Từ những con phố hóa thành sông đến bài toán chống ngập tại Hà Nội

Ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa lớn kéo dài đang biến nhiều con phố, đại lộ, khu đô thị mới hiện đại thành sông. Diễn biến phức tạp của mùa mưa bão năm 2024 đòi hỏi TP Hà Nội cần thêm các giải pháp để giải hết 'bài toán' thoát nước trên địa bàn.

Cơn mưa lớn từ ngày 23/7 kéo dài đến nay đã và đang khiến nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội bị ngập nặng, điển hình như nút giao Xa La - Nguyễn Xiển (Hà Đông), Cầu Bươu (Thanh Trì), khu đô thị Geleximco A Lê Trọng Tấn (An Khánh, Hoài Đức), khu đô thị An Khánh (Hoài Đức)...

Phố hóa thành sông

Vào cao điểm mưa lớn, khu vực khu đô thị Geleximco A Lê Trọng Tấn nhiều đoạn ngập sâu 30 - 40cm, nước tràn vào cửa nhà dân. Trong khuôn viên khu đô thị, nhiều xe ô tô đỗ trên vỉa hè bị ngập ngang bánh, không thể di chuyển, nhiều xe chết máy nằm trên đường.

Tương tự, giống như tình trạng ở khu đô thị Geleximco, tại khu đô thị An Khánh cũng “hóa vịnh” khi nước ngập sâu, nhiều điểm ngập đến nửa người, khiến mọi hoạt động của cư dân phải dừng lại, cuộc sống đảo lộn. Nhiều người thậm chí... tung ảnh bơi thuyền lên các trang mạng, thu hút sự chú ý lớn.

Vấn đề thoát nước, chống ngập vẫn là bài toán không dễ giải tại Hà Nội (Ảnh: Phạm Hòa)

Vấn đề thoát nước, chống ngập vẫn là bài toán không dễ giải tại Hà Nội (Ảnh: Phạm Hòa)

Cũng trong những ngày qua, tại đường Đàm Quang Trung (gần nút giao Cổ Linh, Long Biên) nước dâng cao gây ngập sâu. Công ty Thoát nước Hà Nội đã huy động xe chuyên dụng cùng công nhân để lập rào chắn, tiến hành bơm tiêu thoát nước tại tuyến đường này.

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các đơn vị thoát nước trên địa bàn TP đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý kịp thời các điểm ngập. Tại nhiều điểm nóng, các đơn vị thoát nước đã huy động 100% nhân lực, thiết bị ứng trực mở ga, bơm tiêu thoát nước, mở miệng cống thu nước vào hệ thống.

Cùng với đó là huy động các loại máy bơm di động, hệ thống phản lực tạo áp tăng cường thoát nước, mở cửa trữ nước hồ điều hòa, vận hành bơm 100% công suất để rút ngắn thời gian và mức độ úng ngập trên địa bàn..., tạo điều kiện để cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “bài toán” chống ngập cho khu vực nội thành Hà Nội vẫn còn rất nan giải, trong bối cảnh hạ tầng ngầm, hệ thống ao hồ thiếu liên kết, nhiều hồ điều hòa nước chưa thực sự hiệu quả, tình trạng cống ngầm ngập rác gây tắc nghẽn...

"Đọc vị" nguyên nhân

Bên cạnh nguyên nhân chính là mưa lớn kéo dài, thì nguyên nhân quan trọng khác khiến nhiều khu vực nội thành Hà Nội ngập sâu là bởi hệ thống thoát nước đang yếu và thiếu, đạc biệt là tình trạng các hồ điều hòa để phân chia nước, giảm áp lực cho hệ thống đường ống.

Đồng thời, mật độ các miệng cống hút nước từ mặt đường xuống cống ngầm còn chưa cao; tỷ lệ miệng ga hút nước còn thiếu, chưa phù hợp với công suất của ống cống ngầm.

Đáng chú ý, nhiều khu vực được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước nhưng vẫn để tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi. Thậm chí có nơi, người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán, cố tình bịt miệng cống để tránh mùi hôi thối bốc lên.

Hà Nội đang đẩy nhanh các dự án chống ngập nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lụt trong mùa mưa (Ảnh: Phạm Hòa)

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định bên cạnh lượng mưa lớn, công tác chống ngập trên địa bàn Thủ đô còn khó khăn bởi hệ thống thoát nước mưa tại nhiều khu vực nội thành hiện chưa giải quyết được cuối nguồn.

Cụ thể, nhiều khu đô thị chưa liên kết được hạ tầng thoát nước với trục thoát nước chính bên ngoài. Bản thân hệ thống thoát nước trục chính bên ngoài các khu đô thị, tại nhiều địa phương, cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, dẫn tới tình trạng mưa lớn là ngập sâu.

Nói thêm về nguyên nhân khiến các khu đô thị hiện đại phía Tây Hà Nội bị ngập nặng trong đợt mưa vừa qua, ông Nghiêm cho hay bên cạnh nguyên nhân chủ quan như trên, còn có những nguyên nhân khách quan như cốt nền các khu đô thị phía Tây rất cao, hầu hết các khu đô thị mới được cấp phép tại Hà Nội quy hoạch theo cốt nền mới, chia theo 4 vùng thoát nước đô thị.

Như tại nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - Đại lộ Thăng Long, đây là khu vực có cốt thấp nhất khu vực, theo đó khi có mưa lớn rất khó để tránh được tình trạng ngập lụt cục bộ.

Nỗ lực giải bài toán khó

Thực tế, theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, tại các điểm nóng thường xuyên xảy ra ngập lụt, điển hình như nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - Đại lộ Thăng Long, các ban, ngành chức năng TP Hà Nội đã lên phương án xây hầm ngầm và phương án đào thêm hồ điều hòa để thoát nước.

Tuy nhiên, theo Luật Đất đai sửa đổi, để hoàn thiện hệ thống thoát nước tại mỗi khu vực, trước hết phải hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm tại khu vực đó, nhằm tạo sự liên kết với trục thoát nước chính trong khu vực, xác định vị trí đào hồ điều hòa để thoát nước. Sắp tới, khi luật mới chính thức có hiệu lực, vấn đề này có thể sẽ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn.

Đề cập đến giải pháp chống ngập, GS. TS. Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho hay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng bể chứa nước ngầm ở những khu vực có mật độ xây dựng cao, vì vậy Hà Nội cần đẩy nhanh nghiên cứu triển khai các bể chứa nước ngầm, giảm úng ngập cục bộ trong bối cảnh đặc thù bê tông hóa của thành phố. Việc thiết kế đòi hỏi phải phù hợp với từng vị trí, bảo đảm được tính đa mục tiêu.

Thời gian qua, việc thực hiện các dự án thoát nước cũng được TP Hà Nội đẩy nhanh thực hiện. Điển hình, đối với các địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ như lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ (gồm các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông); lưu vực Long Biên (địa bàn quận Long Biên), TP có kế hoạch triển khai dự án đầu tư hệ thống thoát nước sử dụng vốn ngân sách.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đang triển khai một số dự án, như: Hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, Trạm bơm tiêu Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh); nâng cấp xây dựng Trạm bơm Phương Trạch (huyện Đông Anh); cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây tại Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (quận Hà Đông)...

Kể từ trận ngập lụt lịch sử năm 2008, Hà Nội đã chi hơn 15.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm. Với những giải pháp mới đang được triển khai, nhiều người đang kỳ vọng “bài toán” thoát nước trên địa bàn TP sẽ sớm được giải, đảm bảo đời sống xã hội, an cư cho người dân.

Theo dự báo mưa bão năm 2024, đối với các trận mưa có cường độ từ 50 - 70mm/h, trên địa bàn TP sẽ xuất hiện 11 điểm ngập úng (lưu vực sông Tô Lịch: 8 điểm, sông Nhuệ: 1 điểm và khu vực Long Biên - sông Cầu Bây: 2 điểm); đối với các trận mưa có cường độ từ 70mm/h trở lên, Hà Nội sẽ xuất hiện thêm 19 điểm ngập úng. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch là 8 điểm; sông Nhuệ: 8 điểm; Long Biên: 1 điểm và Đông Anh: 2 điểm.

Trước diễn biến thực tế, mới đây UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND, ngày 31/5/2024, về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 của Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND TP liên quan đến “Tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân”.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô là việc TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương, giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng, để chống úng ngập khu vực phố cổ.

Tây Phương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/tu-nhung-con-pho-hoa-thanh-song-den-bai-toan-chong-ngap-tai-ha-noi-1101272.html