Tu theo hạnh của Đức Phật Dược Sư

Thầy Tổ chúng ta có tục lệ cầu an đầu năm tụng kinh Dược Sư . Nhân đây, tôi gợi một số ý để quý vị suy nghĩ và thực hành cho đúng Chánh pháp cũng như truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

Xưa kia, Đức Dược Sư cũng là một con người như chúng ta, Ngài cũng sanh vào thế giới Ta-bà đầy đau khổ này, Ngài mới phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo để cứu độ chúng sanh. Từ đó, Ngài phát 12 đại nguyện và lấy những đại nguyện này làm mục tiêu phấn đấu trên bước đường tu, cuối cùng Ngài thành Phật danh hiệu là Dược Sư lưu ly quang vương Như Lai. Đó là tấm gương sáng nhất mà Đức Phật Thích Ca khuyên chúng ta nên học và nên tu theo hạnh của Đức Phật Dược Sư thì cuộc sống này luôn luôn được an lành trong mọi tình huống.

Chúng ta suy nghĩ kỹ 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư sẽ thấy điều đầu tiên là phát huy trí tuệ của mình. Vì Phật dạy phải có trí tuệ để thấy được nhân duyên sanh ra tất cả các pháp và mình thuận theo nhân duyên đó mà phát triển, mọi việc làm của ta sẽ luôn luôn được tốt đẹp. Còn người thiếu trí tuệ hay sợ, hay nghe, hay tin những điều không cần thiết sẽ bị người xấu lợi dụng, tác động làm cho tâm họ bất an dẫn đến mọi việc trong cuộc đời họ không bao giờ tốt được.

Vì vậy, phải phát huy trí tuệ, phải thấy được tất cả, phải biết được tất cả. Muốn thấy biết đúng đắn, phải giữ tâm mình thật yên tĩnh, vì tâm tịnh, trí mới sáng được. Nếu các Phật tử không tập trung được, để tâm tán loạn, mọi việc xấu sẽ tới với chúng ta. Tâm càng loạn động, hoàn cảnh càng xấu thêm, tâm càng yên tĩnh, hoàn cảnh từ từ lắng yên và tốt đẹp.

Thật vậy, trong những lúc khó khăn, nguy hiểm nhất trong cuộc đời tôi, tôi thường đọc tụng và suy nghĩ kinh, tức sống theo lời Phật dạy giúp cho tâm thanh tịnh. Và khi tâm thanh tịnh, hoàn cảnh bên ngoài cũng thanh tịnh, tốt theo. Vì tâm thanh tịnh, chúng ta thấy được chỗ nên tới, việc nên làm, người nên tiếp xúc, nhờ vậy chúng ta không mắc những sai lầm trên cuộc đời này thì những điều xấu không bao giờ tới với chúng ta được, dù hoàn cảnh xấu, nhưng đối với chúng ta không thể xấu được.

Đó là điều thứ nhất mà Đức Phật Dược Sư thực hành có kết quả thì ngày nay, các Phật tử cũng nên thực hành như vậy. Khi có những điềm không lành, những việc xấu xảy ra trong cuộc sống chúng ta thì nó bắt đầu từ tâm bất an. Tâm bất an chứng tỏ rằng ma chướng ở bên trong đã có. Chúng ta cần trấn áp tâm bất an này trước, nếu để tâm bất an thì ma bên ngoài sẽ tác động vào và nó sẽ dẫn chúng ta đi vào đường xấu. Nếu trấn áp được con ma bên trong thì ma bên ngoài không tác động được và từ từ hoàn cảnh bên ngoài sẽ tốt lần cho chúng ta. Đó là điều thứ nhất mà Đức Phật Dược Sư dạy rằng trí tuệ quan trọng nhất trong cuộc sống con người. Nếu để mất trí tuệ, điều xấu sẽ tới và những điều xấu khác cũng liên tiếp tới, cho nên trùng trùng duyên khởi, cuối cùng nó làm cuộc đời chúng ta hoàn toàn đau khổ, bị đọa.

Điều quan trọng thứ hai, khi Đức Phật Dược Sư tu hành đạo Bồ-tát trên cuộc đời này, Ngài không phạm phải sai lầm nào, gọi là thân trong sạch như ngọc lưu ly. Học hạnh này của Đức Phật Dược Sư, chúng ta cần tránh, không vướng phải mọi lỗi lầm trong cuộc sống, đương nhiên việc tốt phải tới với chúng ta. Cố gắng giữ thân tâm thanh tịnh. Đức Phật Dược Sư làm được thì chúng ta cũng phải làm được.

Vì vậy, khi bị người chê trách, chúng ta phải lắng lòng suy nghĩ xem chê trách của họ có đúng không. Nếu họ nói đúng, mình có lỗi thiệt thì mình sám hối, lạy Phật, tụng kinh, lấy đức của Phật trang nghiêm thân tâm mình, mình trở thành người hiền lành, đức hạnh, khiến mọi người thấy chúng ta tốt thực sự, nên không ai nghe, không ai chấp nhận những điều xuyên tạc, nói xấu mình. Ta không sợ những điều đó. Phật dạy sợ nhất là có lỗi lầm mà mình cố che giấu, không sửa đổi. Nếu lỡ phạm lỗi thì không che giấu, phải sửa đổi. Nếu không có lỗi lầm, coi như không có việc gì xảy ra.

Khi bị người chê trách, chúng ta phải lắng lòng suy nghĩ xem chê trách của họ có đúng không. Nếu họ nói đúng, mình có lỗi thì sám hối, lấy đức của Phật trang nghiêm thân tâm mình, nhờ đó mình trở thành người đức hạnh. Khi mọi người thấy chúng ta tốt thực sự sẽ không ai nghe theo những điều xuyên tạc. Phật dạy sợ nhất là có lỗi lầm mà cố che giấu, không sửa đổi.

Khi tôi mới làm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thời kỳ đó rất khó khăn, nhiều người chê trách. Hòa thượng Trí Thủ đến an ủi tôi, ngài nói nếu người ta chê trách thầy, thầy suy nghĩ xem mình có lỗi thiệt không. Nếu có lỗi thì sám hối. Không có lỗi, mình coi như gió thoảng mây bay, coi như là túc nghiệp của mình trả xong rồi, không còn nữa. Vì thế, họ nói nhưng không có tác dụng, họ không thể nói được nữa. Cần phải giữ cho tâm mình trong sạch thì không sợ bất cứ cái gì.

Điều thứ ba, khi chúng ta có đủ trí tuệ, có thân tâm trong sạch, chúng ta nhìn ra xã hội, thấy rõ những người đồng tâm niệm với chúng ta, những người đồng hạnh với chúng ta, chúng ta coi họ là người bạn đồng hạnh đồng nguyện, nói rõ là người tốt, thì chúng ta tiếp xúc với họ, hợp tác với họ để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Người không có trí tuệ, không có đạo đức thường muốn tập hợp quần chúng cho đông, mà quần chúng ô hợp, không cùng hạnh nguyện thì họ sẽ tranh cãi, hơn thua với nhau, cuối cùng gây khổ đau cho nhau, không có lợi gì.

Bồ-tát phải có Bồ-tát quyến thuộc. Muốn cứu nhân độ thế phải có nhiều người hợp tác, ta mới làm được, nhưng hợp tác với người xấu chắc chắn nguy hiểm, cần chọn người tốt mà hợp tác. Nhưng nếu ta không chọn được thì nhờ chư Phật, chư Bồ-tát, hộ pháp long thiên giúp đỡ. Tôi đã áp dụng pháp này. Tôi có nguyện rằng những người đồng hạnh, đồng nguyện với tôi thì xin chư Phật, chư Bồ-tát đưa họ tới để cùng với tôi hành Bồ-tát đạo cứu nhân độ thế trên cuộc đời này. Những người không đồng hạnh nguyện với tôi, họ vào đạo tràng muốn chi phối, muốn gây những chuyện khó khăn thì nhờ hộ pháp đưa họ đi, tôi không đuổi họ, hộ pháp đuổi họ. Vì những người ác xấu vào đạo tràng thanh tịnh, thực họ không giống ai, họ cũng không chiêu dụ được ai, không làm được gì, họ phải tự bỏ đi.

Lúc Hòa thượng Trí Tịnh còn sanh tiền, tôi thưa với Hòa thượng rằng nếu mình không phát triển và giữ tín đồ cho tốt thì ngoại đạo sẽ dụ họ hết. Ngài nói nhẹ nhàng: “Mấy người đó để ngoại đạo dụ họ đi cũng tốt thôi”. Tụng kinh Pháp hoa phải thấy ý này, xưa kia, trong hội Pháp hoa có đến năm ngàn người bỏ đi mà Phật nói họ đi cũng tốt. Những người đó là ai? Những người đó theo Đề-bà-đạt-đa qua núi Tượng Đầu để mưu cầu về chính trị, họ đi cũng tốt. Phật dạy như vậy thì ngày nay mình cũng vậy.

Cố gắng giữ thân tâm thanh tịnh và đồ chúng cũng thanh tịnh. Còn đồ chúng ô hợp, họ đi cũng tốt. Quý vị nhớ rằng chúng đông thì tốt, không đông cũng tốt, nhưng phải là người đồng hạnh đồng nguyện. Vì hành Bồ-tát đạo có sáu vạn hằng hà sa Bồ-tát tùng địa dũng xuất, có vị dẫn theo vô số quyến thuộc, có vị có vài trăm quyến thuộc đi theo, nhưng có vị chỉ có một mình.

Lãnh đạo Bồ-tát tùng địa dũng xuất là bốn vị thượng thủ: Thượng hạnh, Vô biên hạnh, Tịnh hạnh và An lập hạnh. Bồ-tát Thượng hạnh thích làm những việc khó làm, nên những người thích dấn thân, chịu khổ mới hợp tác với Ngài được. Những người sợ khó, sợ khổ, sợ chết làm sao đi theo Bồ-tát Thượng hạnh. Bồ-tát Vô biên hạnh là đa hạnh, giờ nào việc đó, hễ việc nào cần thì dấn thân, không tị hiềm việc lớn hay việc nhỏ.

Thể hiện điều này, Đức Phật Thích Ca có khi lên cung trời thuyết pháp cho chư thiên, có khi Ngài vào vương cung thuyết pháp cho vua, có khi Ngài xỏ kim cho bà già bên vệ đường. Ngài A-nan mới suy nghĩ Đức Phật là Thầy của trời người mà Ngài lại làm việc quá nhỏ như vậy. Đức Phật nói ở đây không làm việc này thì còn việc nào lớn hơn nữa mà A-nan có thể làm? Các Phật tử nên suy nghĩ, gặp việc đáng làm mình làm, đừng bỏ. Nhờ góp nhặt nhiều việc thiện nhỏ, lần lần tạo thành việc lớn, nhờ nhiều giọt nước nhỏ tích tụ sẽ trở thành một biển công đức.

Phật tử thấy người đi theo Bồ-tát Vô biên hạnh rất đông, vì Ngài hợp tác với mọi người, việc nào ngài cũng làm, cho nên nhiều người theo Ngài, kính trọng Ngài.

Bồ-tát Tịnh hạnh thì luôn giữ mình cho trong sạch, không tiếp xúc với ai, vì tiếp xúc nhiều, tâm càng động, không tốt. Ngài luôn sống trong thiền định thì không ai tới với Ngài, nên Ngài sống một mình.

Vị Bồ-tát thứ tư là An lập hạnh, ở bất cứ chúng hội nào, Ngài cũng không đụng chạm với ai, vì Ngài ở vị trí thích hợp nhất và làm việc tương ưng với khả năng, uy tín của Ngài, nên không ai tranh giành được. Tụng kinh Pháp hoa, chúng ta thấy hạnh của chư Bồ-tát để chúng ta học và làm theo. Trong đại chúng, mình biết nên làm gì, nói gì mà người ta có thể nghe được, chấp nhận được thì mình nói, mình làm, không phải việc nào cũng nói, việc nào cũng làm được.

Nhận được yếu lý của kinh Pháp hoa, khi vào Phật học đường Nam Việt, tôi tình nguyện dọn dẹp nhà vệ sinh, một việc mà không ai tranh giành. Đó chính là tinh thần An lập hạnh, những chỗ có quyền lợi, có tranh chấp thì nên tránh.

Đức Phật giới thiệu bốn vị Bồ-tát mẫu, mình thích hợp hạnh nào thì theo vị đó mà làm. Đây là cốt lõi kinh Pháp hoa, Phật tử trong đạo tràng nên nhớ, nên học, nên làm, chắc chắn con đường ta đi sẽ tốt đẹp và đạo tràng sẽ thanh tịnh.

Trở lại kinh Dược Sư, khi ba việc đầu tiên thành tựu, qua nguyện thứ tư, Đức Phật Dược Sư nói: “Những người tu theo tà đạo thì Ta khiến họ trở về chánh đạo…”.

Những người tu theo tà đạo là những người xấu ác, mê tín dị đoan, trước kia họ nhục mạ mình, nhưng nay họ thấy mình tu có kết quả là tâm mình lần lần tốt, trí mình sáng ra và việc làm của mình được nhiều người theo, trong khi họ theo tà đạo chỉ toàn gánh lấy kết quả xấu, họ mới xin trở về với mình thì mình hoan hỷ chấp nhận. Đây là nguyện thứ tư độ người, nhưng muốn độ người phải có trí tuệ, thân tâm thanh tịnh và có nhiều bạn đồng hạnh đồng nguyện hợp tác. Chưa hoàn thành ba điều này mà nghĩ độ người thì chỉ mang họa vào thân thôi.

Vì vậy, Phật khuyên mình nên tu chánh đạo, điều tốt sẽ đến với mình, những điều xấu từ từ xa mình. Những điều tốt là gì? Năm điều tốt trong cuộc sống là tâm an, trí sáng, ngoại hình dễ coi, khỏe mạnh, có nhiều bạn tốt và có nhiều tiền của. Điều quan trọng thứ nhất là có tâm an lành thì thân tự nhiên khỏe mạnh. Thân khỏe và tâm an là hai điều chính trong cuộc sống con người, gọi là nội tài, nhưng đánh mất hai điều quý báu này thì những thứ khác trở thành vô nghĩa.

Thí dụ có nhiều tiền của, nhưng quanh năm ở nhà thương thì tiền của đó có làm mình vui không. Trái lại, quanh năm suốt tháng không đi bệnh viện, tôi nghĩ như vậy tốt nhất. Thân mình khỏe, tâm mình an là hạnh phúc nhất, cho nên giàu hay nghèo cũng được, vì điều này do phước báo đời trước của mình tạo thành. Bạn bè đông cũng được, mà sống một mình cũng được, điều này do nhân duyên của mình đối với cuộc đời. Người tốt có bạn bè đông, nhưng số đông này phải là người tốt, vì đông mà không tốt sẽ có hại cho chúng ta hơn là lợi. Phật nói chúng Bồ-tát làm việc không vì quyền lợi bản thân, nhưng vì quyền lợi cho tất cả mọi người, nên thế giới Phật, thế giới Bồ-tát là thế giới an lành. Điển hình như thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà không có người ác, ai còn tâm ác không thể nào về thế giới Cực lạc được, vì Phật nói ở thế giới Cực lạc, tên ba đường ác còn không có.

Còn ở thế giới của Đức Phật Dược Sư, tâm của tất cả mọi người trong sạch như ngọc lưu ly, không có tì vết. Tụng kinh Dược Sư thấy Phật Thích Ca dạy tu theo hạnh nguyện của Phật Dược Sư là cứu đời giúp người thì mình phải cố gắng giúp người khó khăn và xây dựng cuộc đời này tốt đẹp thêm.

Phải lo sửa mình cho đến không có tì vết, bấy giờ bạn bè đông, mọi người tới với mình, mình giúp được gì thì giúp, không giúp được cũng không sao.

Riêng tôi, trên bước đường tu, nhìn thấy cuộc đời này có ba hạng người. Hạng người thứ nhất là quyến thuộc Bồ-đề là những người bạn tốt của nhau ở trong quá khứ, cho nên sanh lại cuộc đời này, gặp lại nhau, đương nhiên là tốt. Thật vậy, khi tôi sang Nhật học, gặp Hòa thượng Ito, lúc đó, tôi mới ngoài hai mươi tuổi, ông cụ đã 60 tuổi. Ông ra phi trường đón tôi, vì ông là Trưởng ban Phật giáo quốc tế của Nhật. Ông nói một câu rất dễ thương rằng mình là bạn của nhau từ nhiều kiếp quá khứ. Ông mất rồi, tôi thờ ông ở chùa Huê Nghiêm để tụng kinh hồi hướng cho ông, vì nhớ đến ơn đức của ông đã nhiệt tình giúp đỡ thuở ban đầu tôi tu học ở Nhật. Những người tốt với mình thì mình nên kết hợp trước, vì nếu không có bạn tốt không làm được việc. Phải thấy rõ những người bạn tốt để mình tập hợp, làm Phật sự.

Hạng người thứ hai không thương cũng không ghét mình, không ác cũng không tốt với mình. Phật nói hạng người này, mình chưa làm việc ác, cũng chưa làm việc thiện với họ trong kiếp quá khứ. Vì nếu mình đã ác với họ trong kiếp quá khứ, thì bây giờ gặp lại, họ phải ghét mình. Nếu mình đã làm thiện với họ ở kiếp quá khứ, nay thấy mình, họ thương. Vì vậy, mình biết bây giờ có thể làm gì tốt cho họ, làm gì họ cần thì mình sẵn lòng. Trên bước đường tu, mình làm được gì thì làm ngay, bỏ qua cơ hội làm việc tốt rất uổng phí. Thí dụ đơn giản như trên chuyến xe, gặp người lớn tuổi, có thể nhường chỗ ngồi cho họ, hay dìu họ lên cầu thang, hoặc dắt họ băng qua đường... Làm như vậy, dù là việc nhỏ nhưng phát xuất từ tình thương chân thật của mình cũng sẽ lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng họ, họ quý mình thì kiếp sau gặp lại, họ dễ có thiện cảm với mình.

Hạng người thứ ba, dù mình nói tốt, nói phải cách mấy, họ cũng không chấp nhận. Bằng mọi cách, họ cứ chống thì mình để họ chống và mình chuẩn bị cho họ chống thì họ không chống được đâu. Vì mình biết họ chống cái gì, chống cách nào, nên khi họ chống cái đó, mình sửa cái đó, đỡ cái đó, làm sao họ chống được. Thiết nghĩ họ luôn tìm cái xấu của mình, tì vết của mình để chỉ trích, nhưng không tìm thấy thì làm sao chỉ trích. Cuối cùng hạng người này không thể chỉ trích mình được nữa, mình cũng có thể độ họ được. Đây là tâm của Phật, của Bồ-tát và việc làm của các Ngài.

Lịch sử từng ghi Đề-bà-đạt-đa chống Phật tối đa. Ông đã dụ năm ngàn người bỏ Phật để ông dắt vô núi Tượng Đầu tu. Nhưng theo ông đến đó tu tà đạo thì mất phước lần, họ không chịu được nữa, mới bỏ ông, chỉ còn vài đệ tử trung thành ở bên cạnh ông mà lúc đó, ông bệnh sắp chết. Ông nói tụi con thương thầy thì đưa thầy về sám hối với Đức Phật, trước khi thầy chết. Hai đệ tử trung thành nhất dẫn ông về chùa Trúc Lâm, gặp Phật. Ông còn kịp nói hai tiếng Mô Phật, rồi ông chết, ông thực sự hối hận tội ác của mình. Và Phật đã thọ ký cho ông trong tương lai sẽ phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát đạo, viên mãn hạnh Bồ-tát, ông cũng thành Phật hiệu là Thiên Vương.

Như vậy, hành Bồ-tát đạo, trước hết mình độ những người có duyên với mình, những người chưa có duyên thì kết duyên, người ác để một bên, cuối cùng mình cũng độ được. Và khi độ được tất cả mọi người có duyên và không có duyên, cuối cùng mình thành Phật. Đó là điều thứ tư tu theo Phật Dược Sư.

Điều thứ năm, khi tu phạm phải sai lầm đáng đọa địa ngục, mà họ không bị đọa, vì họ nghĩ đến Đức Phật Dược Sư và nhờ Đức Phật Dược Sư cứu. Điều này nhắc nhở chúng ta nên giúp đỡ bạn bè đồng tu. Vì tất cả Phật tử đạo tràng Pháp Hoa cùng tu, nhưng không phải lúc nào mình hay bạn cũng tốt, cũng có lúc mình và bạn đều sơ suất. Học hạnh Dược Sư, bạn đồng tu nên tìm cách giúp đỡ lẫn nhau, đừng tìm cách chỉ trích nhau và hơn thế nữa, tìm xem nguyên nhân khó khăn của bạn để mình tránh, không bị như vậy.

Đó là ý nghĩa của năm điều quan trọng mà Đức Phật Dược Sư đã thực tập và hoàn thành viên mãn. Còn lại bảy hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư, trong một tháng chuyên tụng kinh Dược Sư, các Phật tử nên suy nghĩ. Phật Dược Sư dạy rằng đọc tụng, suy tư, dạy người làm phước thì được công đức không thể nghĩ bàn. Cho nên mình đọc, suy nghĩ, giúp bạn đồng tu để xây dựng cuộc đời này tốt đẹp thêm, mới có công đức to lớn. Vì mình có đồng hạnh, đồng nguyện với Đức Phật Dược Sư, Ngài sẽ gia hộ cho mình, chắc chắn cuộc sống mình sẽ được tốt đẹp, an lành.

Nhân dịp đầu năm, tôi cầu nguyện cho Tăng Ni, Phật tử luôn sống trong an lành và phải học hạnh của Đức Phật Dược Sư, làm theo Ngài, để chúng ta được sanh về thế giới của Đức Phật Dược Sư, cũng trong sạch như Đức Phật Dược Sư và thành Phật trong tương lai.

Khai thị đầu xuân 2024 ở chùa Huê Nghiêm

Hòa thượng Thích Trí Quảng/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tu-theo-hanh-cua-duc-phat-duoc-su-post70928.html