Từ trang sách: Thiên nhiên huyền bí

Thiên nhiên xung quanh chúng ta lúc nào cũng ẩn chứa những bí ẩn chờ đợi con người khám phá.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Với tác phẩm “Thiên nhiên hoang dã”, độc giả sẽ có cơ hội được khám phá từ A tới Z về thế giới đầy kì diệu và thú vị ấy.

Từ những đặc điểm “gây sốc”…

Ngay từ những trang sách đầu tiên, độc giả sẽ “bật ngửa” với các thông tin liên quan tới những con vật tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong… truyện khoa học viễn tưởng.

Đó là vào năm 1960, khi tàu ngầm Trieste lặn sâu tới 10.912m tại khu vực rãnh Mariana, hai nhà nghiên cứu Jacques Piccard và Don Walsh đã rất bất ngờ khi “thứ đầu tiên họ nhìn thấy là… một con cá”. Điều này khiến giới nghiên cứu “sửng sốt vô cùng”, bởi họ “cứ tưởng rằng trọng lượng của nước ở độ sâu như thế sẽ nghiền nát mọi thực thể sống”.

Nếu dưới đáy biển sâu tối tắm mịt mù như vậy vẫn có sinh vật sống, vậy ở trên đỉnh núi cao chót vót có loài vật nào sinh sống hay không? Câu trả lời là có: “Loài bò Yak ở Tây Tạng sung sướng vô tư đi trên đỉnh của dãy Himalaya ở độ cao cho tới 6.000m. Nhiệt độ -17oC được chúng coi là hơi mát mẻ chút chút”.

Từ sự đa dạng về môi trường sống, các loài vật còn có sự khác biệt về kích thước cơ thể. Nếu như con cá voi xanh là “con thú to nhất từng có trên Trái đất” dài tới 32m và nặng tới 130 tấn, thì trên thế giới này cũng đồng thời tồn tại những con vật rất nhỏ bé, chẳng hạn như chim ruồi Helenae chỉ dài 5,7cm và nặng 2g, hay con cá bống lùn thậm chí còn nhỏ hơn nữa khi chỉ dài 1,2cm.

Càng lật giở, tìm hiểu các trang sách tiếp theo, độc giả sẽ càng đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau những ngạc nhiên trước ngoại hình hay môi trường sống “dị”, độc giả lại tiếp tục mắt tròn mắt dẹt khi thấy những giác quan “khủng” của các loài vật.

Từ “khứu giác của con người kém hơn khứu giác của con chó tròn một triệu lần”, cho tới “con đại bàng đá có thể nhìn thấy một con thỏ đứng dưới đất cách xa chỗ nó tới 3,2km”; hay “một con dơi mũi lá xứ California có khả năng nghe tiếng đi của các loài côn trùng”… quả thực, các loài thú sở hữu trên mình những loại giác quan tốt hơn hẳn so với con người.

… cho tới mối quan hệ giữa các loài trong tự nhiên

 Bìa sách 'Thiên nhiên hoang dã'. Ảnh: Tấn Quyết.

Bìa sách 'Thiên nhiên hoang dã'. Ảnh: Tấn Quyết.

Không chỉ mang tới cho độc giả những thông tin “độc lạ” về các loài vật, tác phẩm còn thể hiện một cách sinh động, rõ nét về mối quan hệ giữa chúng trong tự nhiên. Đó là mối quan hệ cộng sinh – hiện tượng khi thú vật giúp đỡ lẫn nhau.

Chẳng hạn như con chim Báo Mật dù rất yêu thích mật ong, nhưng lại không thể chống chọi lại “những con ong giận dữ”. Vậy là chúng đã sử dụng tiếng kêu của mình để dẫn đường cho những con lửng tới tổ ong. Bởi không sợ ong, con lửng dễ dàng giật tổ ong xuống để liếm mật, đồng thời tạo điều kiện cho chú chim Báo Mật hưởng phần mật thừa.

Hay có một mối quan hệ cộng sinh giữa sứa Gallere và cá Nomeus: Trong khi cá sẽ giúp vệ sinh những xúc tu của sứa, thì sứa sẽ sử dụng chính xúc tu chứa nọc độc ấy để giết con mồi, cung cấp thức ăn cho cả hai.

Nhưng các loài trong thế giới tự nhiên đâu phải lúc nào cũng sinh sống hòa thuận với nhau. Trên thế giới có rất nhiều loài ăn cỏ, và tất nhiên, thức ăn của chúng là các loại cây cỏ. Tuy nhiên, trong thế giới tự nhiên cũng tồn tại đồng thời những loài động vật ăn thịt.

Những con vật ăn thịt như hổ, báo, sư tử, rắn… mỗi khi cảm thấy đói lại dành thời gian để săn đuổi con mồi nhằm kiếm tìm đồ ăn. Bọn chúng rất tinh khôn khi sử dụng đủ mọi mánh khóe để tiếp cận con mồi một cách thuận lợi nhất: Rắn cây màu xanh lục miền Trung Mỹ lợi dụng màu da để giả làm cành cây, tiếp cận và bắt đi những chú chim non trong tổ.

Hay gấu trắng Bắc Cực khi di chuyển trong màn mưa tuyết thường “dán sát người xuống đất, đẩy một đống tuyết chuyển dịch phía trước nó” để che đi cái mũi màu đen, nhằm dễ dàng tiếp cận con mồi hơn… Để chống lại những thủ đoạn tinh ranh của loài vật ăn thịt, các loài vật ăn cỏ cũng có cách phòng thủ của riêng mình: Chúng có thể tự vệ bằng những cái gai như con nhím hay con cá nhím, tạo ra mùi hương không mấy dễ chịu như loài chồn hôi, hoặc đơn giản tận dụng tốc độ để chạy thoát khỏi kẻ truy đuổi. Mối quan hệ ấy lặp đi lặp lại thành một vòng tròn, tạo nên mạng lưới thực phẩm trong tự nhiên, khiến các loài phải phụ thuộc vào nhau để có thể sinh tồn.

Với tác phẩm “Thiên nhiên hoang dã”, tác giả Nick Arnold đã mang đến cho độc giả những thông tin đầy thú vị và độc đáo về thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta. Những thông tin ấy phần nào giúp độc giả có cơ hội được làm giàu thêm vốn kiến thức về Trái đất – ngôi nhà chung của muôn loài.

Với giọng văn hài hước, dí dỏm, cùng với những bức tranh minh họa sinh động, tác phẩm “Thiên nhiên hoang dã” được xuất bản bởi Nhà xuất bản Trẻ đã thu hút độc giả đi qua từng trang sách, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên đầy bí ẩn nhưng cũng không kém phần rực rỡ, thú vị.

Tấn Quyết

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-trang-sach-thien-nhien-huyen-bi-post718398.html