Từ nếp nghĩ cũ đến cuộc sống mới

Tổ truyền thông cộng đồng không chỉ là cầu nối truyền tải thông tin mà còn là công cụ quan trọng trong việc thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm' của người dân, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em được bảo vệ và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Tại xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn mô hình Tổ truyền thông cộng đồng đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

Chị Hà Thị Thu Huệ là một trong 8 thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng khu Chiềng, xã Thạch Kiệt. Là người Mường, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Sơn, từ nhỏ chị đã được ông bà, cha mẹ răn dạy rằng phụ nữ phải chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, vun vén cho gia đình, làm công việc đồng ruộng, bếp núc... Phụ nữ người Mường ít tham gia việc lớn của gia đình, dòng họ, cũng ít được đi học.

Buổi tập huấn hướng dẫn vận hành tổ nhóm truyền thông cộng đồng theo sổ tay hướng dẫn của Trung ương.

Buổi tập huấn hướng dẫn vận hành tổ nhóm truyền thông cộng đồng theo sổ tay hướng dẫn của Trung ương.

Chị Huệ cho biết: “Từ khi tham gia Tổ truyền thông cộng đồng, thông qua các buổi sinh hoạt, tôi được nghe những nội dung thiết thực, giúp tôi thay đổi nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình, luật tảo hôn, các vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em.

Từ khi Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập, tôi thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức của bà con, đặc biệt là phụ nữ. Họ nhận ra rằng ngoài chăm sóc gia đình, phụ nữ cũng có thể tham gia vào công việc cộng đồng, phát triển nghề nghiệp. Các chương trình tuyên truyền về sức khỏe, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và phát triển cộng đồng đã giúp nâng cao ý thức và tạo động lực cho nhiều chị em tham gia hoạt động hơn”.

Để thực hiện triển khai Dự án 8, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn đã thành lập mô hình Tổ truyền thông cộng đồng đầu tiên gồm 8 thành viên vào năm 2023 ở khu Chiềng với sự tham gia của trưởng khu dân cư, bí thư chi bộ, người có uy tín,... để nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng.

Các buổi tuyên truyền đã góp phần thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân trong xã, đặc biệt đối với phụ nữ.

Các buổi tuyên truyền đã góp phần thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân trong xã, đặc biệt đối với phụ nữ.

Năm 2024, xã Thạch Kiệt thành lập thêm 3 tổ truyền thông (mỗi tổ gồm 10 thành viên) tại các khu: Dùng 1, Dùng 2, Minh Nga. Hiện nay, xã có tổng 4 Tổ truyền thông cộng đồng gồm 38 thành viên tham gia cùng với nhiều biện pháp kết hợp nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Dự án.

Qua các biện pháp tuyên truyền nhằm đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng. Hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế-xã hội tại địa phương như: Tham gia các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị,... giúp họ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong cộng đồng, từng bước xóa bỏ các định kiến giới và tập tục có hại, thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững cho phụ nữ và trẻ em.

Chị Hà Thị Thu Thảo- Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kiệt cho biết: “Để triển khai hiệu quả Dự án 8, Hội LHPN xã Thạch Kiệt đã trao đổi thống nhất với từng Tổ truyền thông cộng đồng lựa chọn hình thức hỗ trợ là loa kéo để Tổ truyền thông cộng đồng phục vụ hoạt động tuyên truyền được hiệu quả. Các tổ cũng được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông và phương pháp viết tin, bài truyền thông, xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số,...

Tổ truyền thông cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của người dân.

Tổ truyền thông cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của người dân.

Mục tiêu là 100% Tổ truyền thông cộng đồng ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ và cập nhật thông tin. Qua các cách truyền thông, các tổ sẽ thực hiện chiến dịch tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới và xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Các buổi tuyên truyền đã góp phần thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân trong xã, đặc biệt đối với phụ nữ. Họ biết vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, đi học nghề, nâng cao giá trị bản thân, tạo được tiếng nói trong gia đình và xã hội.

Đến nay, huyện Tân Sơn đã thành lập 68 tổ truyền thông cộng đồng tại 68 thôn, xã, với 138 thành viên tham gia. Công tác tuyên truyền được Hội Phụ nữ huyện tích cực thực hiện với 86 buổi tuyên truyền, có sự tham gia của cán bộ hội phụ nữ các cấp, về gia đình, phụ nữ, trẻ em; 8 hội nghị tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành tổ truyền thông với hơn 569 người tham gia; 5 chiến dịch truyền thông với 28 buổi truyền thông về định kiến giới, khuôn mẫu giới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ dần các hủ tục tại địa phương, thu hút hơn 15.000 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham gia.

Hội LHPN xã Thạch Kiệt phối hợp với Trạm Y tế xã Thạch Kiệt tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn.

Hội LHPN xã Thạch Kiệt phối hợp với Trạm Y tế xã Thạch Kiệt tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn.

Chị Đinh Thị Thu Hiền- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn chia sẻ: "Dù đối mặt với không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền như: Hạn chế về nhận thức, điều kiện địa lý nhưng chúng tôi vẫn xác định mục tiêu rõ ràng, lựa chọn những thành viên tham gia mô hình dự án là những người có uy tín, nhiệt huyết, trách nhiệm. Đặc biệt, họ là những người am hiểu địa phương, thông thạo ngôn ngữ dân tộc, phong tục tập quán của cộng đồng, điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của dự án".

Những thành tựu của Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Thạch Kiệt đạt được chính là mục tiêu, đích đến của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Những kết quả bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực trong thay đổi về nhận thức của người dân xã Thạch Kiệt nói riêng và trên địa bàn huyện Tân Sơn nói chung trong việc thay đổi, tiến tới xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em.

Bảo Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tu-nep-nghi-cu-den-cuoc-song-moi-223144.htm