – đây là động lực then chốt để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân.

Về chính sách đất đai, cần quy hoạch các cụm công nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với quy mô doanh nghiệp tư nhân địa phương. Những khu vực này cần có chi phí đất sản xuất thấp, thủ tục đơn giản và cơ chế một cửa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Về chính sách công nghệ, tỉnh cần triển khai hỗ trợ 30–50% kinh phí cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông – hải sản ứng dụng công nghệ mới như: sấy khô, chế biến sâu, bảo quản lạnh, logistics thông minh. Đây là biện pháp thiết thực giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh.

Như vậy, việc đồng bộ hóa các chính sách tài chính – đất đai – công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân vượt qua rào cản phát triển mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá về năng suất, chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.

IV. Kết luận: “Phát triển thực chất – Bắt đầu từ con người và tổ chức lại hệ sinh thái”

Quảng Ninh hiện không thiếu số lượng doanh nghiệp tư nhân, nhưng lại thiếu nền tảng để các doanh nghiệp này trưởng thành bền vững và bứt phá về chất lượng. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh cần có một chiến lược phát triển toàn diện, lấy “nâng lực” làm trọng tâm thay vì chỉ tập trung tăng trưởng về số lượng.

Trước hết, cần đầu tư vào con người – chính là những doanh nhân thế hệ mới. Điều này bao gồm: lớp doanh nhân F2 trong các doanh nghiệp gia đình; các doanh nhân trẻ dân tộc thiểu số; và lực lượng khởi nghiệp sáng tạo đang hình thành. Việc tập trung đào tạo, huấn luyện và truyền cảm hứng cho những nhóm đối tượng này sẽ là chìa khóa tạo ra một thế hệ doanh nghiệp có tư duy hiện đại, có chiến lược dài hạn và có năng lực cạnh tranh bền vững.

Tiếp theo, tỉnh cần hệ thống hóa các chương trình đào tạo, chuyển giao thế hệ và ứng dụng công nghệ. Không thể để quá trình đào tạo doanh nhân diễn ra rời rạc, thiếu định hướng. Phải có chiến lược đào tạo bài bản từ cơ bản đến chuyên sâu, gắn với chuyển đổi số, ESG, xây dựng chuỗi giá trị, và đặc biệt là mô hình quản trị hiện đại.

Song song với đó, phải thiết lập các nền tảng hạ tầng đi kèm – bao gồm hạ tầng pháp lý (thể chế thử nghiệm, chính sách ưu đãi), hạ tầng tài chính (quỹ bảo lãnh, quỹ đầu tư mạo hiểm), hạ tầng đào tạo (học viện doanh nhân), và hạ tầng đổi mới sáng tạo (trung tâm R&D, co-working space, cụm công nghiệp đổi mới sáng tạo). Đây chính là những “bệ đỡ” để doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh có thể bứt phá và phát triển một cách thực chất.

Tổng thể, chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân Quảng Ninh trong giai đoạn mới phải hướng đến tái cấu trúc chất lượng – với trọng tâm là làm chủ công nghệ, kết nối toàn cầu và phát triển bền vững. Đây cũng là con đường để Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu vùng Đông Bắc, đồng thời sẵn sàng chinh phục các mục tiêu lớn như Net Zero, CBAM, và hội nhập thị trường công nghệ cao quốc tế.

TS, LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tu-khai-thac-tai-nguyen-den-lam-chu-tri-thuc-huong-di-moi-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-quang-ninh-100224.html