Tư liệu hữu ích cho những ai muốn hiểu về đạo Phật

Sách 'Thế giới Phật giáo', 'Trái tim của bụt' và 'Tìm hiểu Phật học phổ thông' là những tư liệu hữu ích cho các phật tử, đặc biệt là cho những ai mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật.

Hiện nay, phật tử ở Việt Nam rất đông đảo và rất nhiều người trong số họ có mong muốn/nhu cầu được tìm hiểu về lịch sử, giáo lý, văn hóa và các phương diện khác của Phật giáo.

Những cuốn sách như Thế giới Phật giáo, Trái tim của bụtTìm hiểu Phật học phổ thông là những tư liệu hữu ích cho các phật tử, đặc biệt cho những ai mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật cũng như cách sống theo lời dạy của Đức Phật.

Thế giới Phật giáo

Cuốn sách là một tuyển tập các bài viết về văn hóa và tu hành Phật giáo trên thế giới, khảo sát sinh động và cập nhật về Nghiên cứu Phật giáo cho sinh viên cũng như học giả.

Thế giới Phật giáo khám phá các loại hình Phật giáo trong khu vực và các chủ đề cốt lõi bao gồm Phật tính, nghi lễ và hành hương. Ngoài các quan điểm về lịch sử và địa chính của Phật giáo, bộ sách có các chương chuyên đề về những khái niệm triết học như đạo đức cũng như các cấu trúc và phạm trù xã hội như cộng đồng, gia đình.

Cuốn sách cũng đề cập đến Phật giáo tồn tại dưới nhiều hình thức, xem xét các cách thức mà hiện đại đang định hình lại các cấu trúc truyền thống, các học thuyết cổ xưa và niềm tin vào vũ trụ.

Thế giới Phật giáo gồm 4 phần. Phần I trình bày về thế giới Phật giáo theo dòng lịch sử và địa chính gồm 7 bài viết, có thể kể đến một số bài như: Đạo Phật và các vị Phật - John Powers; Những câu chuyện Phật giáo Ấn Độ về Đức Phật, Tăng đoàn và giáo pháp của Người - Karen C. Lang; Phật giáo ở Đông Nam Á - Craig J. Reynolds; Phật Giáo Sinitic (Hán Ngữ) tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - Scott Pacey...

Phần II trình bày về thế giới Phật giáo trong phạm trù triết học tôn giáo, gồm 10 bài viết, có thể kể đến như: Vi Diệu Pháp - Joseph Walser; Chánh pháp, kinh điển và dị giáo - Jamie Hubbard; Tịnh Độ trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Charles B. Jones; Phật tính và luận lý của thuyết phiếm thần - Douglas Duckworth...

Phần III về xã hội Phật giáo thế giới gồm 11 bài viết, có thể kể đến như: Phật giáo và giới tính - Karma Lekshe Tsomo;Lịch sử nghi lễ Phật giáo - Todd Lewis; Phép thuật và Phật giáo - Craig J. Reynold; Công đức - Douglas Osto; Tư tưởng bộ phái trong Phật giáo - David B. Gray;Cộng đồng Phật giáo - D. Mitra Barua và Mavis L. Fenn; Giáo hội Phật giáo - Các cộng đồng tu sĩ và cư sĩ tại gia - Charles S. Prebish...

Phần IV về tiểu sử của 14 nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất, đặc trưng nhất và đại diện cho Phật giáo thế giới từ xưa đến nay, có thể kể đến như: The Buddha (Đức Thế Tôn); Nagarjuna (tổ 14 Thiền Tông Ấn Độ - ngài Long Thọ, sáng lập Trung Quán Tông); Vasubandhu (tổ 21 Thiền Tông Ấn Độ - ngài Thế Thân - tác giả “Vi Diệu Pháp”); Dogen (Thiền sư Đạo Nguyên - sơ tổ Tông Tào Động - Nhật Bản); Milarepa ( ngài Milarepa - Đại hành giả Tây Tạng )...

Đặc biệt, trong 14 nhân vật lịch sử của Phật giáo thế giới còn có Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt vinh dự được nằm trong danh sách này.

Trái tim của Bụt

Cuốn sách là ghi chép tổng hợp những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Khóa học Phật Pháp Căn Bản tại Làng Mai, Loubes-Bernac, Pháp.

Những bài học đầu tiên khái quát lịch sử Phật Giáo từ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho tới nay, với một khoảng thời gian khá dài như vậy mà trước đây kinh điển chỉ được truyền tụng bằng miệng và hơn 400 năm sau khi Bụt nhập diệt, kinh điển mới được chép thành văn, vì vậy sẽ có những điều sai lầm do nhiều thế hệ Phật tử đã nhớ sai, hiểu sai ý của Bụt.

Chính vì điều đó nên Sư ông Làng Mai đã căn dặn chúng ta cần phải học kinh điển một cách khôn ngoan, đừng bị kẹt trong những câu chữ từ kinh điển.

Phần trọng tâm nhất của cuốn sách bàn về gốc rễ của đạo Phật xoay quanh Nhị Đế - Tứ Diệu Đế - Bát chánh đạo - Duyên khởi. Thế nào là khổ, tập, diệt, đạo và ta áp dụng và nhân ra các giáo lý đó trong cuộc sống hiện tại. Chánh kiến, chánh niệm, chánh ngữ, chánh tinh tấn... là gì? Chúng liên quan gì đến nhau và ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống của chính mình.

Qua những bài học được ghi chép lại, Thầy Thích Nhất Hạnh còn giảng dạy về cách để chúng ta tiếp nhận kiến thức mà không bị lầm đường lạc lối theo phương pháp văn - tư - tu. Văn là tiếp nạp những kiến thức mới, Tư là tư duy, nghiền ngẫm về những kiến thức đã được học và cuối cùng là Tu, tức đem những kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế.

Tìm hiểu Phật học phổ thông

Cuốn sách do cư sĩ Đức Minh biên soạn là một nguồn tư liệu hữu ích cho những ai muốn hiểu về đạo Phật và cách sống theo lời dạy của Đức Phật.

Cuốn sách được soạn ra nhằm mục đích xây dựng cho độc giả có được căn bản giáo lý, hiểu biết phật pháp từ thấp đến cao, mong muốn giúp các phật tử mau thấu hiểu giáo lý, thấy được chỗ quý báu của đạo giác ngộ giải thoát, có được lòng tin chân chính và vững bền tuyệt đối.

Tìm hiểu Phật Học phổ thông trình bày những kiến thức căn bản về sáu cõi luân hồi (cõi người, cõi Trời, cõi Atula, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục); cách thức quy y tam bảo (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng); mười nghiệp thiện (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân hận, không si mê); bát chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm, chính định); lục độ Ba La Mật và pháp môn niệm Phật.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập đến lợi ích của việc ăn chay, phương pháp ăn chay và những việc nên làm khi ăn chay. Tất cả đều được giải thích từ góc độ khoa học và Phật học với mong muốn giúp người đọc có được cuộc sống khỏe mạnh, an vui...

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-lieu-huu-ich-cho-nhung-ai-muon-hieu-ve-dao-phat-post1477766.html